Bà là Vũ Thị Vinh Hương -  nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh), phu nhân cố Trung tướng Văn Cương - nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị.  Đến giờ, ở tuổi gần 90, ở bà vẫn toát lên một vẻ đẹp rất đôn hậu, cổ điển theo kiểu phụ nữ Việt.

Khúc “Chinh phụ ngâm” thời hiện đại

Năm 1948, cô giáo Vũ Thị Vinh Hương được một bà cô “gắp mối” cho anh “cán bộ Việt Minh” Văn Cương. Thời gian qua đi, cũng chỉ có vài lần gặp gỡ, mấy câu chuyện ngắn ngủi, nghiêm trang, cô giáo Hương nói cho thêm thời gian suy nghĩ, và anh thì cũng “tình trong đã tỏ”. Thế rồi mẹ cô mất, anh quyết chờ đợi. Tưởng rằng, đợi chờ cũng chỉ dăm tháng, hóa ra đến 3 năm.

dam cuoi la va 28 nam vong phu hinh anh 1
Bà Vinh Hương (phải) ôn lại những kỷ niệm xưa. Ảnh: V.M


Lúc này anh đã là Chính trị viên Tiểu đoàn Thiên Đức (bộ đội địa phương Bắc Ninh). Chuẩn bị đến ngày cưới thì xuất hiện thời cơ đánh đồn Tam Á của địch. Tiểu đoàn trưởng đùa: “Thằng Cương sắp cưới vợ rồi, còn tâm trí đâu mà đánh với đấm’”. Tự ái và “nổi máu anh hùng”, anh nói luôn: “Hoãn cưới, đánh đồn đã, thắng thì về mới cưới”.  Anh nói với chị chịu khó chờ mươi hôm. Thế là cô lại cuốc bộ hơn 50 cây số về Thái Nguyên. 12 ngày sau, có tin lên, anh ấy thắng trận rồi, nhắn Hương về tổ chức đám cưới.

Ngồi với chúng tôi, bà Hương tâm sự: “Gọi là cưới chứ có gì đâu. Trên đường đi từ ATK Việt Bắc về xuôi, tôi mua một mét rưỡi vải lụa trắng, tự cắt may áo cánh, lấy chỉ dù thêu bông hoa, thế là thành áo cưới. Nhà gái không có ai vì bố mẹ tôi đều đã mất, ông chú - cũng là cán bộ kháng chiến - bị sốt rét không đi được, nhờ bạn đi hộ cũng không xong vì ông ấy bận tác chiến. Thế là chỉ có một mình tôi với cô em gái. Nhà trai thì có gia đình chú rể tản cư ở Thái Nguyên về. Tiểu đoàn Thiên Đức lo dựng một rạp nhỏ ở sân đình Hoàng Lại. Lễ cưới đơn sơ với khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” treo trên cao. Đêm tân hôn, cô dâu nằm với mẹ chồng một bên, em gái một bên, nhờ cái phản ở góc chái đình làng Hoàng Lại. 4 hôm sau, tôi lại trở về Tân Trào”.

Hơn 40 năm sau, bà Hương viết lại câu chuyện bằng thơ:

“...Cưới được bốn ngày vợ Bắc, chồng Nam

Tuổi thanh xuân mỏi mòn chờ đợi

Người xa trận mạc biệt tăm

Một mình vượt cạn, nuôi con, bom qua, bão tới...”.


Quãng đời 28 năm sau đó thật dài đằng đẵng. Chừng ấy năm, mà chỉ mấy lần gặp gỡ. Đọc lại những câu thơ của bà, thấy đầy tâm sự nhưng cũng  thật hóm hỉnh:

“Hai mươi tám đốt đủ đầy

Vừa khớp hai mươi tám năm bén duyên chồng vợ

Chưa tính xem được mấy lần gặp gỡ”.

Cái kiểu tạt chớp nhoáng trên đường ra chiến khu

Đồng đội vẫn đùa: “Mày tập kích, được thằng cu”.


Bà cũng hiểu, đó không phải là số phận của riêng mình. Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh thì bà cũng chỉ là một trong những người có cùng hoàn cảnh, bà thốt  lên:

“Ôi, cái số một mình mãi thế ư…!?

Lý số gì! thời thế tạo anh hùng

Thời thế cũng tạo điệp trùng vọng phu!

Nhưng chẳng giống cô nàng đầu non xứ Lạng

Hay cô nàng ven biển khơi Đất Quảng

Đứng lỳ hóa đá chờ chồng

Mà những vọng phu này xuôi ngược, tất tả, long đong

Đủ thứ việc, thân cò lặn lội

… Hòn vọng phu “chạy”,  dãi dầu mưa nắng”.

