Đại học Bách khoa có sòng phẳng trong vụ 2 thủ khoa trượt nguyện vọng 1?-1
Trong đề án tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội chưa phân định rõ ràng về chỉ tiêu theo từng phương thức khiến thí sinh như "mò kim đáy bể" (Ảnh: NT).

Mập mờ chỉ tiêu tuyển sinh

Dù đạt tới 29,35 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nhưng 2 thủ khoa ở khối A00 (toán, lý, hóa) vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thông tin này khiến nhiều người sốc bởi không ai nghĩ thủ khoa mà trượt ngành học yêu thích nhất.

Đó là câu chuyện về trường hợp của Nguyễn Mạnh Thắng (cựu học sinh Trường THPT chuyên Bắc Giang) và Nguyễn Mạnh Hùng (cựu học sinh Trường THPT Trưng Vương, Hưng Yên).

Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết hai thủ khoa khối A00 trượt nguyện vọng 1 bởi điểm số môn toán (đạt 9,6) chưa cao.

Theo PGS Điền, ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa áp dụng theo công thức tính điểm nhân đôi với môn toán bởi yêu cầu đặc thù của ngành kỹ thuật công nghệ, cần sinh viên tốt về toán.

Cụ thể, công thức tính điểm chuẩn của ngành này như sau: (toán x 2 + môn 2 + môn 3) x 3/4 + điểm ưu tiên và chuyển về thang điểm 30.

Ngành này tuyển sinh ở khối A00 (toán, lý, hóa) và A01 (toán, lý, tiếng Anh).

Với công thức trên, điểm của thí sinh Nguyễn Mạnh Thắng được tính như sau: (9,6 toán + 9,75 vật lý + 10 hóa + 9,6 toán) x 3/4 + 0,05 (điểm ưu tiên) = 29,26.

Điểm của thí sinh Nguyễn Mạnh Hùng là: (9,6 toán + 10 vật lý + 9,75 hóa + 9,6 toán) x 3/4 + 0,05 (điểm ưu tiên) = 29,26.

Như vậy, so với điểm chuẩn, cả hai thủ khoa đều thiếu 0,16 điểm để vào được ngành khoa học máy tính.

Còn trả lời trên sóng truyền hình Quốc gia VTV, PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội - nói rằng: "Khi chúng ta đã tham gia thì chúng ta nên chấp nhận quy tắc của cuộc chơi".

Trên truyền thông, trường này giải thích thêm năm nay, ngành khoa học máy tính tuyển 300 sinh viên. Trong khi đó, trường đã tuyển được số lượng lớn chỉ tiêu theo các phương thức khác như xét tuyển tài năng hay dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy. Điều này đẩy điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp lên trên 29.

Quả thật, khi đã chấp nhận tham gia một cuộc thi, thí sinh buộc phải theo luật chơi của cuộc thi đó. Tuy nhiên, dư luận đang băn khoăn ở việc luật chơi do ĐH Bách khoa đưa ra đã không rõ ràng từ đầu.

Cụ thể, một trong những yếu tố quyết định đến việc 2 thủ khoa trượt nguyện vọng 1 là do chỉ tiêu; bởi: "Trường đã tuyển được số lượng lớn chỉ tiêu theo các phương thức khác".

Thế nhưng chỉ tiêu cụ thể của từng phương thức tuyển sinh chi tiết của ngành khoa học máy tính như thế nào nhà trường đã không công bố.

Để làm rõ vấn đề, Dân Trí xem xét kỹ đề án tuyển sinh năm nay của Đại học Bách khoa, đồng thời cũng tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng mặc nhiên, chưa từng thấy nhà trường phân chia chỉ tiêu chi tiết như theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tại Phụ lục III quy định chi tiết đề án tuyển sinh theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non yêu cầu chỉ tiêu liệt kê theo ngành/nhóm ngành, theo từng phương thức xét tuyển và trình độ đào tạo.

Đại học Bách khoa có sòng phẳng trong vụ 2 thủ khoa trượt nguyện vọng 1?-2
Đại học Bách khoa Hà Nội công bố chỉ tiêu không theo mẫu quy định của Bộ GD&ĐT (Ảnh: H.N).

Đại học Bách khoa có sòng phẳng trong vụ 2 thủ khoa trượt nguyện vọng 1?-3
Mẫu công bố chi tiết tuyển sinh từng ngành, từng phương thức tuyển sinh của một trường đại học khác để bạn đọc tham khảo (Ảnh: H.N).

Trong khi, theo quy định của Bộ GD&ĐT, khoản 4, Điều 6, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non quy định đối với một ngành, chương trình đào tạo có chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển:

a) Việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ hợp lý; không gây mất công bằng cho các thí sinh chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau;

b) Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý; không làm tỉ lệ phân bổ chỉ tiêu của một phương thức, tổ hợp đã sử dụng trong năm trước giảm quá 30% (trong cơ cấu chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo) trừ trường hợp việc thay đổi, bổ sung đó đã được công bố trước thời điểm mở đăng ký dự tuyển ít nhất 1 năm.

Khoản 5, sơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.

