Đầu năm 2017, không khí làng nhạc Hàn có phần ảm đạm. Những nhóm nhạc hàng đầu như Big Bang, SNSD… chưa chịu tái xuất. Một số đàn em được đánh giá cao như Twice, G-Friend lại gây thất vọng khi trở lại với những ca khúc mới quá nhạt nhòa, thậm chí bị chê thảm họa.
Thay vào đó, điều khiến người ta chú ý hơn cả là những cuộc chia ly như Sistar, T-ara...
Măng mọc, tre phải tàn?
Sistar chia tay fan bằng ca khúc cuối cùng mang tên Lonely và màn quảng bá ngắn ngủi trên các sân khấu âm nhạc. Món quà cuối cùng nhóm gửi đến fan tiếp nối thành công của những ca khúc trước khi nhanh chóng nắm giữ vị trí số 1 trên các bảng xếp hạng (BXH).
Nhóm nhạc nhà Starship luôn khiến công chúng ngưỡng mộ về khả năng chinh phục mảng nhạc số, bởi vậy, sự tan rã của nhóm khiến khán giả càng thêm tiếc nuối.
Trước Sistar, Wonder Girls cũng quyết định đường ai nấy đi dù ca khúc Why So Lonely của nhóm nắm giữ thứ hạng cao trên BXH âm nhạc và là một trong những bản hit được yêu thích nhất năm 2016.
Sistar chia tay fan sau 7 năm hoạt động bằng ca khúc Lonely. Ảnh: Allkpop.
Nhìn vào thành công của Sistar và Wonder Girls, tưởng như không có bất cứ lý do gì khiến họ tan rã. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, yếu tố tác động tới quyết định tan hay hợp của một nhóm nhạc nữ không chỉ có độ nổi tiếng, thành tích nhạc số...
Thay vào đó, dường như có một quy luật ngầm đang tồn tại ở các công ty giải trí Hàn Quốc. Đó là chỉ có một nhóm nhạc nữ hoạt động trong một thời điểm nhất định ở mỗi công ty.
Wonder Girls tan rã cũng là lúc Twice, đàn em cùng công ty vươn tầm nhóm nhạc nữ hàng đầu. Tương tự, Sistar tan rã chỉ một năm sau khi Starship ra mắt nhóm nhạc đông thành viên là Cosmic Girls.
Tương tự, công ty quản lý vừa tung nhóm nhạc nữ mới chưa được bao lâu thì 2NE1, 4Minute, T-ara, Rainbow… tuyên bố tan rã. Có thể thấy khi công ty tung ra lớp kế cận, các nhóm nhạc lâu năm thường sẽ tan rã để nhường chỗ cho đàn em.
Tuổi thọ nhóm nữ phụ thuộc vào hợp đồng quảng cáo
Trước hết, tìm hiểu mô hình kinh doanh chung đằng sau các nhóm nhạc nữ, có thể thấy nguồn thu nhập lớn nhất của họ đến từ các hợp đồng quảng cáo.
Trong đó, mỗi nhóm nhạc thường sẽ có một thành viên nắm giữ số lượng hợp đồng quảng cáo lớn và được mệnh danh CF Queen (Nữ hoàng quảng cáo), điển hình như Suzy (miss A), Yoona (SNSD) hay Seolhyun (AOA)…
Với các công ty giải trí, việc tạo ra một CF Queen vô cùng quan trọng, bởi họ mang về khoản thu lớn. Đó cũng là lý do vì sao mỗi nhóm nhạc nữ thường sẽ có một thành viên sở hữu ngoại hình xinh đẹp được công ty đẩy mạnh quảng bá hơn cả.
Đương nhiên, để trở thành CF Queen, yếu tố cần có đầu tiên ở các thần tượng nữ chính là ngoại hình xinh đẹp. Và thông thường những nhóm nhạc mới ra mắt luôn mang đến sự trẻ trung, tươi mới, trong khi thế hệ tiền bối như Wonder Girls, Sistar, 4Minute… đã trở nên quen thuộc, thậm chí nhàm chán.
Nhờ ngoại hình xinh đẹp và thành công rực rỡ của các ca khúc, Twice đem về khoản lợi nhuận lớn cho công ty JYP. Ảnh: JYP.
Mặc dù Wonder Girls thành lập trước Twice và có thể đảm bảo các giao dịch quảng cáo tốt hơn, nhưng tiềm năng thu nhập của họ bị giới hạn do vấn đề tuổi tác.
