Đàm Quang Phúc: 'Tôi sợ không kịp bình phục để chịu tang ba'

Đàm Quang Phúc nỗ lực chiến đấu với bệnh não đa ổ tiến triển vì sợ làm gánh nặng cho mẹ và muốn tròn chữ hiếu với ba.

Trong căn phòng nhỏ ở lầu ba, Đàm Quang Phúc đang nghỉ ngơi thì các bạn của anh đến. Thấy bạn, Phúc vội tìm chiếc gậy, cố đứng dậy để ra đón.

Từ xa, chàng mẫu khoe: "Hôm nay Phúc tự đi được rồi", rồi tỏ ý muốn "biểu diễn". So với vài tuần trước, sức khỏe anh đã tiến triển, tinh thần thì phấn chấn, lạc quan nhờ chấp nhận hiện thực.

Phúc nói đã qua rồi những ngày tưởng như rơi xuống đáy cùng tuyệt vọng - khi tay chân anh run rẩy, nửa người không thể hoạt động, chỉ biết nằm khóc vì nghĩ rằng sẽ chẳng qua khỏi.

Đàm Quang Phúc: Tôi sợ không kịp bình phục để chịu tang ba-1
Mẹ bón cho Đàm Quang Phúc ăn hàng ngày.

"Phúc sợ chết, sợ trở thành gánh nặng cho mẹ, sợ không kịp hồi phục trước khi ba mất", anh nói.

Từ một chuyên gia trang điểm, người mẫu đắt show quảng cáo, Phúc thấy khó chấp nhận nằm liệt chỉ sau vài tuần phát bệnh. Anh gọi đó là "cơn ác mộng". "Cơn ác mộng mà sao mãi không tỉnh", anh nghẹn giọng.

Một năm trước, Phúc thấy xuất hiện những cơn đau đầu khiến anh khó chịu và mất ngủ. Nhưng khi đó, anh chỉ coi chúng như cảm cúm nên không thăm khám, đến lúc phát hiện thì bệnh đã nặng.

Bác sĩ nói Phúc bị não đa ổ tiến triển, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh vận động. Đó là lý do ba tháng trước, anh hay ngã xe, bước hụt, khó cầm nắm và gục ngã khi dự sự kiện, khiến bạn bè phải xốc lên, đưa vào bệnh viện.

Một tuần Phúc nằm bệnh viện, theo anh, là quãng thời gian đáng sợ. Anh yếu dần do bệnh não phát triển, lại mắc thêm viêm phổi.

Nhà có hai người khỏe là dì Dung và mẹ, phải chia nhau chăm sóc Phúc và bố anh đang bị ung thư giai đoạn cuối. Lúc đó, anh thường nằm một mình chảy nước mắt và tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với mình.

Hết một tuần, Phúc được về nhà. Không phải vì bệnh anh đã lành mà gia đình xin cho anh được về nghỉ ngơi, vì hành trình trước mắt còn dài. Ở trong phòng, Phúc lại khóc và tuyệt vọng.

Anh cố dùng điện thoại, sử dụng chức năng nhập văn bản bằng giọng nói để nhắn với người bạn: "Bác sĩ nói Phúc sẽ mất ý thức. Trước khi mất ý thức, Phúc muốn nói với Tiến rằng...".

Những tin nhắn bình thản, chia sẻ rành mạch về tình trạng sức khỏe đang được dự đoán trầm trọng, Phúc đã phải dùng tất cả sự cố gắng để gửi trước khi không thể.

Một buổi nọ, Phúc đột nhiên gọi cho người bạn thân tên Thành, khóc nức nở, nói: "Bỗng nhiên em không nhớ đã gặp anh ở đâu nữa".

Lúc đó, Phúc thấy rõ cảm giác hoảng loạn, sợ hãi khi biết rằng trí nhớ đang giảm sút. Và theo lời bác sĩ, nó là dấu hiệu cảnh báo căn bệnh đang chuyển nặng.

Đàm Quang Phúc: Tôi sợ không kịp bình phục để chịu tang ba-2
Đàm Quang Phúc làm đồ thủ công ở nhà hồi giai đoạn dịch bệnh.

Phúc nằm trên giường, tay chân bên phải như bất động. Mọi sinh hoạt của anh đều do mẹ và chị dâu hỗ trợ. Nhiều khi thấy mẹ chạy lên - chạy xuống nhiều lần quá mệt, anh cố chống gậy đi toilet rồi ngã dưới sàn và nằm luôn cho đến sáng.

"Cố gượng dậy mà không được, cánh tay bị toàn thân đè lên tê buốt, cảm thấy bất lực", anh kể.

