Dịch không bao giờ kết thúc
Đánh giá về tình hình dịch hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng Việt Nam đã qua thời kỳ đỉnh dịch, số ca mắc và tử vong giảm mạnh, thậm chí nhiều ngày không ghi nhận ca tử vong nào.
Tuy nhiên, dịch không thể hết được, thậm chí ngay cả khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành thì số mắc vẫn có thể tăng lên nhưng ổn định.
“Với tình hình dịch trong nước hiện nay chúng ta không quá lo ngại về việc số ca mắc có thể tăng trở lại. Chúng ta vẫn dự báo các kịch bản có thể xảy ra, bản thân tôi nghiêng về kịch bản dịch nhẹ đi, số mắc có thể giảm rồi lại tăng lên chứ không bao giờ kết thúc được dịch”, PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh.
Ảnh minh hoạ
Ông cũng cho rằng hiện chưa thể xem Covid-19 như một bệnh lưu hành, chuyển từ nhóm A sang nhóm B mà cần theo dõi thêm một thời gian nữa. Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp để “nghe ngóng”, đánh giá tình hình dịch một cách chính xác.
“Điều quan trọng là chúng ta đánh giá đúng nguy cơ. Cùng với việc mở cửa các hoạt động, du lịch, đưa trẻ em quay trở lại trường học, không còn cách ly F1… thì vẫn phải kiểm soát rủi ro.
Dịch diễn biến tới đâu, đáp ứng tới đó, cần đánh giá nguy cơ một cách chính xác để có đáp ứng phù hợp nhất. Nếu từ giờ tới cuối năm tình hình thực sự ổn định thì mới nên quyết định chuyển sang nhóm B. Đây là quyết định yêu cầu sự chắc chắn, nên cần phải có giai đoạn chuyển tiếp là như vậy”, PGS Phu nhấn mạnh.
Có nên duy trì các biện pháp 5K?
Tuy nhiên mới đây, Bộ Y tế đã có quyết định dừng khai báo y tế nội địa, trước đó cũng bỏ quy định khai báo y tế cửa khẩu, vậy câu hỏi đặt ra là việc áp dụng 5K hiện nay có còn cần thiết?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, khai báo y tế là một trong những quy định của quốc tế trong điều kiện dịch khẩn cấp và được Việt Nam áp dụng có hiệu quả trong thời gian qua.
Tuy nhiên, tới nay, việc bỏ bỏ khai báo y tế là hoàn toàn là phù hợp vì chúng ta không còn thực hiện truy vết, phong tỏa cũng như số ca nhiễm do nhập cảnh không nhiều so với trong nước. Quyết định tạm dừng khai báo y tế của Bộ Y tế cũng hợp lý bởi khi dịch có những diễn biến mới, kịch bản nặng nề hơn thì có thể áp dụng trở lại lại, góp phần kiểm soát dịch hiệu quả. Đặc biệt có đánh giá, biện pháp dự phòng với những người trở về từ vùng dịch.
Trước hết, cần phải hiểu bản chất của 5K là những biện pháp dự phòng không đặc hiệu phòng chống Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Trước khi Covid-19 xuất hiện, chúng ta vẫn thường xuyên áp dụng các biện pháp có trong quy định 5K để phòng ngừa các bệnh bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt các bệnh lây truyền theo đường hô hấp và tiêu hóa.
Trong thời gian áp dụng 5K dự phòng Covid-19, các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chân tay miệng, ngộ độc thức ăn… cũng đã giảm đi rất rõ rệt. Do đó, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, dù Covid-19 đã được kiểm soát, việc duy trì các biện pháp phòng bệnh trên, trừ việc bỏ khai báo y tế, là vẫn cần thiết và có giá trị.
Cụ thể, người ho, sốt, khó thở không nên đến chỗ đông người, chủ động giữ khoảng cách với người khác. Ngược lại, người lành không tiếp xúc với người có triệu chứng ho, sốt để phòng bệnh.. Đây cũng chính là vấn đề về “Khoảng cách”.
“Tôi nghĩ chúng ta không nên quá băn khoăn việc áp dụng 5K hay 2K, 3K… mà cần áp dụng một cách linh hoạt, uyển chuyển phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh và từng địa phương. Thay vì ép buộc, cần khuyến cáo người dân thực hiện, hình thành các thói quen tốt như đeo khẩu trang để không những phòng ngừa Covid-19 mà còn có rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành.
Nếu ngay lúc này, chúng ta bỏ đi hết các quy định 5K thì có thể gây ra sự chủ quan. Đối với các khu vực thông thoáng, người dân đi tập thể dục, chạy bộ… việc đeo khẩu trang là không cần thiết, song ở nơi đông người, không gian kín như đi xe buýt thì vẫn nên áp dụng.
Chúng ta cũng không nên vì thấy dịch đang tạm lắng để bỏ đi hoàn toàn những quy định có giá trị về mặt sức khỏe đối với người dân. Các địa phương cần linh hoạt trong khuyến cáo các hình thức áp dụng phù hợp, tránh sự ép buộc, nhất là xử phạt không hợp lý khi chưa kịp thay đổi các quy định có tính pháp lý trước đây”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Theo Infonet