Đi leo núi, thăm thú cảnh vật, hưởng thụ không khí trong lành trên đỉnh cao là một thú vui tao nhã được nhiều người yêu thích.
Nhưng để được thụ hưởng thành quả đó, người ta phải trải qua hành trình vất vả, leo trèo đến mỏi gối chồn chân chứ không hề dễ dàng. Với những người có thể lực kém, leo núi vãn cảnh là hành trình... hành xác hơn là tận hưởng.
"Phú ông" trẻ tuổi Khoa Pug khi chọn lên khám phá Nga Mi Sơn - một trong tứ đại danh sơn Phật giáo của Trung Quốc - đã xác định sẽ rất vất vả, nhưng không ngờ thực tế còn nghiệt ngã hơn.
Từ thành phố Thành Đô, Khoa Pug đón tàu cao tốc đến thành phố Nga Mi, sau đó mua tour xe bus giá 500 tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) cho 2 người, đi 2 giờ trong cung đường ngoằn nghèo, sương mù giăng kín để đến chân núi Nga Mi.
Khoa Pug vừa có hành trình vất vả để đến thăm núi Nga Mi
Hành trình leo núi đến đây mới bắt đầu chông gai, với quãng đường dốc 7km mới lên được đỉnh núi.
Đi bộ 7km đường đồng bằng đã là một quãng đường nhiều thử thách với những người không có sức bền và quen vận động cường độ cao, leo được 7km đường núi có lẽ phải vận dụng 500% công lực.
Dù có đôi chân "dao kéo", Khoa Pug vẫn leo được 1,5km. Đến trạm dừng nghỉ, phú ông và dịch vụ khiêng người lên cáp treo đã "va vào nhau". Khoa Pug cho biết, anh đã chi 480 tệ (khoảng 1,6 triệu đồng) để được khiêng lên núi.
Anh chàng trả 1,6 triệu đồng để thuê người khiêng lên núi
Càng lên cao, áp suất không khí tăng, không khí cũng loãng hơn, Khoa Pug ngồi trên võng cũng cảm thấy khó thở.
Còn phu khiêng võng cũng thở dốc, bước đi nặng nhọc theo từng bậc thang. Để giảm gánh nặng công việc, họ chia thành 3 tốp, thay phiên nhau khiêng Khoa Pug lên.
Chi đến 1,6 triệu nhưng anh chàng cũng không được khiêng lên tận nơi, mà chỉ đến trạm cáp treo. Từ điểm dừng cáp treo, phải leo tiếp tầm 1km mới tới đỉnh núi. Đoạn này không có dịch vụ khiêng nên ai cũng phải leo bộ.
Dù đã được hỗ trợ khiêng một đoạn, nhưng quãng đường phải leo bộ cũng hơn 2,5km, cộng thêm thời tiết bất lợi, Khoa Pug tỏ rõ sự mệt mỏi, hơi đứt quãng.
"Không biết nãy mấy chú khiêng mình mệt cỡ nào ta. Sao ngày xưa người ta lên núi này làm được đường đi với xây tượng luôn, quá là nể!", anh chàng bình luận.
Các phu khiêng võng đổi ca sau một quãng đường vất vả
Chia sẻ câu chuyện leo núi của mình, Khoa Pug nói thêm: "Mình thì cứ tưởng thanh niên trai tráng trẻ khỏe sẽ làm nghề khiêng võng, ai ngờ toàn người lớn tuổi làm, họ còn tranh nhau khách nữa. Vé cáp treo một lượt có hơn 200 ngàn, mà khiêng thì 1,6 triệu là các bạn hiểu.
Ở đất nước giàu thứ hai thế giới mà người già cũng lao động nặng nhọc để kiếm tiền nên các bạn ai mà còn có việc thì nên biết trân trọng nha.
Mấy chú làm dịch vụ, mình dùng dịch vụ thì trả tiền tương xứng với sức lao động của họ. Còn không dùng thì họ lại không có tiền về nuôi gia đình".
Lý do mà Khoa Pug tiết lộ khiến nhiều người đồng tình. Khi đi du lịch, việc chúng ta tiêu tiền vào các dịch vụ chính là giúp ích phát triển cho địa phương.
Có cung thì có cầu, những người khiêng võng trên núi Nga Mi có lẽ đã cân nhắc kỹ về sức khỏe, rủi ro trước khi bán dịch vụ này.
Công việc vất vả nhưng mang về cho họ thù lao xứng đáng
Cần nói thêm, dịch vụ khuân vác người lên núi không chỉ có ở núi Nga Mi, mà là một dịch vụ quen thuộc ở nhiều ngọn núi ở Trung Quốc. Nó cũng tương tự như dịch vụ porter (vận chuyển đồ đạc thuê) ở núi Everest, Himalaya, Fansipan...
Những người vận chuyển sinh ra ở núi, quen thuộc địa hình và họ mới chọn núi làm nơi để kiếm sống, để nương tựa, đó cũng là một cách kiếm sống.
Công bằng mà nói, nới độ cao 3.099 mét, đường leo khoảng 7km, không phải ai cũng có đủ sức khỏe để tự mình leo núi Nga Mi mà không cần hỗ trợ.
Theo Người Đưa Tin