Cả ngày trong bốn bức tường, Phúc tưởng như bị giam lỏng. Anh thức dậy với một cữ thuốc và đi ngủ với một cữ thuốc như thế, kèm thêm mấy viên an thần.

Bác sĩ chỉ định Phúc uống kháng sinh để kiểm soát ổ viêm, ngoài ra ngủ nhiều, giữ tinh thần vui vẻ. Nhưng anh khó ngủ, mỗi tối chỉ ngủ được 4-5 tiếng dù dùng thuốc, còn khi thức dậy thì trong trạng thái lơ đễnh, thiếu tỉnh táo.

Nhìn mình không còn là mình, Phúc thương thân, thương mẹ. Phúc thấy mẹ khổ quá khi ở tuổi 69 vẫn bộn bề lo lắng, nên thường nói: "Con làm gánh nặng cho mẹ".

Còn mẹ Phúc, bà nén đau khổ, thể hiện sự lạc quan để con có động lực chiến đấu. Bà bảo những lần di chuyển cầu thang lên xuống giúp đôi chân thêm khỏe và được chăm sóc con cái là niềm hạnh phúc nên bà muốn chăm sóc cho con cả đời.

Mỗi ngày, Phúc và mẹ có vài lần trò chuyện vui vẻ khi bà lên cho anh ăn bữa sáng, trưa và tối. Nhưng mẹ vừa đi, cánh cửa khép lại, anh tiếp tục chìm trong những suy nghĩ tiêu cực.

Anh rầu rĩ nhìn những vết ngứa ngáy trên cơ thể, hay cánh tay yếu ớt không thể cầm nổi cốc nước. Khi đó, nói một câu, với Phúc, cũng thật khó. Anh dường như không còn hy vọng nào cho việc hồi phục.

"Tôi cứ buồn vậy rồi mẹ tôi buồn hơn. Tôi nghĩ có khóc cũng không thay đổi được gì, nên phải cố gắng vì mẹ", anh nói.

Đó là lần đầu tiên Phúc tự giải thoát mình khỏi suy nghĩ "hết hy vọng". Anh tự động viên mình sau những phút chùng xuống: "Sẽ vượt qua được mà! Sẽ tốt thôi".

Bà Hạnh, mẹ người mẫu Đàm Quang Phúc, không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của con trai. Bà vừa mừng, vừa lo khi thấy con siêng năng tập đi, có hôm cố quá bị đuối sức, mồ hôi ướt đẫm gối.

Bà biết con nỗ lực và nóng lòng điều trị để mau hồi phục, vì không muốn mẹ khổ. Nhưng bà khuyên con không vội. "Mỗi ngày tiến bộ một tí là tốt rồi", bà nói.

8h hàng ngày là lúc người hỗ trợ tập đi cho Phúc đến, cũng là thời gian anh mong đợi nhất, vì cảm thấy "mình đang bước dần tới chiến thắng". Tuần đầu, Phúc đòi tập cả 7 ngày nhưng sau thấy không ổn nên bà Hạnh đề xuất giảm xuống 2-3 buổi.

Khi Phúc tập luyện, não của anh phải làm việc cật lực, từ đó gây ra cảm giác mệt mỏi, thậm chí méo miệng. Mỗi bước đi của anh đều khó nhọc, đau đớn và sau đó là toàn thân bứt rứt, khó chịu đến mức vò đầu, bứt tai.

Đàm Quang Phúc: Tôi sợ không kịp bình phục để chịu tang ba-3
Đàm Quang Phúc là người mẫu, chuyên gia trang điểm.

Ban đầu, Phúc tập luyện trên chiếc khung tập đi bốn chân có bánh xe. Sau đó, anh chuyển sang gậy chống và hiện có lúc còn giơ gậy lên tỏ ý mình đã tự đi mà không cần hỗ trợ.

Tất cả những chuyển biến tích cực ấy chỉ diễn ra trong một tháng, kể từ mốc thời gian mà Phúc gọi là: chọn nỗ lực thay vì trách móc số phận.

Phúc đang tâm sự với bạn thì bà Hạnh xách cặp lồng thức ăn lên cho con trai. Bữa tối của anh diễn ra ngay trong phòng riêng, trên chiếc bàn nhỏ kế bên kệ trang điểm.

Bà Hạnh xúc một muỗng cơm, thêm đồ ăn, bón cho con trai. Phúc vừa ăn, vừa nói chuyện rôm rả, thỉnh thoảng nhìn mẹ cười âu yếm.

Khi bà Hạnh phàn nàn về những lần bị dối lừa trên hành trình trị bệnh cho con, Phúc cười, nói với mẹ: "Mẹ đừng ôm nỗi bực đó vào người làm gì. Có vậy thì cho con mới trưởng thành hơn".

