Chiều 26/12, trong ngày thứ hai phiên xét xử phúc thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) cùng 19 người khác được nêu quan điểm bào chữa về đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, Viện Kiểm sát đề nghị giảm từ chung thân xuống 20 năm tù cho bị cáo Lan với cáo buộc 32 lần nhận hối lộ của 8 đại diện doanh nghiệp, tổng cộng 25 tỷ đồng. Ở phiên sơ thẩm, cựu Cục trưởng đã nộp 1,2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan tại toà sơ thẩm.
Tự bào chữa trong phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lan mong Hội đồng xét xử đánh giá về "ý thức khắc phục hậu quả". Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự nói, bản thân là trụ cột chính của gia đình, các tài khoản, tài sản đều do bị cáo đứng tên nên gia đình không còn tài sản nào khác.
Sau ngày xử đầu tiên, bị cáo đã thông qua luật sư nhờ bạn bè giúp được 5 tỷ đồng để nộp thêm khắc phục. Chứng từ về việc nộp thêm tiền đã được luật sư xuất trình cho chủ tọa.
Bị cáo này sau đó phân trần, lúc tổ chức chuyến bay chỉ nghĩ rằng nhận tiền "cảm ơn" của doanh nghiệp sau khi giúp đỡ họ làm xong công việc. Chỉ khi bị bắt, bị cáo mới nhận thức được việc nhận quà, tiền là sai.
Phần lớn tiền nhận hối lộ, bị cáo chuyển vào tài khoản để mua chứng khoán, trái phiếu, số còn lại dùng chi tiêu cá nhân. Từ khi vướng lao lý, các tài khoản đều bị phong tỏa nên tiền đầu tư cũng "kẹt" trong đó.
Trước đó, trong phần luận tội, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lan từ án tù chung thân xuống 20 năm tù. Viện Kiểm sát ghi nhận việc bị cáo tự nguyện phát mại các tài sản hiện có để khắc phục hậu quả vụ án.
Vào tháng 11/2023, Công đoàn Bộ Ngoại giao, Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao đã có đơn gửi Hội đồng xét xử xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan do có nhiều đóng góp cho ngành.
Cùng với đó, bản thân bị cáo cũng có nhiều thành tích trong quá trình công tác, được tặng thưởng các huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen của nhiều bộ, ngành.
Bị cáo Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - cũng được Viện Kiểm sát đề nghị giảm 3 - 4 năm (án sơ thẩm 16 năm). Đứng trước bục tự bào chữa, bị cáo Dũng liên tục dùng một tay đỡ ngực, cúi đầu, xin Hội đồng xét xử cho hưởng án khoan hồng để sớm trở về với gia đình.
Là một trong 5 người bị Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ y tế) nói đã bị chỉ trích rất nhiều từ dư luận nên mong được mức án khách quan, công bằng.
Dù bị đề nghị án cao nhất so với các bị cáo nhưng bị cáo Kiên "đã mạnh dạn đối diện với sự thật, từ bỏ sự tham lam về vật chất" để vận động gia đình khắc phục hết hậu quả.
Bị cáo Kiên khai, ngoài số tiền bị cơ quan điều tra chứng minh, bị cáo còn chủ động khai báo về số tiền nhận của khách lẻ. Từ đây vụ án cũng được sáng tỏ hơn nên bị cáo mong được hưởng tình tiết "lập công chuộc tội".
Chiều muộn cùng ngày, các luật sư tiếp tục tham gia bào chữa cho các bị cáo, sau đó đại diện Viện Kiểm sát sẽ đối đáp với các quan điểm bào chữa.
Theo VTC