Từ hơn 2 năm qua, bà Trương Thị Lau bị ung thư trực tràng. Gia đình anh Trương Trung Thông (xã Minh Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) tất tả ngược xuôi để chữa trị cho mẹ nhưng không được. Nửa tháng gần đây, bệnh đã di căn vào các cơ quan nội tạng. Anh Thông đoán mẹ mình không còn sống được lâu nữa nên tranh thủ đào huyệt đề phòng lũ về.
0h30 ngày 14/10, bà Lau trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc đợt mưa lên tới 500-750 mm liên tục đổ xuống. Nhà sát bên sông Rào Nậy, cơn lũ lịch sử nước lên tận nóc nhà nên anh phải làm đám tang chạy để mẹ được mồ yên mả đẹp.
9h sáng ngày 14/10, anh vội vã đi đưa ma rồi về nhà chạy lũ. Một tiếng sau khi mẹ về với đất, lũ lên ngập gần đến bàn thờ. Anh lại phải ôm di ảnh mẹ lên trường trung học cơ sở Minh Hoá.
Anh Thông tâm sự: “Người tính không bằng trời tính, nước dâng lên quá nhanh nên dù rất cố gắng nhưng đám tang vẫn không thể nào chu toàn được”.
Theo phong tục ở đây, 3 ngày sau khi chôn cất, con cái phải ra mộ thắp hương cho người đã khuất. Tuy vậy, trong ngày hôm qua, chỉ có anh và 2 người khác biết bơi phao là có thể đi được.
Do bận làm đám tang mẹ nên đồ đạc trong nhà anh Thông không được vận chuyển kịp thời. Những chiếc tủ, chiếc bàn phải buộc vào tường để phòng lũ cuốn trôi. Gia đình hàng xóm cũng đưa tang vội vàng xong phải về nhà chạy lũ.
Người ở tại xã Minh Hoá đã vậy, các con của bà Lau lấy chồng xa còn phải vượt qua hoàn cảnh éo le hơn. Chị Huyền, con út của bà Lau lấy chồng ngay xã bên nhưng ngay rạng sáng ngày 14/10, nước đã ngập qua cây cầu duy nhất vào xã. Chị phải bơm một chiếc ruột ôtô làm phao rồi bơi qua sông Rào Nậy để chịu tang mẹ.
Còn anh Ận, con rể bà Lau, vội vã đi ôtô về Minh Hoá trong đêm. Vượt qua 2 điểm ngập lụt ở thị xã Ba Đồn và thị trấn Quy Đạt (Minh Hoá) anh về đến xã lúc rạng sáng ngày 14/10.
Tuy vậy, anh phải ngồi chờ đến 2h chiều mới có thuyền sang sông. Ngồi bên kia sông Rào Nậy, anh bất lực khi thấy đám tang đi qua mà không thể đi đưa đành đứng từ xa vái vọng.
Hôm nay, nước đã rút, gia đình chuyển bàn thờ về nhà. Tuy nhiên, nỗi lo mới lại đến khi xã vẫn đang mất điện và bị cô lập. Gia đình đã hết gạo mà không thể đi xát lúa hay mua được ở đâu. Cả nhà đành ăn mì gói trừ bữa. “Nếu tình trạng này kéo dài đến mai, không biết phải đi vay gạo ở đâu”, anh Thông chia sẻ.