Vụ tai nạn kinh hoàng do tại Long Biên cướp đi sinh mạng của 3 người vô tội đã khiến nhiều người băn khoăn về việc có nên cứu người gặp nạn hay không. Có quá nhiều ý kiến trái chiều, cũng có nhiều quan điểm đưa ra. Và mỗi người đều có cách nhìn nhận, đánh giá và những lý do khác nhau.

Nhà báo Khải Đơn, một cây viết khá nổi trong làng báo đã có những nhận định và quan điểm xung quanh việc có nên cứu người gặp nạn hay không, sau vụ xe camry gây tai nạn vào ngày hôm qua 29.2:

"Sáng nay tôi xem cái clip ngắn chiếc xe hơi hất vài con người lên. Và họ chết. Sau đó tôi đọc thấy câu chuyện của một cô giáo kể về lúc đưa em bé đi bệnh viện, ở góc khác của vụ tai nạn.

Cô viết: "Mọi người chặn được một chiếc xe tắc xi. Khi mấy người bế cháu lên đưa ra xe thì tắc xi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi. Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một cái xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát. Xe tải nhỏ của công an phường xuất hiện. Mình nói các chú đưa cháu đi. Mọi người bế cháu đặt xuống lòng xe tải. Hai bên có ghế. Mình lên ca bin (Vì mình bị huyết áp cao nhìn học trò như vậy mình sợ mình không chịu đựng được). Xe bắt đầu chuyển bánh mình nhìn lại đằng sau chỉ có một mình cháu nằm chơ vơ giữa lòng xe tải. Những người bế cháu lên không ai ngồi với cháu. Mình bảo lái xe đỗ lại để nhờ những người có mặt ai đó ngồi sau với cháu."

Chuyện đó làm tôi nhớ một thứ từng xảy ra với bản thân mình. Hồi mới vào đại học, tôi lái xe cub đưa bà ngoại về nhà. Một chiếc xe máy khác cắt đầu và cả hai bà cháu ngã xuống.

 cuu mot ai do... - 1

Nhà báo Khải Đơn chia sẻ về chuyện cứu người

Không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi bị mất kiểm soát và ngã xuống đường. Tôi mở mắt, nhìn thấy người xung quanh, nhưng không đứng dậy được. Đám đông vây lấy tôi. Tôi thấy cả bà ngoại mình quỳ xuống và lay mình, nhưng không cử động được.

Khi đó, một phụ nữ gầy và mặc đồ bà ba đã quỳ xuống đỡ đầu tôi. Bà cứ liên tục nhờ ai đó chở tôi đi đến bệnh viện. Bà ngoại tôi run rẩy vuốt má tôi nhưng không biết làm gì hết. Chẳng ai làm gì.

Người phụ nữ đó cuối cùng nói được một ai đó đồng ý chở tôi. Bà cùng hai người khác bế tôi lên sau xe máy và bà ngồi ngoài đỡ tôi. Tôi mở mắt nhìn, không cử động được. Rồi nhắm mắt lại.

Khi nằm trên băng-ca vào bệnh viện, tôi thấy những người xung quanh đi lại. Một lần nữa, cũng là người phụ nữ đó nắm áo từng người lại hỏi cấp cứu cho tôi. Bà phải nói bà là người nhà.

Khi mở mắt lần nữa, thì mẹ tôi đã đến. Có một y tá trong bệnh viện là hàng xóm của mẹ đã thông báo cho mẹ đến. Khi ấy, bà chào mẹ tôi vội vã rồi đi.

Hình ảnh của bà được lật lại trong tâm trí nhiều lần sau này. Mẹ mải khóc lóc chẳng còn nhớ ra bà là ai, tên gì. Bà biến mất như một làn khói, sau một chuyến xe ôm dài, với thân thể mà tôi nhớ là gầy gò đã bế tôi sau xe. Tay bà giữ chặt cổ tôi, không cho cử động theo nhịp xe bị xóc.

