Tại cuộc tọa đàm trực tuyến có chủ đề “Đi máy bay - Cư xử thế nào cho đẹp?” do một tờ báo tổ chức, đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã lên tiếng về việc nữ đại úy Lê Thị Hiền (người gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất) cáo buộc bị lực lượng chức năng “giam lỏng” khiến con gái chị này vừa đói, vừa mệt nhưng không được ra ngoài mua đồ ăn.

Ẩn chứa 3 loại sai phạm

Ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh hàng không thuộc Cục Hàng không Việt Nam, nói “chắc là có sự hiểu lầm” vì lực lượng an ninh không giam giữ, nhất là với cháu bé.

“Khi chị Hiền có hành vi vi phạm với nhân viên hãng hàng không thì nhân viên an ninh sân bay đã mời chị Hiền vào văn phòng cảng vụ. Nhưng tại đây, chị Hiền vẫn tiếp tục đòi ra ngoài.

Với hoàn cảnh khách hàng đang mất bình tĩnh như thế, chúng tôi không thể để chị ấy ra ngoài. Và khi ở trong khu vực văn phòng cảng vụ, chị Hiền còn đánh nhân viên an ninh sân bay”, ông Hùng nói.

Đại úy Lê Thị Hiền tố 2 mẹ con bị giam lỏng, hàng không nói hiểu lầm-1
Ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam. Ảnh: Dân Trí.

Vị lãnh đạo an ninh hàng không nói ông lấy làm tiếc vì cháu bé con chị Hiền phải chứng kiến sự việc xảy ra với không khí căng thẳng như vậy. Ông Hùng khẳng định đã chăm sóc cháu bé, đảm bảo an toàn cho cháu theo đúng quy định cũng như trách nhiệm.

Với mức xử phạt 200.000 đồng dành cho cán bộ công an Lê Thị Hiền khi có hành vi chửi bới nhân viên sân bay, ông Hùng thừa nhận xã hội khi đó đã dấy lên nhiều quan điểm về mức tiền phạt. Theo Trưởng phòng An ninh hàng không hành vi của nữ đại úy công an ẩn chứa 3 loại sai phạm và có thể áp dụng mức phạt cao hơn rất nhiều.

“Thứ nhất, việc xúc phạm nhân phẩm nhân viên hàng không, mức phạt tối thiểu là 1 triệu đồng. Thứ hai là việc tấn công, xâm hại đến sức khoẻ của nhân viên hàng không, mức phạt tối thiểu với vi phạm này cũng là 1 triệu đồng. Thứ ba là việc gây rối trật tự, mức phạt tối thiểu là 200.000 đồng”, ông Hùng phân tích.

“Chúng tôi cũng đã yêu cầu Cảng vụ hàng không miền Nam làm việc với cơ quan công an để xử lý những bước tiếp theo với vi phạm của chị Hiền”, ông Hùng thông tin.

Lỗi không chỉ ở hành khách

Nhìn nhận sự việc ở một góc độ khác, có quan điểm cho nhiều sự việc xảy ra thời gian qua không chỉ có lỗi ở phía khách hàng mà liên quan đến cả thái độ ứng xử của nhân viên hàng không, nhất là nhân viên làm thủ tục check-in và nhân viên kiểm tra an ninh… trong nhiều trường hợp khiến hành khách ức chế.

Bình luận về quan điểm này, ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, cho rằng nếu nói chỉ xử lý hành khách, không xử lý nhân viên hàng không là sai. Có nhiều quy trình buộc các nhân viên hàng không phải thực hiện cũng tương tự có nhiều quy định khách hàng phải tuân thủ.

Đại úy Lê Thị Hiền tố 2 mẹ con bị giam lỏng, hàng không nói hiểu lầm-2
Ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Ảnh: Dân Trí.

“Mỗi sự việc xảy ra, chúng tôi sẽ phân tích để tìm ra lỗi. Nếu có lỗi của nhân viên do quá trình đào tạo thì phải chấn chỉnh lại quy trình, còn nếu lỗi là do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không thì phải xử lý trách nhiệm”, ông Hà khẳng định.

Ông dẫn chứng vụ gây rối tại cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hoá), có một số nhân viên cũng đã bị xử phạt vì đánh giá là chưa tuân thủ đúng quy trình, chưa làm đủ trách nhiệm của mình.

Vị lãnh đạo này nhìn nhận văn hóa ứng xử và quan hệ giữa nhân viên hàng không với hành khách là quan hệ rất con người, rất xã hội.

Với Vietnam Airline cũng như các hãng hàng không khác, ông khẳng định luôn tiến hành đào tạo, có quy trình xử lý công việc cụ thể. Ngoài ra, hãng còn có nhiều chương trình đào tạo, nêu nhiều trường hợp để rút kinh nghiệm nên ứng xử như thế nào cho khéo léo.

Khi được hỏi quan điểm về sự việc khách thương gia sàm sỡ khách nữ và tiếp viên hàng không, ông Hà thẳng thắn cho rằng hành vi sàm sỡ xảy ra trên chuyến bay của Vietnam Airline là hết sức đáng trách.

Theo ông, quy định của ngành hàng không rất rõ, không chỉ sàm sỡ mà các hành vi gây rối khác đều được quy định cụ thể.

“Trên máy bay đầu tiên dựa vào đánh giá của phi hành đoàn, sau đó báo cho cơ trưởng - người có quyền quyết định cuối cùng trên chuyến bay. Nếu cần thì liên hệ với an ninh hàng không dưới mặt đất để có hướng xử lý.

Với hành vi được đánh giá là nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuyến bay thì tổ bay được phép từ chối phục vụ”, ông Hà cho hay.


Theo Zing