Món ăn bình dị mà nổi tiếng của Giao Thủy khiến thực khách khó quên

Đặc sản Nam Định chỉ nhúng nước sôi, bên trong vẫn đỏ rau ráu-1
Món nem nắm nức tiếng Nam Định. Ảnh: Bích Vũ

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, món ăn đã trở thành thương hiệu đặc sản vùng miền của quê hương Nam Định. Dù được chế biến ở nhiều nơi với những cách làm khác nhau, nhưng dường như chỉ có vùng đất Giao Thủy - Nam Định mới có thể cho ra đời món nem nắm ngon nhất.

Sở dĩ được gọi là nem nắm vì hình dạng của quả nem được nắm tròn lại, bọc trong lớp lá sung và lá chuối, thú vị của món ăn này là làm xong không cần để vào tủ lạnh, vẫn có thể ăn mà không sợ thiu.

Khi thưởng thức thực khách chỉ cần tháo bỏ lớp lá chuối bên ngoài và xếp nem lên đĩa là đã có một đĩa nem cực kỳ bắt mắt.

Điều gì tạo nên món nem nắm Giao Thủy ngon khó cưỡng?

Đặc sản Nam Định chỉ nhúng nước sôi, bên trong vẫn đỏ rau ráu-2
Bì lợn thái càng mỏng, nem sẽ càng ngon. Ảnh: Bích Vũ

Để tạo nên món ăn tuyệt hảo này, cách làm nem nắm Giao Thủy cũng rất công phu. Nguyên liệu chính là thịt lợn, bì lợn, thính gạo thơm, nước mắm, tỏi cùng các gia vị đi kèm.

Điều đặc biệt tạo nên độ dẻo và mềm cho món ăn này, đầu tiên phải kể đến nguyên liệu thịt lợn sống hoặc chỉ nhúng thịt vào nồi nước đang sôi sùng sục sao cho thịt chỉ chín tái bên ngoài mà bên trong vẫn còn đỏ rau ráu. Nếu đem thịt đi trần kỹ, nem sẽ khô và không được ngọt.

Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, thịt nạc xẻ ra còn nóng hôi hổi phải đem chế biến ngay và không được rửa qua nước để thịt ngon và dẻo hơn.

Nên chọn thịt từ những con lợn khỏe mạnh, to vừa phải, nuôi bằng cám bã của nhà, không có thuốc tăng trọng, nem càng thơm càng ngọt.

Thứ hai phải kể đến nguyên liệu bì lợn dai giòn. Bì lợn cũng cần làm sạch lông và dính một chút mỡ để nem không bị ngán, nắm nem không bị ướt nhão.

Theo người dân tại đây, bì lợn phải thái thật mỏng, khía trên miếng da nhiều đường, khi thái sẽ tạo ra hoa văn đẹp mắt. Bì lợn thái càng mỏng, nem sẽ càng ngon.

Nguyên liệu làm nên mùi thơm đặc trưng của món ăn này chính là thính, được làm từ gạo tám Nam Định dậy mùi thơm ngào ngạt.

Gạo được đem ngâm qua một đêm, để ráo nước, đem rang vàng rồi xay thành bột mịn. Thính thành phẩm có màu vàng ngà ngà, vị thơm ngậy là đạt tiêu chuẩn.

Để món nem nắm thêm đậm đà, người ta nêm một chút nước mắm cốt vào thịt lợn kèm theo bột ngọt, tỏi băm nhỏ rồi bóp thật đều cho thịt thấm gia vị.

Nước mắm phải chuẩn nước mắm từ vùng đất Sa Châu mới làm ra vị ngon đúng điệu. Xong xuôi mới cho bì đã thái chỉ vào trộn đều.

Có lẽ chính vì cách nêm nếm, gia giảm nước mắm với tỏi băm này mà nem nắm Giao Thủy có một hương vị rất riêng, không lẫn với bất kỳ một loại nem nào khác.

Nem nắm Giao Thủy thường ăn khi nào?

Đặc sản Nam Định chỉ nhúng nước sôi, bên trong vẫn đỏ rau ráu-3
Món nem nắm được sử dụng trong các bữa cơm hàng ngày lẫn những dịp quan trọng. Ảnh: Bích Vũ

Nem nắm không chỉ là món ăn quen thuộc trong mỗi bữa cơm tối gia đình. Món ăn bình dân này còn hay được các gia chủ đặt ăn trong dịp giỗ chạp, cưới hỏi, tiệc tùng.

Trong những nhà hàng sang trọng, các quán bia hơi... cũng không thể thiếu món nem nắm này. Hiện nay, giá nem nắm dao động từ 40.000đ đến 50.000đ/nắm 2 lạng.

Dù có từ thời Vua Trần Thái Tông đến này, trải qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm lịch sử, món ăn này vẫn được lưu truyền. Cho đến ngày nay, nem nắm ở Giao Thủy đã trở thành một trong những món ăn đặc sản thơm ngon trứ danh tại mảnh đất Thành Nam.

Vị ngọt bùi, đậm đà của thịt lợn, giòn dai của bì, thoang thoảng hương thơm hăng nồng của tỏi xen với vị thơm phức của thính ắt hẳn sẽ làm say lòng bất cứ ai từng nếm thử dù chỉ một lần.

Theo Dân Việt