Có những câu hỏi bật ra mỗi khi cố nhớ về bà:

- Nếu hôm ấy bà không xuất hiện, ai sẽ bế tôi vào bệnh viện? - Nếu không phải bà gọi hết người này đến người nọ, ai sẽ chịu chở tôi đi? - Nếu bà không liều mình nhận là người nhà, cuộc bắt đầu khám bệnh của tôi sẽ bắt đầu lúc nào? - Và nếu mẹ tôi không đến, bà sẽ trải qua cả một ngày vì kẻ bị tai nạn xa lạ kia sao?

Những câu hỏi đó chính là rào cản khiến người ta không đủ can đảm dừng xe lại, hay đón một nạn nhân vương vãi máu trên ghế sau xe mình.

Các định chế ràng trói con người ta. Người làm việc cứu giúp tự dưng bị thảy vào một mớ lùng nhùng những rắc rối không liên can gì đến họ. Với xung quanh, họ tự dưng phải cầu xin người khác giúp. Với bệnh viện, phải chi tiền, ký biên bản, nhận là người nhà, đóng tạm ứng tiền khám chữa bệnh. Tệ hơn, với chính nạn nhân, họ bị người nhà cáp luôn vào tội "thằng gây tai nạn" .

Thật kỳ lạ, tại sao nạn nhân phải có ai đó được gọi là "người nhà"? - Tự thân thể họ không thể là bệnh nhân hay sao? Tại sao bệnh viện lại nhiệt tình níu kéo người đưa cái thân thể đó đến? - Họ sợ điều gì sẽ thay đổi tính chất của một người bệnh? Người thực hiện việc giúp đỡ chịu nhiều rắc rối đến lúc chuyện đó biến thành đồn thổi. Ai cũng cứng đờ lại vì sợ hãi mỗi khi bắt gặp người cần cứu giúp trên đường. Không. Chẳng ai muốn liên đới vào các hậu quả rối tinh rối mù cả.

Rõ ràng. bệnh viện không có chức năng điều tra, vì thế các nhân viên y tế chẳng cần phải lôi kéo, trì néo hay ép buộc cái người đưa đến kia, ép họ nhận là người nhà, hay người liên đới cho bằng được.

Cái thân thể bệnh tật cần cấp cứu đã đủ tính chất tên là "bệnh nhân" mà một ngành y có sử dụng thuế của người dân phải cứu chữa rồi. Nhưng một số bệnh viện muốn thu đủ viện phí, muốn có ai đó chịu trách nhiệm nếu lỡ đây là một vụ giết người, muốn dễ dàng trả lời nếu ai đó từ cơ quan chức năng sờ đến, muốn đơn giản dễ dàng ghi một hồ sơ bệnh án đầy đủ, nên cứ phải ràng cho được một "người thân" vào thân thể đang nằm kia. Trách nhiệm được quàng lên vai người lạ.

Vô hình, nó hóa thành nỗi sợ. Chẳng một công dân bình thường nào muốn một việc làm tốt mình ghé ngang hóa thành thảm họa. Mình sẽ đóng vai thằng mang tội hay người nhà trả tiền viện phí. Họ hoảng sợ, không muốn dây vào.

Tôi luôn tự hỏi lòng tốt nào đã khiến người đàn bà kia chịu chông chênh ngồi sau xe máy và bế tôi trên người? Sự nỗ lực gì đã khiến bà đứng đó xin xỏ và thuyết phục từng người, cho đến khi một chiếc xe máy chịu chở tôi vào bệnh viện?

Để làm một việc tốt, chưa bao giờ là một thứ không phải nỗ lực. Nhưng cách hành xử để biến hành vi lương thiện thành sự hoảng sợ của người dân, để họ cắn răng bỏ chạy khỏi xung quanh vì quá lo sợ bị liên lụy, thì đó là một ý tưởng tàn bạo.

Một ngày, khi cầm tờ báo và đọc thấy bản tin một người đưa giúp ai đó vào bệnh viện, đã chầu chực cả đêm trong bệnh viện để đóng vai người nhà, sáng ra lại bị người nhà nạn nhân xông vào đánh đập vì... tưởng là thằng gây tai nạn, tôi giật mình hoảng sợ.

Đến một lúc, mầm ác được gieo lên những điều lương thiện nhỏ nhoi, thì người ta phải nuốt trôi bao nhiêu cơn sợ hãi để làm một việc tốt?

Theo Eva/ khám phá