"Tớ sẽ để 50.000 won (hơn 900.000 đồng) vào phong bì, từng đó tiền có đủ không?", Mukaddam Isomova (người Uzbekistan) hỏi bạn của mình.

"Mừng như vậy là đủ rồi, nếu cậu không quá thân thiết với cô dâu", câu trả lời khiến Isomova bối rối. Bởi cô dâu là một trong những người bạn thân nhất của nữ sinh.

Sau khi thắc mắc về truyền thống mừng cưới, nữ sinh Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) hiểu rằng, ở xứ sở kim chi, số tiền khách mời mừng tại các đám cưới được đo bằng mức độ thân thiết của họ với cô dâu, chú rể.

Văn hóa phong bì mừng cưới

Khi văn hóa Hàn Quốc ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới, nhiều người nước ngoài bị thu hút bởi sự hấp dẫn của Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc).

Thông qua các bộ phim truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc, người xem có thể cảm thấy rằng, đám cưới ở xứ sở kim chi vô cùng đặc biệt, tựa như những câu chuyện cổ tích.

Tặng tiền là phương thức mừng cưới phổ biến trên khắp thế giới. Tại Hàn Quốc, văn hóa phong bì thể hiện tình cảm và sự tôn trọng của khách mời đối với cô dâu, chú rể thông qua lượng tiền mừng cưới.

Đám cưới tại Hàn Quốc: Nặng về phong bì, bắt buộc phải đến đúng giờ?-1
Những vị khách mới đến Hàn Quốc thường bất ngờ trước văn hóa đám cưới tại đây (Ảnh: Sarah Falugo).

Azfar Ismail - sinh viên người Malaysia, học tại Đại học Quốc gia Seoul - cũng bị sốc trước văn hóa phong bì của xứ Hàn.

"Vào lần đầu tiên tham dự một đám cưới ở Hàn Quốc, tôi rất ngạc nhiên khi biết mình phải viết tên lên phong bì. Ban đầu, tôi cảm thấy hơi ngại vì không biết mình nên mừng cưới bao nhiêu tiền", Ismail cho biết.

Theo Korea JoongAng Daily, điều khiến văn hóa phong bì tại Hàn Quốc gây bất ngờ cho người ngoại quốc là khách mời thường mừng tối thiểu 30.000 won (khoảng 550.000 đồng). Thông qua số tiền mừng cưới, họ thể hiện mức độ thân thiết của mối quan hệ giữa họ với cô dâu, chú rể.

Những phong bì này sẽ được chuẩn bị ở lối vào hôn lễ, sau đó được đổi thành phiếu ăn để khách mời có thể thưởng thức cỗ cưới.

Đám cưới tại Hàn Quốc: Nặng về phong bì, bắt buộc phải đến đúng giờ?-2
Văn hóa mừng cưới ở xứ sở kim chi khiến nhiều bạn trẻ ngoại quốc hoang mang (Ảnh: ShutterStock).

"Ở đất nước của tôi, bạn bè và người thân sẽ giúp đỡ trong quá trình chuẩn bị lễ cưới. Số tiền mừng cưới thường phụ thuộc vào điều kiện và thiện chí của khách mời. Ngược lại hoàn toàn so với Hàn Quốc, nơi các tiêu chuẩn có vẻ đã được đặt ra sẵn", Ndagijimana Frank Aimee Rodrigue - sinh viên người Rwanda - cho hay.

Điểm đặc biệt trong đám cưới Hàn Quốc

Văn hóa phong bì mừng cưới không phải là yếu tố duy nhất khiến Mukaddam Isomova bất ngờ.

Vào lần đầu tiên Isomova tham dự hôn lễ tại xứ sở kim chi, cô đã đi muộn khoảng 30 phút và tình cờ vào nhầm đám cưới. Đến khi tìm thấy tòa nhà đúng, phần đầu tiên của đám cưới đã kết thúc và tất cả vé ăn đều được lấy hết. Do đó, nữ sinh không có lựa chọn nào khác ngoại trừ về nhà.

Sau trải nghiệm khó quên này, Isomova nhận ra rằng, tại Hàn Quốc, sự đúng giờ được đặt lên hàng đầu trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

"Trong hôn lễ, mọi thứ sẽ được lên lịch sẵn nên khách mời có thể sử dụng thời gian một cách hợp lý. Bạn phải đến đúng giờ để tham dự đám cưới. Nếu không, bạn sẽ bị coi là không có mặt", Ndagijimana chia sẻ.

Tại xứ sở kim chi, đám cưới thường được chia thành hai phần, diễn ra ở các tầng khác nhau của tòa nhà và kéo dài trong 2-3 tiếng.

Trong phần đầu tiên của buổi lễ, cô dâu - chú rể sẽ trao lời thề nguyện cho nhau và thưởng thức một số tiết mục do bạn bè thân thiết chuẩn bị. Ở phần thứ hai, khách mời di chuyển đến khu vực ăn uống được sử dụng chung với các đám cưới khác diễn ra cùng thời điểm.

Đám cưới tại Hàn Quốc: Nặng về phong bì, bắt buộc phải đến đúng giờ?-3
So với Hàn Quốc, đám cưới ở Uzbekistan được cho là thiên về tính gắn kết giữa con người với nhau (Ảnh: Vogue).

Isomova nhận thấy rằng, đám cưới ở Hàn Quốc dường như rất có hệ thống. Toàn bộ quá trình đưa phong bì, nhận vé ăn buffet (hình thức phục vụ thức ăn tự chọn), tham dự buổi lễ trong sảnh cưới rồi chuyển ra khu vực ăn tiệc đều được diễn ra vào từng thời điểm cụ thể.

Không chỉ vậy, nữ sinh cho biết, đám cưới nơi đây đôi khi có cảm giác giống như một cuộc họp kinh doanh, khác hẳn với bầu không khí thoải mái và có tính cộng đồng của những hôn lễ ở quê hương Uzbekistan.

Tại Uzbekistan, người dân thường chú trọng đến sự gắn kết giữa mọi người. "Ngay cả những vị khách đến một mình cũng có thể dễ dàng kết bạn mới vì ở đây, chúng tôi tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ", Isomova chia sẻ.

Ngược lại, hôn lễ ở Hàn Quốc được phân chia rõ ràng, cả về địa điểm, thời gian và khách mời của cô dâu, chú rể. Sau khi tham gia một số đám cưới ở xứ sở kim chi, Isomova nhận thấy, các khách mời thường ít tương tác với nhau, trừ khi họ là những thành viên trong gia đình.

Thực tế, những điểm đặc biệt trong đám cưới của người Hàn Quốc có thể vừa thú vị, vừa đầy thách thức đối với các vị khách nước ngoài, khi họ không biết về các truyền thống và văn hóa ở nơi đây.

"Tôi thấy rằng đám cưới ở Hàn Quốc khá độc đáo", Azfar Ismail cho hay.

Theo Dân Trí