Hòn vọng phu “chạy”. Vâng, có lẽ chẳng có từ nào mô tả chính xác hơn hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Tôi đùa rằng, bà phải đi “đăng ký bản quyền” từ này mới phải...

dam cuoi la va 28 nam vong phu hinh anh 2
Tập thơ viết tay của bà Vinh Hương.  Ảnh: V.M

Ngày đoàn viên


Ngày 30.4.1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi. Cả nước hân hoan mừng ngày toàn thắng. Cũng như bao phụ nữ khác, bà Hương cứ nghĩ, ông Cương sẽ trở về theo đoàn quân chiến thắng. Nhưng không, suốt mấy năm ròng chẳng thấy tin gì, bà đã nghĩ đến điều xấu nhất. Lúc này, bà đã là Hiệu trưởng Trường cấp 3 Hàn Thuyên, chỉ biết lao vào công việc để quên đi nỗi khắc khoải chờ chồng.

Ba năm sau, rồi cái ngày ấy chợt đến, nỗi niềm bao lâu nay như vỡ òa:

“Năm tháng qua đi... Đầu năm thứ 29

Chợt lá thư về với túi mận Chiếng Ngân

Ôi! Con tim mình loạn nhịp

Dòng chữ hoa lên: “Anh sắp được về gần!”...


Những năm tháng sau đó, cuộc sống vẫn vô cùng vất vả khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Nhưng với bà, đó vẫn là những ngày đoàn viên hạnh phúc vô bờ. Người con trai tình nguyện lên đường ra mặt trận đã lành lặn trở về. Hai cô con gái cũng đã trưởng thành... Và niềm vui lớn nhất là ông được chuyển về Trường sĩ quan Chính trị đóng ngay tại Bắc Ninh, cách nhà chỉ 3 cây số. “Tiếng là gần thế mà ông ấy chỉ về nhà mỗi tuần một vài lần thôi, chỉ mãi đến ngày ông nghỉ hưu, vợ chồng mới chính thức được gần nhau theo đúng nghĩa” - bà giải thích.

Cô giáo Vinh Hương

Tốt nghiệp loại ưu Trường Thành chung Bắc Ninh, bà được cử làm giám thị Trường Nữ học Đồng Khánh sơ tán ở Hưng Yên.

Cách mạng Tháng Tám thành công, khóa sư phạm đầu tiên được mở để đào tạo giáo viên nòng cốt cho các địa phương. Bà Vũ Vinh Hương được vinh dự là một trong những giáo sinh khóa ấy. 

Sau khóa học, bà Vinh Hương về dạy học tại Bắc Ninh. Nhưng đến khi quân Pháp chiếm Bắc Ninh, ta thực hiện tiêu thổ kháng chiến thế là mất đất mất trường, cơ quan ngành giáo dục Bắc Ninh, Bắc Giang sơ tán lên ATK Thái Nguyên. Rồi bà được chuyển sang công tác tại Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ba năm tham gia công tác hội, bà vinh dự được gặp Bác Hồ 4 lần.

Năm 1953, theo yêu cầu của ngành giáo dục, bà quay trở lại với nghề dạy học, đồng thời vẫn tham gia công tác phụ nữ. Bà công tác ở Trường Hàn Thuyên trong những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước nói chung, của trường nói riêng. Chiến tranh đang vào giai đoạn ác liệt nhất. Mặt trận cần thêm quân. Hậu phương lớp lớp lên đường. Theo chế độ, gia đình có  chồng đang chiến đấu tại chiến trường xa, nhà chỉ có một con trai duy nhất nên được miễn nhập ngũ, nhưng khi con ngỏ ý xung phong lên đường đánh giặc, cô Hiệu trưởng Vũ Vinh Hương đã gác lại tình cảm riêng mà đồng ý.

Nhiều lứa học sinh của Trường Hàn Thuyên theo tấm gương ấy cũng đã tòng quân ra trận, trong đó có một tốp học sinh nữ khối 10 vừa tốt nghiệp năm 1972 cũng lên đường nhập ngũ. Cô Hiệu trưởng rất thương các em, bà hiểu rằng, ở mặt trận, những nam quân nhân khó một thì nữ khó gấp đôi, nên tập trung các em lại, dặn dò chỉ bảo trước lúc lên đường. Bà còn dành chút tiền mua những đồ dùng cần thiết cho các em nữ khó khăn nhất trong nhóm. Đến nay bà vẫn giữ tấm ảnh kỷ niệm chụp chung với nhóm học sinh này trước khi xa trường nhập ngũ.

Mặc dù đây chỉ là lần đầu tiên được gặp bà, nhưng tôi cứ thấy hình như đã thấy bà ở đâu đó. Lục lọi mãi trong ký ức mà vẫn không thể nhớ nổi. Nhưng chợt tôi hiểu ra rằng đó chính là hình ảnh những cô giáo đã dạy tôi thời phổ thông. Không phải một người cụ thể nào mà là tổng hòa của những khuôn, những nét đẹp của các cô giáo một thời thanh xuân của tôi. Cái chất nhà giáo, phong thái nhà giáo, trí tuệ nhà giáo... luôn thường trực trong bà.

Theo Dân Việt