Bà quay sang nhìn con, nở nụ cười, dí nhẹ ngón tay vào trán anh mà nhắc: "Nói được làm được nhé. Đừng có xạo".

Đang cười nói vui vẻ, Phúc khựng lại khi thấy mẹ tâm sự nỗi vất vả, anh rơm rớm: "Con làm khổ mẹ". Thấy vậy, bà Hạnh vội an ủi. Bà bảo vui lắm vì lại được chăm "em bé" và Phúc chính là cậu nhóc út bà mới có cách đây vài tháng.

Dì Dung, sống cùng gia đình Đàm Quang Phúc, cũng là người chăm anh lúc nhập viện, nói: "Nó nhìn vậy chứ trong lòng vẫn buồn lắm. Trước nó khóc nhiều, giờ đỡ rồi, nhưng thỉnh thoảng vẫn khóc".

Bà nhớ ngày cùng cháu đi viện, nơm nớp lo sợ "bệnh viện trả về" và chỉ thở phào khi họ tiếp nhận Phúc. "Nhà toàn người già, Phúc trẻ nhất nên tập trung lo cho nó, không tiếc nó cái gì cả".

Đàm Quang Phúc: Tôi sợ không kịp bình phục để chịu tang ba-4
Đàm Quang Phúc đang nỗ lực chống chọi với bệnh tật.

Lê Thành là bạn thân lâu năm của Phúc. Anh đã chứng kiến Phúc chiến đấu với căn bệnh từ ngày đầu cho đến giờ. Mới vài tuần, anh không ngờ Phúc có thể đưa tay với cốc nước rồi "hút rột rột" trong khi trước đó còn run rẩy.

Anh cười, mừng khấp khởi khi nghe bạn kể: "Bây giờ tự đi toilet rồi, không cần gọi mẹ".

Hà Nhật Tiến vỡ òa khi thấy Phúc vui vẻ, phát âm ngọng nghịu nhưng rành rọt kể về hành trình chống lại bệnh tật.

"Ngồi cạnh Phúc, xoa lưng, ba lần thấm nước mắt cho Phúc khi nhắc tới ‘cơn bão lớn’ mà Phúc đang đương đầu thì mới biết cậu ấy mạnh mẽ và ý chí tới dường nào.

Phúc nói khó khăn nhất là những ngày tháng đầu, khi phải chấp nhận sự thật. Khi đó, mỗi lần Phúc cố gắng cử động, lấy cái gì đó hay sắp xếp câu chữ để nói, là mỗi lần đầu Phúc đau như có ai đập mạnh.

Nhưng những lúc cùng cực gian khổ đó đã qua. Giờ đây, Phúc đã đi được những bước ngắn, nhỏ trong phòng. Cái miệng cười tươi hơn hoa đã thành thương hiệu riêng của Phúc không lẫn đi đâu được, dù người có ốm đi nhiều.

Tôi xúc động khi Phúc nói về mẹ. Phúc cố gắng mọi thứ vì mẹ. Thấy mẹ phải nấu ăn, chăm lo, đút từng muỗng thức ăn nên Phúc phải cố gắng 200% để mau khỏe lại", anh nói.

Mấy tháng qua, chi phí điều trị và sinh hoạt của Đàm Quang Phúc tốn kém nhiều, khiến anh trầm ngâm khi nghĩ đến tương lai không thể làm việc để phụ giúp mẹ.

Nhưng Hà Nhật Tiến khuyên bạn đừng nghĩ xa, vì hiện tại, sức khỏe của Phúc là quan trọng hơn cả. Nghe lời bạn, Phúc cũng nói hiện tại không ước ao gì nhiều, chỉ mong có thể đi xuống dưới cầu thang để thăm ba và bà ngoại.

"Tôi đang ‘chạy đua’ với ba. Cha tôi tiên lượng chỉ sống được sáu tháng. Tôi phải khỏe lại", Đàm Quang Phúc nói.

Đàm Quang Phúc sinh năm 1987 tại TP HCM. Anh là chuyên gia trang điểm, người mẫu tự do, ngoài ra có năng khiếu làm đồ thủ công.

Trường hợp của Đàm Quang Phúc, bác sĩ chỉ định anh điều trị tại nhà, kết hợp tập luyện, chờ sáu tháng sau tái khám.

Theo Ngoisao.net

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ngoisao.vnexpress.net/dam-quang-phuc-toi-so-khong-kip-binh-phuc-de-chiu-tang-ba-4515544.html?fbclid=IwAR04ZDG1Ru6unhWISCTlqeUEsjTDbFknoL-XZXyyHtITwKIMLdUdkdhSjaY

Đàm Quang Phúc

Tin tức mới nhất