Quán trà A-Mei ở Cửu Phần với những đèn lồng đỏ đặc trưng.
Phố cổ lãng mạn
Được thành lập từ thời nhà Thanh, Cửu Phần là ngôi làng tương đối biệt lập với thế giới bên ngoài. Cho đến cuối thế kỷ XIX, đế quốc Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan và đã phát hiện ra các mỏ vàng ở đây. Rất nhiều người đổ đến Cửu Phần để đào vàng, chính điều này đã hình thành nên những khu phố sầm uất dọc theo sườn núi.
Tuy nhiên, sau chiến tranh thế giới lần thứ II cho tới năm 1971, các mỏ vàng dần bị đóng cửa, Cửu Phần trở nên hoang vắng. Phải tới năm 1989, khi bộ phim “City of Sadness” của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền lấy bối cảnh ở Cửu Phần thành công vang dội, nơi đây mới được tái sinh. Kể từ đó khách du lịch nườm nượp kéo tới, nhà hàng, quán ăn, phòng trà, cửa hàng lưu niệm mọc lên khắp nơi. Hiện nay, ở Cửu Phần vẫn còn rất nhiều tòa nhà được xây dựng từ thời kỳ Nhật Bản đô hộ. Bên cạnh đó, các quán cà phê, quán trà phong cách Trung Quốc và Nhật Bản cổ điển, các nhà hàng món ăn địa phương là điểm nhấn của thị trấn nhỏ trên núi này.
Có lẽ Cửu Phần lãng mạn nhất là vào buổi tối, đặc biệt khi có những cơn mưa lất phất. Khi đó những con phố nhỏ lát đá ngoằn ngoèo loang loáng ánh nước, những chiếc ô đủ màu sắc nhấp nhô. Dưới tán ô rộng là khách du lịch, là những cặp đôi nép vào nhau, nắm tay thì thầm to nhỏ. T
rong lất phất mưa bụi, thật thú vị khi ngồi bên khung cửa của quán cà phê được trang trí rất xinh xắn hay bên trong quán trà, bên cạnh là ấm trà hay cốc cà phê thơm nồng, bốc hơi nghi ngút, phóng tầm mắt ra phía xa ngắm cảng Keelung hoặc đơn giản chỉ là dòng người đang đi dưới phố. Bạn sẽ thấy nhẹ nhàng, bình yên. Cửu Phần có hai quán trà lâu đời rất nổi tiếng là Jiufen Teahouse có từ năm 1991. Quán làm bằng gỗ, trang trí rất đơn giản nhưng lại khiến du khách cảm thấy dễ chịu và ấm cúng. Quán trà thứ hai là A Mei Teahouse với hàng đèn lồng đỏ và những khung cửa sổ lãng mạn rực rỡ về đêm.
Điểm hấp dẫn khác của Cửu Phần chính là ẩm thực. Rất nhiều món ăn địa phương thơm ngon đang chờ bạn khám phá như chè khoai lang dẻo, bánh dứa, đậu hũ thối, bánh khoai môn hấp, hải sản chiên giòn, kem cuốn đậu phộng... Những món ăn ở Cửu Phần không quá dầu mỡ, không cay nồng mà vừa vị. Cửu Phần chỉ có vài con phố nhưng dường như tinh hoa ẩm thực Đài Bắc đều tụ hội ở đây nên có thể nói Cửu Phần chính là thiên đường của ẩm thực đường phố. Bạn sẽ thấy mình cần phải ở nơi này cả tháng mới có thể thưởng thức hết những món ăn ngon.
Cửu Phần là ngôi làng dựa vào núi và hướng ra biển.
Khám phá thiên nhiên
Ngoài ăn uống, mua sắm, thư giãn, Cửu Phần còn có cảnh đẹp thiên nhiên ngoạn mục. Khi đứng ở làng cổ, bạn có thể nhìn thấy Cửu Phần được bao bọc bởi núi và biển. Vẻ đẹp của Cửu Phần sẽ ấn tượng hơn khi bạn đứng trên các ngọn núi và thu vào tầm mắt vẻ đẹp hùng vĩ của nơi này. Có hai sự lựa chọn cho những khách du lịch muốn đi bộ đường dài là núi Jilong và núi Teapot.
Núi Jilong màu xanh thẫm vươn lên sừng sững giữa biển khơi, chỉ cao 588m nên không phải là một thử thách đối với các nhà leo núi chuyên nghiệp. Những người chưa có kinh nghiệm leo núi hoàn toàn có thể thử sức. Núi Teapot có độ cao 730m so với mực nước biển và có tuyến đường đi bộ dài 4,3km nên có thể đi về trong ngày. So với Jilong thì leo núi Teapot khó và dốc hơn một chút, nhưng có biển chỉ dẫn rất rõ ràng, những đoạn phải leo thì có dây và lan can bám.
Chỉ mất từ 2 giờ đến nửa ngày đi bộ là bạn có thể đứng trên đỉnh núi và ngắm nhìn toàn bộ thành phố Đài Bắc, Keelung và Neihu. Cả một màu xanh của những cánh rừng trải dài đang ở dưới chân bạn, núi Keelung và vô vàn những hòn đảo nhỏ và vịnh như một con rồng đang uốn mình trên biển. Vào những ngày trời trong, bạn có thể nhìn thấy cả tháp Taipei 101 - niềm tự hào của Đài Loan. Lưu ý khi đi leo núi là bạn hãy mặc quần áo rộng rãi và thấm hút mồ hôi, mang theo mũ nón rộng vành và một đôi giầy thể thao/ trekking tốt có đế bám.
Nếu có thời gian, bạn hãy dành cho Cửu Phần tối thiểu 2 ngày để trải nghiệm đầy đủ nơi này, từ vẻ lãng mạn cho tới hùng vĩ, từ những món ăn cay xè tới những món tráng miệng ngọt ngào. Bạn sẽ thấy một Cửu Phần duyên dáng, đáng yêu và sẽ hiểu vì sao nơi đây được nhiều blogger nước ngoài yêu thích đến thế.
Theo Hà Nội Mới