Tôi rất sợ những ngày cuối năm, không phải vì nhiều công việc chất đống mà bởi chính khoảnh khắc sum vầy gia đình. Xin kể qua một chút thì bố mẹ tôi đã mất từ lâu, họ chỉ đẻ tôi thành ra mấy dịp lễ Tết cũng lẻ loi đơn côi vô cùng. Sau khi lấy chồng thì tôi cảm nhận gia đình nhà chồng cũng chẳng đầm ấm hơn là bao. Thậm chí gặp nhau còn nảy sinh biết bao mâu thuẫn.
Về làm dâu nhà anh tới nay được 5 năm trời mà tôi vẫn cảm nhận dường như các thành viên trong nhà không ưa nhau cho dù cùng chung máu mủ. Chồng tôi là con út, trong nhà có cả thảy 5 anh em. Hai anh lớn nhất thì ở cùng một thủ đô Hà Nội với nhà tôi, trong khi hai anh còn lại thì vào tận miền Nam lập nghiệp. Bố mẹ chồng vẫn còn sống ở dưới quê.
Hàng năm thì cả đại gia đình thường gặp nhau dịp Tết Âm lịch. Còn Tết Dương lịch chỉ mấy anh em ngoài Hà Nội mới có thể về quê thăm bố mẹ. Năm nay cũng chẳng ngoại lệ. Mấy bữa trước tôi có nói chuyện với chồng về vấn đề này. Tôi còn bảo hay Tết Dương lịch thì thăm hai ông bà bên ngoại ngay trong thành phố rồi tháng nữa tới Tết Nguyên đán hẵng về quê. Năm nay có dịch giã khó khăn, mình cố gắng chi tiêu ít đi để đỡ khó khăn, có tiền ăn Tết dư dả.
Nhưng tôi vừa nói xong thì chồng gạt đi. Anh ấy bảo bác cả có gọi điện mời về cùng gia đình bác ấy. Chồng còn nói nhà bác cả có ô tô, đi đường cao tốc thuận lợi nhanh chóng sẽ không mệt đâu. Thậm chí còn sẵn người trợ lý lái xe rồi, mọi người cứ đánh một giấc là về tới quê liền. Tôi cũng đành nghe theo sự sắp xếp của chồng.
Nào ngờ lần này về quê cũng là lúc tôi nhận ra một sự thật không mấy dễ chịu...
Sáng 31, nhà bác cả dậy từ sớm đến đón vợ chồng tôi lên đường về quê. May sao cơ quan tôi lẫn chồng đều cho nhân viên nghỉ cả 31 nên mới rảnh rang thời gian đến vậy. Tôi đã chuẩn bị ít hoa quả, bánh kẹo mang về thắp hương tổ tiên và để đằng sau cốp xe.
Trên xe có anh cả, chị dâu, hai cháu, tôi và chồng cùng con gái, thêm cả trợ lý lái xe nữa. Tất cả đang trò chuyện vui vẻ. Nhất là chị dâu cười nói rôm rả và tỏ vẻ mãn nguyện, chị ấy cũng kể đợt vừa rồi đi du lịch vài chuyến hết năm. Xe vẫn chưa vào cao tốc mà mới chỉ đi dọc vành đai, đường hơi tắc chút ngày cuối năm nhưng không ai thấy phiền hà gì.
Bỗng chiếc xe dừng lại đột ngột khiến tôi ngồi ghế sau cũng phải giật mình. Hình như có một ai đó chặn đầu xe. Tôi đang mơ màng ngủ thì lập tức tỉnh hẳn để nhìn ra phía trước. Người đàn ông đứng trước ô tô khiến tôi phải sững sờ. Đó là anh thứ hai trong gia đình này.
Trông bộ dạng anh ấy nhìn khá tội nghiệp. Vợ anh hẳn đã phi xe đưa chồng tới đây. Lúc này tôi mới chợt nhớ ra mình quên chưa hỏi sự hiện diện của nhà anh chị ấy. Nhưng điều đáng nói là ở trong xe ô tô, chị dâu chẹp miệng, bĩu môi tỏ vẻ bất mãn.
Ngay sau khoảnh khắc xe dừng đột ngột, anh thứ ba lên xe ô tô ngồi cạnh tôi và chồng ở hàng ghế sau. Từ lúc đó, mọi người trên xe im bặt, chẳng ai nói với ai câu gì. Thấy dáng vẻ hớt hải, mệt mỏi của anh thứ ba mà tôi cũng ngại nên không hỏi chuyện gì thêm.
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Khi ra khỏi cao tốc, anh thứ ba có xin phép xe dừng lại để đi vệ sinh. Lúc anh ấy vừa xuống và đóng cửa xe lại, chị dâu đã đanh giọng "Đúng là cái loại nhà quê lại còn đòi ngồi ô tô. Trông bẩn thỉu chướng mắt. Đã bảo là đi xe nhanh lên để lão ấy không đuổi kịp rồi, thế nào mà vẫn bám càng theo được! Bẩn hết cả xe của nhà người ta!"
Nghe xong, tôi thấy bất bình thay cho anh ba bởi lẽ lời nói của chị dâu thực sự mang đầy tính miệt thị, nếu chẳng may anh ấy nghe được sẽ tổn thương rất nhiều. Tại sao anh em trong cùng một nhà mà lại có thể buông lời lẽ vô tình tới vậy chứ? Mặc dù không đồng tình với cách cư xử của chị dâu song tôi đành phải ngậm đắng trong lòng bởi sợ rằng bản thân sẽ làm phật lòng chị, khiến mối quan hệ gia đình sứt mẻ hơn nữa.
Tôi biết phải làm sao khi là người đứng giữa những mâu thuẫn ngầm này đây?
Theo Nhịp Sống Việt