Gộp chỉ tiêu 2 phương thức độc lập

Theo đề án tuyển sinh (căn cứ có tính chất "pháp lý", là tôn chỉ trong tuyển sinh của trường đại học) được trường này công bố ngày 31/5 có sự bất nhất, không rõ ràng.

Đơn vị này cho biết tổng chỉ tiêu là 7.985 sinh viên. Số chỉ tiêu này được phân bổ tỷ lệ theo phương thức tuyển sinh như sau: Phương thức xét tuyển tài năng 15-20%; Phương thức xét tuyển theo điểm thi (THPT, đánh giá tư duy) 85-90%.

Do đó, thí sinh, phụ huynh sẽ không thể phân định được Đại học Bách khoa dành bao nhiêu chỉ tiêu cho phương thức điểm thi THPT, bao nhiêu chỉ tiêu cho đánh giá tư duy để "liệu cơm gắp mắm".

Đáng nói, hai cuộc thi này có hình thức thi, cách tính điểm thi, điểm ưu tiên, điểm thưởng khác nhau. Kết quả điểm cũng trên thang điểm khác nhau, lần lượt là 30 và 100.

Đại học Bách khoa có sòng phẳng trong vụ 2 thủ khoa trượt nguyện vọng 1?-4
Thông tin về chỉ tiêu được ĐH Bách khoa gộp 2 kỳ thi thành 1 phương thức, còn trong đề án vẫn liệt kê thành 2 phương thức tách biệt. (Ảnh: H.N).

Cụ thể, trang 13 và 14 của đề án tuyển sinh Đại học Bách khoa nêu rõ các phương thức tuyển sinh gồm: i) Phương thức xét tuyển tài năng; ii) Phương thức xét tuyển dựa theo kết quả bài thi đánh giá tư duy năm 2023; iii) Phương thức xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023; iv) Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Trong bài hướng dẫn cách tính điểm vào Đại học Bách khoa năm 2023 đăng ngày 26/7, nhà trường vẫn khẳng định xét tuyển 7.985 chỉ tiêu cho 63 ngành theo 3 phương thức nêu trên.

Rõ ràng, ở cuộc chơi này, một trong những căn cứ quan trọng nhất để thí sinh quyết định chọn phương thức nào dễ trúng tuyển là chỉ tiêu lại không được công bố.

"Nhiều trường lập lờ chỉ tiêu làm hại thí sinh"

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - nêu lên những bất cập trong tuyển sinh đại học hiện nay:

"Việc trường không công bố chỉ tiêu chi tiết từng phương thức, từng tổ hợp xét tuyển hoặc công bố nhưng không thực hiện đúng làm hại thí sinh. Nhiều thí sinh điểm cao nhưng lại trượt vì trường đã gọi trúng tuyển sớm bằng các hình thức khác quá nhiều khiến điểm chuẩn đẩy lên rất cao", ông Dũng cho hay.

Ông Dũng thẳng thắn nói, một số trường đại học top đầu đang "kỳ thị" kết quả thi tốt nghiệp THPT và ưu tiên tuyển sinh bằng thi đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào (nhất là ở nông thôn, miền quê, gia đình khó khăn) cũng có thể tiếp cận các hình thức này.

Vì hoàn cảnh, nhiều em chỉ biết chú tâm vào ôn thi tốt nghiệp THPT nhưng cuối cùng lại trượt vì những bạn có điều kiện tốt hơn, tiếp cận được nhiều cuộc thi hơn.

Đồng quan điểm, Phó hiệu trưởng một trường đại học tại TPHCM phụ trách tuyển sinh, có 35 năm kinh nghiệm chia sẻ mẫu đề án của Bộ GD&ĐT đã công bố rất rõ các mục mà nhà trường phải thông tin về chỉ tiêu.

"Nhiều trường lập lờ thông tin chỉ tiêu từng ngành để "đánh lận con đỏ, con đen", san sẻ chỉ tiêu từ chỗ nhiều sang chỗ ít, miễn sao mình tuyển đủ. Chỉ thí sinh là người chịu thiệt thòi", vị này nói.

Phân tích sâu về trường hợp này, một giáo viên luyện thi tại Hà Nội bày tỏ, có trường để chỉ tiêu cho một phương thức trong khoảng phần trăm rất rộng, có trường gộp chỉ tiêu cho một số phương thức rất chung chung, không hề chi tiết như yêu cầu.

Điều này giúp các trường dễ dàng chuyển đổi chỉ tiêu giữa các phương thức để tuyển đủ nhu cầu.

Khi tuyển gần đủ chỉ tiêu theo các phương thức sớm, trường sẽ dành rất ít chỉ tiêu cho phương thức thi tốt nghiệp THPT. Điều này dẫn tới điểm chuẩn tăng lên rất cao.

Ngược lại, khi tuyển được ít thí sinh bằng xét tuyển sớm, trường sẽ dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức thi tốt nghiệp, do đó, điểm chuẩn hạ.

Theo các chuyên gia, việc công bố chỉ tiêu từng ngành, từng phương thức rất quan trọng để thí sinh biết lượng sức mình.

Trong trường hợp ở Đại học Bách khoa Hà Nội thấy rằng, thí sinh bị đưa vào một "cuộc chơi" phải "cầm dao đằng lưỡi".

Theo Dân Trí