Trong khi đó, Twice đang vươn tầm nhóm nhạc nữ hàng đầu Hàn Quốc. Ngoài doanh thu khủng từ tiền bán album, concert, nhạc số… nhóm nhạc mới nhà JYP, đặc biệt là thành viên Tzuyu dễ dàng thu hút hàng chục hợp đồng quảng cáo ngay khi ra mắt.
Tuy chưa thể đạt tới thành công của Twice nhưng Cosmic Girls (đàn em của Sistar), DIA (T-ara), Pristin (After School)… cũng có doanh thu bán album ấn tượng và nhận được nhiều lời mời chụp hình, quảng cáo.
Chưa kể, nguồn thu nhập quảng cáo là hữu hạn và nó tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhóm nhạc nữ trong cùng công ty. Ví dụ, nếu YG Entertainment ký hợp đồng làm người phát ngôn cho một nhãn hàng, Black Pink và 2NE1 sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với nhau.
Ngoài tiềm năng thu nhập, các công ty quản lý sẽ phải xem xét kỹ lợi tức đầu tư khi quyết định duy trì nhóm nhạc nào. Cũng bởi, số tiền đầu tư cho một nhóm nữ không hề nhỏ, thậm chí lên tới hàng chục tỷ đồng.
Theo đó, hợp đồng được ký trong những năm đầu tiên của một nhóm nhạc sẽ bao gồm nhiều điều khoản có lợi cho công ty để họ đảm bảo thu hồi vốn. Ngược lại, khi hợp đồng đầu tiên hết hiệu lực sau khoảng 5-7 năm và 2 bên tái ký, các điều khoản sẽ bị thay đổi theo hướng có lợi hơn cho nghệ sĩ.
Xem xét các yếu tố trên, có thể thấy việc công ty chọn ký với nhóm nữ mới, vừa chi trả ít lại tiềm năng hơn về thu nhập, thay vì những thần tượng đã ra mắt lâu năm cũng là điều dễ hiểu.
Những trường hợp ngoại lệ
Đương nhiên, quy luật trên không hoàn toàn được áp dụng ở tất cả công ty giải trí Hàn Quốc. Đặc biệt là công ty lớn và có những nhóm nhạc nữ đồng đều về độ nổi tiếng, như trường hợp của SNSD, f(x) và Red Velvet.
Dù SNSD đã ra mắt 10 năm nhưng vẫn là nhóm nhạc nữ quyền lực nhất Hàn Quốc. Chưa kể, họ có doanh thu album, bán vé concert không kém các nhóm nhạc nam… Do đó, kể cả khi f(x) rồi Red Velvet ra mắt, SNSD vẫn tiếp tục hoạt động dưới trướng của “ông lớn” SM.
SNSD là nhóm nhạc nữ hiếm hoi có doanh thu lớn từ quảng cáo, bán album, tổ chức concert.
Bên cạnh đó, quy tắc “chỉ một nhóm” cũng thường chỉ áp dụng với nhóm nữ thay vì đồng nghiệp nam. Nguyên nhân là bởi thu nhập chính của nhóm nam không đến từ quảng cáo mà là vé đêm nhạc, album...
Do đó, những nhóm như 2PM dù ít xuất hiện trên truyền thông, hợp đồng quảng cáo không dồi dào như xưa nhưng nhờ tổ chức đều đặn các concert lớn, nên vẫn đứng đầu về doanh thu trong số các nhóm nhạc JYP.
Đặc biệt, nhờ có fan trung thành nên thu nhập của các nhóm nam trong cùng công ty không bị chồng chéo lên nhau. YG hiện chỉ có 1 nhóm nữ là Black Pink, nhưng duy trì tới 3 nhóm nam là Big Bang, Winner, iKON. Tương tự, Twice là nhóm nữ duy nhất còn hoạt động ở JYP, trong khi công ty này tuy đã có 2PM, GOT7, DAY6 nhưng vẫn chuẩn bị tung ra nhóm nam mới.
Thực tế, quy tắc “chỉ một nhóm” không đồng nghĩa các công ty không có khả năng “nuôi” nhiều nhóm nhạc nữ. Đơn giản, đó là lựa chọn khôn ngoan để họ thu về lợi nhuận lớn và ổn định hơn.
Theo Zing