UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành văn bản thực hiện chỉ thị xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn hoặc không hợp tác với lực lượng chức năng.
Theo đó, UBND TP yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ phải tiên phong, gương mẫu chấp hành quy định khi tham gia giao thông; không dùng chức vụ để can thiệp, tác động đến lực lượng chức năng nhằm bỏ qua lỗi vi phạm.
Trong thời gian 10 ngày, các đơn vị khi tiếp nhận thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác xử lý, đơn vị quản lý cán bộ căn cứ quy định về kỷ luật và quy định của cơ quan để xử lý.
Đồng thời, việc xử lý cán bộ phải chính xác, công khai, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho người vi phạm. Sau khi xử lý, phải gửi kết quả về Chủ tịch UBND TP để theo dõi.
CSGT Đà Nẵng kiểm tra nồng độ cồn với người đi xe máy. Ảnh: Công an Đà Nẵng
Bên cạnh đó, UBND TP giao Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND TP lưu ý xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ vi phạm nồng độ cồn hoặc xử lý không nghiêm minh.
Công an TP được chỉ đạo quán triệt cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm.
Đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông, chống đối, gây rối trật tự, công an phải khẩn trương xác minh, củng cố hồ sơ, phối hợp với Viện kiểm sát, tòa án các cấp xử lý nghiêm.
Theo quy định mới, từ ngày 1/1, mức phạt nồng độ cồn cao nhất đối với người đi ô tô là 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; người đi xe máy bị phạt cao nhất 10 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Theo Vietnamnet