Năm 2023 chứng kiến sự giảm sút kỷ lục của tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc. Không chỉ vậy, tỷ lệ kết hôn ở quốc gia này cũng đang trong tình trạng báo động khi phần lớn phụ nữ Hàn Quốc đều ưu tiên sự nghiệp.

Đối mặt với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trong nhiều năm, không ít thành phố ở xứ sở kim chi đứng lên tài trợ các buổi hẹn hò giấu mặt cho các đối tượng độc thân, nhằm thúc đẩy người dân tiến tới hôn nhân và thành lập gia đình.

Tuy vậy, nhiều phụ nữ Hàn Quốc quan tâm đến việc xây dựng sự nghiệp hơn là kết hôn. Họ muốn sống độc lập trong bối cảnh kinh tế đối mặt các thách thức.

Đám cưới chớp nhoáng sau chưa đầy 24 tiếng gặp mặt của cặp đôi Việt - Hàn-1
Ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc ưu tiên sự nghiệp khiến tình trạng giảm sút tỷ lệ hôn nhân trở nên nghiêm trọng (Ảnh: Chụp màn hình).

Tìm đến giải pháp hôn nhân đa quốc tịch

Gặp khó khăn trong việc cưới vợ ở chính quê hương mình, nhiều đàn ông Hàn Quốc đã tìm kiếm tình yêu ở nước ngoài. Trong năm 2023, có khoảng 16.000 người lấy vợ ngoại quốc, hơn 5.300 đàn ông sang Việt Nam để cưới vợ. Đặc biệt, thành phố Hải Phòng là một trong những điểm đến nổi tiếng của đàn ông trung niên tại xứ sở kim chi.

Jin Woon Seob (40 tuổi, người Hàn Quốc) hiện vẫn độc thân, muốn tìm kiếm một người vợ có thể giúp đỡ anh trong việc đồng áng và chăm sóc cha mẹ già.

"Tôi giờ không còn trẻ nữa, tìm vợ ở Hàn Quốc lại rất khó. Nhiều người thân bảo tôi rằng, đã đến tuổi phải yên bề gia thất rồi", Jin Woon Seob cho hay.

Vì thế, người đàn ông 40 tuổi đã tìm đến Gong Yoo Man (đến từ Hàn Quốc) - người chuyên tổ chức các buổi kết đôi cho cặp vợ chồng Việt - Hàn để tìm được một cô vợ "tâm đầu ý hợp".

Đám cưới chớp nhoáng sau chưa đầy 24 tiếng gặp mặt của cặp đôi Việt - Hàn-2
Không thể tìm kiếm nửa kia ở Hàn Quốc, Jin Woon Seob đã chi khoản tiền không nhỏ đến Việt Nam cưới vợ (Ảnh: Chụp màn hình).

Đối với một số phụ nữ Việt Nam, họ bị thu hút bởi sự ổn định tài chính sau khi kết hôn với chồng Hàn Quốc. Sau khi rời quê hương để lấy chồng ngoại quốc, nhiều nàng dâu Việt đã tiết kiệm tiền, gửi tiền về nhà để giúp bố mẹ xây nhà cửa.

Mỗi tháng, buổi gặp mặt kết đôi sẽ được tổ chức một lần tại khách sạn ở trung tâm thành phố. Trong buổi gặp mặt của Jin Woon Seob, có khoảng 20 người phụ nữ Việt thuộc độ tuổi 20-30 tham gia ghép đôi với anh.

Sau khi đến điểm hẹn, những người phụ nữ được xếp vào một phòng để đợi đến lượt. Là lần đầu tiên tham gia các buổi tìm vợ như vậy, Jin không biết phải đưa ra các câu hỏi như thế nào, cũng như phải tránh đề cập tới vấn đề gì với đối phương.

Mỗi lượt gặp mặt sẽ được diễn ra trong 10 phút dưới sự giám sát của Gong Yoo Man. Các cặp đôi giao tiếp với nhau thông qua thông dịch viên.

Đám cưới chớp nhoáng sau chưa đầy 24 tiếng gặp mặt của cặp đôi Việt - Hàn-3
Các buổi "tìm vợ" thu hút nhiều phụ nữ Việt Nam 20-30 tuổi (Ảnh: Chụp màn hình).

Kết thúc vòng gặp mặt đầu tiên, Jin Woon Seob cảm thấy ấn tượng với một người phụ nữ tên Tiên (30 tuổi). Khác với lần trước, ở lần gặp gỡ thứ hai, hai người trò chuyện với nhau thông qua ứng dụng dịch thuật trên điện thoại.

Sau 10 phút tìm hiểu thêm, cả hai đều cảm thấy ưng ý đối phương. Họ bắt tay và ôm nhau như một cách để kết thúc buổi gặp mặt.

"Tôi thấy run nhưng rất vui. Tôi nghĩ tình cảm sẽ được bù đắp theo thời gian", Tiên cho hay.

"Tôi thấy cô ấy là một người tốt", Jin chia sẻ với France 24.

Đám cưới chớp nhoáng sau chưa đầy 24 tiếng gặp mặt của cặp đôi Việt - Hàn-4
Kết thúc buổi kết đôi, Jin Woon Seob và Tiên đều cảm thấy hạnh phúc vì đã tìm được nửa kia phù hợp (Ảnh: Chụp màn hình).

Đám cưới chớp nhoáng

Gong Yoo Man cho biết, một cặp đôi sẽ thành công kết đôi chỉ khi có sự chấp thuận của cả hai bên. Vì thế, sau chưa đầy 24 tiếng, Jin Woon Seob và Tiên tổ chức lễ cưới ở Hải Phòng với sự tham dự của gia đình, cùng bạn bè cô dâu.

Để tìm được một nàng dâu Việt, Jin Woon Seob đã chi 7.600 euro (hơn 203 triệu đồng) cho phí di chuyển, gặp mặt và tổ chức đám cưới.

"Mặc dù chi phí không hề rẻ, đây là số tiền giúp tôi có được một người vợ nên tôi không cảm thấy quá nhiều gánh nặng", chàng rể Hàn Quốc cho hay.

Sau công đoạn tổ chức đám cưới, Tiên cần học tiếng Hàn và chuẩn bị hồ sơ cho visa (cấp thị thực) để sang Hàn Quốc. Giai đoạn này thường mất khoảng 7 tháng.

"Tôi rất vui vì đã tìm được nửa kia của mình. Nhưng tôi cũng thấy lo lắng khi chuẩn bị sinh sống ở một đất nước mới, tiếp xúc nền văn hóa mới - nơi tôi không có bạn bè và người thân. Tôi sẽ phải bắt đầu cuộc sống lại từ đầu", Tiên bộc bạch.

"Sắp tới phải xa con gái, tất nhiên là sẽ nhớ con rất nhiều", bố cô dâu nói trong nghẹn ngào.

Cuộc sống ở xứ sở kim chi không phải lúc nào cũng hào nhoáng như nhiều người tưởng tượng. Nhất là đối với những cô dâu ngoại quốc, rào cản trong ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa từng gây khó khăn cho nhiều cặp đôi đa quốc tịch. Không ít đôi vợ chồng đã ly hôn do những ảnh hưởng này.

Hiện tại, hôn nhân đa quốc tịch ở Hàn Quốc vẫn đối mặt nhiều thách thức trong xã hội. Theo France 24, chính phủ Hàn Quốc cần đưa ra những giải pháp nhằm hỗ trợ hòa nhập cho các cô dâu ngoại quốc mà không chỉ coi hôn nhân quốc tế là yếu tố thúc đẩy tỷ lệ kết hôn ở nơi đây.

Theo Dân Trí