Câu chuyện bắt đầu khi bức hình rất giản đơn nhưng vô cùng đáng yêu được đăng tải trên trang Chuyện nhỏ Sài Gòn. Bức ảnh chụp lại "gia tài" của người đánh giày đựng trong một chiếc giỏ, có hộp gỗ bao gồm vật dụng đánh giày, một đôi dép nhựa sạch sẽ để cho khách đi tạm mỗi khi tháo giày, và một chú chó đang nằm rất ngoan. Mọi thứ được sắp xếp vừa khít và trông rất gọn. Hình ảnh trên nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt thích và chia sẻ, như một khám phá đáng yêu về con người Sài Gòn.
Bức ảnh được chia sẻ trên trang Fanpage này đã khiến rất nhiều người cảm động.
“Ảnh một bạn đọc chụp gửi cho fanpage. Trong túi của một cậu bé đánh giày trên đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn” là chú thích về bức ảnh trên trang. Hình ảnh này do bạn Trang, với nick name Trang Gàn (ĐH KHXH&NV TP.HCM) chụp lại vào trưa 10/8 tại chỗ làm trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1). “Cậu bé đánh giày đó bị "khùng", không nói được và chỉ ú ớ thôi, nhưng những gì người khác nói thì em vẫn hiểu. Buổi tối em hay ngồi ở chỗ gốc cây, gần nơi mình làm”, Trang chia sẻ.
Câu chuyện ý nghĩa đằng sau bức ảnh
Chiều 11/8, chúng tôi đã đi rất nhiều lần qua khu vực đường Lê Thánh Tôn để hỏi thăm về cậu bé và chú chó nhỏ. Sau vài lần hỏi han, một chị bán nước cho hay: “Người đánh giày bị câm và thích chó thì có một anh gần 40 tuổi rồi chứ không có cậu bé nào hết. Anh ta hay đi làm ở khu vực đường Lê Thánh Tôn và Thái Văn Lung. Mọi người hay gọi là anh O”.
Anh O là nhân vật chính trong bức ảnh gây xúc động cư dân mạng.
Sau khi chờ đợi đến tối, anh O cũng xuất hiện. Vẫn trên tay anh là chiếc túi xách có bộ đồ nghề đánh giày, chú chó nhỏ đang được anh ôm trong người. Anh O bị câm, tay phải liệt và chân đi khập khuyễn. Hỏi về bức ảnh, anh gật liện tục để xác nhận đây là mình do một cô gái chụp lại.
Mỗi khi đi làm, anh Ân ôm hoặc để chú chó vào túi xách.
Rồi người đánh giày lấy ví, rút ra CMND mang tên Trần Khắc Ân (38 tuổi, thường trú quận 2). Qua các động tác của cơ thể, anh Ân cho biết đã làm nghề đánh giày ở khu vực này được 20 năm. Anh cũng có gia đình với bốn anh em nhưng từ năm 18 tuổi thì đã ra ngoài tự lập bằng nghề này.
Chú chó nằm ngoan trong túi xách.
Bằng ngôn ngữ cơ thể, anh diễn tả rằng hồi năm 5 tuổi, sau một lần tai nạn thì trở nên bị câm và liệt tay phải, chân đi khấp khiễng. Trước giờ, anh Ân chỉ mưu sinh với nghề đánh giày. Mỗi ngày được khoảng 5 đôi, với giá 15 ngàn/đôi.
Anh vuốt ve chú chó nhỏ.
Và cho ăn ngay trên vỉa hè.
Về chú chó đồng hành cùng mình, anh diễn tả là khoảng 1 tháng trước, một người dân thấy anh vuốt ve chú cún nên tặng luôn. Tuy nhiên, “em” cún này chẳng may bị mù hai mắt từ nhỏ. Không bận tâm, anh Ân luôn mang theo chú chó nhỏ bên người.
Chú chó bị mù hai mắt còn người chủ thì bị câm và khuyết tật.
