Bỏ thu phí, để du khách “tự móc hầu bao”
Trước thông tin thu phí tham quan vào phố cổ Hội An, nhiều độc giả cũng gửi phản hồi rằng quy định này là không cần thiết và gây ảnh hưởng tâm lý đến du khách khi ghé thăm nơi đây.
Bạn đọc Ngọc Trang cho rằng không ủng hộ việc thu phí vào tham quan phố cổ Hội An. Ngành du lịch địa phương cần tự thay đổi và sáng tạo để du khách tới Hội An sẵn sàng “móc hầu bao” và chi mạnh tay cho các trải nghiệm tại đây.
Tương tự, bạn Trung Dũng cũng bày tỏ ý kiến việc thu 80.000 – 120.000 đồng phí tham quan phố cổ có thể làm mất đi vài trăm cho đến vài triệu đồng tiền chi tiêu của du khách nếu họ cảm thấy không còn thoải mái khi du lịch tại đây.
Địa phương có thể thu được số tiền trên nhưng mất đi nguồn thu lớn hơn nữa.
“Quy định này giống như quan tâm số lượng hơn chất lượng. Đáng lẽ phải đổi mới sản phẩm và chất lượng du lịch để khách đến Hội An sẵn thấy hài lòng và vui vẻ móc hầu bao, chi tiêu mạnh tay.
Hội An là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất cả nước, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé thăm mỗi năm (Ảnh: Thái Thị Thúy Ngân).
Ở Hội An không thiếu các dịch vụ, trải nghiệm để khách sẵn sàng trả tiền để có được, từ tham quan di tích, thả đèn hoa đăng cho đến ăn uống, mua sắm,…”, bạn đọc có nickname Cỏ Xinh đóng góp thêm.
Theo độc giả Thưởng Lãm, không phải lúc nào cũng nghĩ đến chuyện thu tiền, phải tính toán đến các yếu tố khác. Ví dụ như ở Lào, Campuchia, dân bản địa được miễn phí tham quan các di tích nước mình, vậy tại sao người Việt muốn đến di sản Việt lại phải trả tiền để làm điều đó.
Độc giả Thai An cho rằng, nếu cứ bước chân vào phố cổ là thu tiền thì những du khách ở khách sạn bên ngoài muốn vào Hội An sẽ phải tính toán. Giả sử khách ở 3 ngày và muốn vào phố cổ Hội An để ăn uống, mua sắm lại phải mua vé 3, 4 lần/ ngày hay sao?
Nếu vậy thì nên di dời người dân ra ngoài, đừng cho mở nhà hàng, cửa hàng hay kinh doanh gì trong khu vực phố cổ nữa, chỉ để lại những điểm cho du khách tham quan và trải nghiệm như một thắng cảnh, di tích thôi.
Đồng quan điểm, độc giả Mai Tran Thi ý kiến "Thành phố du lịch mà lại bán vé vào cửa thì coi như triệt đường buôn bán, làm dịch vụ du lịch của người dân ở đó rồi. Thu vé lượng khách giảm đi thì dân phố cổ kinh doanh kiểu gì, chẳng lẽ ngồi bán hàng cho nhau?".
Thu phí là thể hiện trách nhiệm và nâng cao chất lượng du lịch địa phương
Bên cạnh các ý kiến không ủng hộ việc thu phí tham quan vào phố cổ Hội An cũng có rất nhiều bạn đọc bình luận và chia sẻ024578 đây là việc làm cần thiết và mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho ngành du lịch địa phương.
Độc giả Khánh Huyền tin rằng, việc thu phí tham quan là cách để du khách thể hiện trách nhiệm đối với một di sản của thế giới. Chưa kể, mức phí này cũng rẻ hơn so với nhiều nơi trên thế giới, ở những di tích mà cô từng đặt chân tới.
Huyền lấy ví dụ, vài năm trước, khi du lịch Thái Lan, cô đã mua vé vào tham quan chùa Wat Pho với giá 200baht/người (khoảng 138.000 đồng), còn vé vào cung điện Wat Phra Kaew là 500 baht/người (gần 344.000 đồng).
Hay tại Myanmar, để vào được bên trong Shwedagon – ngôi chùa được coi là linh thiêng nhất đất nước này, 9X phải bỏ ra 8.000 kyat (khoảng 90.000 đồng) mua vé tham quan.
“Một số điểm đến khác như chùa Botataung có tuổi đời 2.500 năm ở Myanmar hay chùa Vàng ở Campuchia, giá vé vào cửa cũng chỉ khoảng 2-3 USD/người (khoảng 45.000 – 70.000 đồng), nếu du khách mang theo máy ảnh để chụp hoặc quay phim thì nộp thêm vài chục nghìn nữa”, nữ du khách 29 tuổi chia sẻ.
Nhiều độc giả ủng hộ chuyện thu phí tham quan vào phố cổ Hội An để cải thiện hành vi du lịch của du khách và nâng cao chất lượng du lịch cho địa phương (Ảnh: Sinh Lê).
Tương tự, bạn Quốc Đạt (sống tại TP.HCM) từng đến Hội An 3 lần và khẳng định vẫn sẽ quay trở lại nếu áp dụng thu phí tham quan vào phố cổ này.
Anh từng đi nhiều nơi nhưng những phố cổ đẹp như Hội An lại không nhiều và hi vọng việc thu phí cũng cần được đổi lại bằng trải nghiệm đáng giá cho du khách.
“Mức thu phí tham quan vào phố cổ Hội An không phải quá đắt đối với cả khách nội địa và khách nước ngoài. Chưa kể bỏ số tiền đó ra, khách có thể nhận được những trải nghiệm thú vị khác.
Ở một số địa điểm du lịch, mình từng đến và thấy mức thu phí cao hơn như cố đô Bagan (Myanmar) khoảng 160.000 đồng/vé hay đền Angkor Wat (Campuchia) là 37 USD/vé (868.000 đồng).
Thậm chí ở Indonesia, vé tham quan các khu đền, di tích,.. khá cao, chặng hạn như muốn tới núi lửa Bromo, mình đã phải trả 315.000 Rupiah (khoảng 492.000 đồng)”, độc giả có nickname Heo May góp ý.
Đồng quan điểm, bạn đọc Khánh Ly ủng hộ việc thu phí để du khách thay đổi thói quen, quan niệm “du lịch chùa” tại các di tích lịch sử và tránh tình cảnh quá tải, chen chúc,…
Các độc giả cũng nhấn mạnh rằng, việc thu phí tham quan ở Hội An không phải vấn đề mà điều du khách quan tâm nhất là sau đó, chất lượng du lịch tại phố cổ này có được cải thiện hay các dịch vụ công cộng, cơ sở vật chất có được tu sửa, nâng cấp và đảm bảo cho du khách những trải nghiệm đáng “đđồng tiền bát gạo” hay không.
“Thu phí cũng tốt nhưng sau cùng, quan trọng là tình hình, môi trường và chất lượng du lịch Hội An phải ngày càng tốt hơn để đem lại giá trị cho người dân bản địa, du khách thập phương và cả đất nước”, bạn đọc Cẩm Tú nói.
Bên cạnh đó, bạn đọc đề xuất việc bán vé không nên theo lượt mà là theo ngày hoặc tuần. Du khách chỉ cần mua vé một lần và có thể ra vào thoải mái trong một hay ba ngày,…
Theo VietNamnet