Bằng giọng ú ớ, cánh tay liên tục chỉ trỏ, anh Ân mô tả: “Có lúc tôi đi làm và ôm theo nó, khi thì bỏ trong túi xách cùng đống đồ nghề. Bữa nào dư tiền thì mua cơm cùng ăn chung. Rồi ai cho gì thì cả người và chó cùng ăn như vậy. Tối nó ngủ với tôi ở ngoài vỉa hè. Tôi còn mua thuốc nhỏ mắt cho nó”.
Dù vậy anh vẫn mua thuốc nhỏ mắt với hy vọng đôi mắt chú chó sẽ lành lại.
Rồi anh chỉ vào chai thuốc nhỏ mắt và nhẹ nhàng nhỏ thuốc vào mắt chú cún. Dù biết bị mù, nhưng anh Ân vẫn tin rằng chú chó của mình sẽ sớm lành lại. Cứ như vậy, hàng ngày người dân quanh khu vực này đã quen thuộc với hình ảnh người đánh giày tật nguyện ôm theo “em” cún.
Có người mua 2 triệu, nhất quyết không bán
Chú Nguyễn Tấn Khương (lái xe ôm) chia sẻ: “Cả khu này ai cũng biết nó. Mọi người hay gọi là O vì miệng chỉ nói được ú ớ. Nó đánh giày chẳng được bao nhiêu, chỉ toàn khách quen thôi chứ người lạ ai để cho nó làm chi. Cũng may mọi người thương, có khi cho dăm ba chục hay cho đồ ăn thức uống”.
Anh Ân rất yêu thương loài chó.
Anh Ân chia sẻ, mình rất yêu loài chó. Từ năm 2004, anh đã nuôi một con, đến nay tổng cộng là 5 con. Khi hỏi anh đã có vợ con gì chưa? Anh Ân liền lắc đầu và chỉ vào con chó. Rồi người đánh giày khẽ ôm con vật âu yếm lên má, như ngụ ý xem chó gắn bó tựa như người thân.
Nên có người mua với giá 2 triệu anh vẫn không bán.
“Mấy con trước đẹp lắm chỉ riêng con này thì bị mù. Con nào lớn thì cậu ấy buộc dây dắt theo, nhỏ thì ôm trong người. Có những con chẳng may bị xe cán hoặc đêm ngủ bị người ta trộm mất. Khi ấy, cậu ta chỉ biết ngồi ủ rũ cả ngày, không đi làm gì”, anh Cao Quang Minh (nhân viên khách sạn) cho biết.
Trước giờ anh nuôi 5 con chó.
Nghe đến đoạn nói chuyện này, anh Ân liền làm chỉ vào mắt và làm động tác khóc lóc. Anh Minh kể tiếp: “Tối ngày 10/8, có ông khách Tây thấy con chó dễ thương nên lại gần nựng. Sau một hồi, ông này ngỏ ý muốn mua chú cún một cách nghiêm túc với giá 2 triệu nhưng anh Ân nhất quyết không bán”.
Lúc này, anh Ân gật đầu lia lịa như để xác nhận cậu chuyện. Và anh lại diễn tả để cho thấy đã có nhiều người hỏi mua những con chó anh nuôi trước kia. Nhưng người đánh giày đều từ chối bán chó.
Chỗ ngủ của người đánh giày là gầm cầu thang khách sạn.
Suốt 20 năm làm nghề nay, anh Ân đều ngủ ngoài đường, vỉa hè, xó chợ. Khoảng 4 năm gần đây, anh được những nhân viên khách sạn thương tình nên sắp xếp cho ngủ dưới góc hầm cầu thang của một khách sạn trên đường Thái Văn Lung. Gia tài của anh chỉ có cái mền, bộ đồ nghề và chú cho mù. Một ngày làm việc của anh từ 5 giờ sáng cho đến 1 giờ đêm.
Anh Ân làm từ 5h sáng đến 1 giờ đêm.
“Quần áo cũng người ta cho. Đến tối thì dùng vòi xịt nước của khách sạn tắm ngay vỉa hè rồi ngủ tại đó. Nó đánh giày nên cũng chẳng có bạn bè, chỉ một thân một mình lủi thủi với chú chó con bị mù kia thôi! Chắc có lẽ Ân nó tìm được an ủi và yêu thương với người bạn nhỏ này!"chú Khương cho biết.
Theo trí thức trẻ