Tranh cãi nhiều chi tiết về Khánh Ly và Trịnh Công Sơn trong phim
Em Và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đang là bộ phim “nóng” nhất trên rạp Việt những ngày qua.
Song hành với những bình luận trái chiều trên báo chí và mạng xã hội, Em Và Trịnh đứng ở Top 1 phòng vé và trở thành phim điện ảnh bán được 1 triệu vé nhanh nhất trong các phim Việt từ đầu năm tới nay.
Theo số liệu trên Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phim Em Và Trịnh đạt doanh thu gần 77 tỷ đồng.
Ngoài những khen chê về hình ảnh, mạch truyện và đặc biệt là việc diễn "chưa tới" của hai nam diễn viên đóng vai Trịnh Công Sơn, bộ phim trở thành tâm điểm bàn luận trên cả báo chí và mạng xã hội khi danh ca Khánh Ly lên tiếng nhiều tình tiết trong phim không đúng sự thật.
Tạo hình của Avin Lu (vai Trịnh Công Sơn thời trẻ) và Bùi Lan Hương (Khánh Ly) trong phim.
Cụ thể, ca sĩ Khánh Ly cho rằng, ngoài đời bà không bao giờ “đút sữa chua” cho Trịnh Công Sơn hay dám dùng những từ ngữ suồng sã với ông, như: “anh thó của ông Văn Cao à” (một câu thoại trong phim).
Ngoài ra, nữ danh ca cũng khẳng định, bà chưa từng từ Đà Lạt lên B'lao thăm Trịnh Công Sơn. Nhưng trong phim có cảnh Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đứng ôm nhau bên lửa trại trước căn chòi của nhạc sĩ tại B'lao.
Trước chia sẻ của danh ca Khánh Ly, không ít khán giả cho rằng: Phim ảnh nghệ thuật là câu chuyện hư cấu, không phải phim tư liệu nên việc ê-kíp phim đan xen những tình tiết hư cấu là không sai. Việc ca sĩ phản ứng là quá khắt khe, không hiểu về điện ảnh.
Bản thân đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng chia sẻ với báo Sài Gòn giải phóng rằng: "Làm phim về nhân vật có thật rất khó. Quá trình làm phim, chúng tôi mất 2 năm nghiên cứu, tham khảo tư liệu... Một điều thú vị, cùng một câu chuyện, nhưng mỗi người kể theo cách khác nhau. Nếu làm phim theo lời kể của một người, những người khác sẽ nói câu chuyện không phải như vậy.
Khi “bơi” trong tư liệu, chúng tôi quyết định ngừng tìm kiếm. Vì quá mải miết chạy theo điều đó, chúng tôi bị cuốn đi và quên mất ý định ban đầu. Chúng tôi nghiệm ra, tất cả đều là ký ức của mọi người. Tôi chọn theo cách mình muốn kể. Câu chuyện của nhạc sĩ chỉ là cảm hứng để tôi kể câu chuyện mang tính cá nhân hơn. Hầu hết nhà làm phim đều làm như vậy. Đương nhiên, khán giả sẽ có ý kiến và đó là quyền của họ. Làm phim xong, tôi chấp nhận phán xét của khán giả".
Chia sẻ của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh trên báo Sài Gòn giải phóng
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bộ phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khắc họa rất rõ hình ảnh Khánh Ly, nên danh ca có quyền lên tiếng nếu đưa vào phim nhiều chi tiết không đúng sự thật, khiến người xem có thể hiểu sai về con người cũng như mối quan hệ giữa danh ca và nhạc sĩ.
Điện ảnh có quyền hư cấu đến mức nào?
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Giả sử đoàn phim đã xin phép bà Khánh Ly về kế hoạch bộ phim và phim có khuyến cáo người xem về tác phẩm có chi tiết hư cấu nhưng bà Khánh Ly cảm thấy nội dung bộ phim có tình tiết gây ảnh hưởng đến nhân phẩm, uy tín cá nhân thì có thể kiện.
Cụ thể, điều 34 Bộ Luật Dân sự 2015 nêu rõ: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Nếu thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó.
Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, khoản 3, 4 trong Điều 11 Luật Điện ảnh 2006 quy định về "Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh" bao gồm: Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Ứng xử thế nào với phim có nội dung sai sự thật?
Luật sư Trần Anh Dũng dẫn chứng trên thế giới, không ít phim hay tác phẩm nghệ thuật có chi tiết sai sự thật, gây tổn hại danh dự, nhân phẩm của nguyên mẫu vướng ồn ào kiện tụng.
"Tại Việt Nam, luật pháp vẫn bảo vệ quyền nhân thân. Tuy nhiên, các quy định này chưa được chi tiết như ở một số nước khác", luật sư Dũng cho biết thêm.
Danh ca Khánh Ly
Thực tế, mới đầu năm 2022, nhà sản xuất Netflix đã phải nếm "trái đắng" khi bị nữ vận động viên cờ vua người Georgia - Nona Gaprindashvili đệ đơn kiện, vì cho rằng mình bị bôi nhọ trong một tập của loạt phim The Queen's Gambit.
Variety cho biết trong đơn kiện gửi đi vào tháng 9/2021, một câu thoại trong phim, một nhân vật đã tuyên bố Gaprindashvili "chưa bao giờ đối mặt với đàn ông" là sai sự thật. Gaprindashvili lập luận rằng bộ phim này "quá phân biệt giới tính và coi thường phụ nữ". Trên thực tế, cô đã phải đối mặt với 59 đối thủ nam vào năm 1968.
Gaprindashvili yêu cầu khoản bồi thường trị giá 5 triệu USD và 75.000 USD nữa cho các hợp đồng thương mại bị ảnh hưởng từ sự việc. Ngoài ra, bà cũng yêu cầu Netflix xóa đoạn lời thoại đó khỏi loạt phim.
Đến tháng 11/2021, Netflix đệ đơn kháng cáo nói rằng: "Bộ truyện này chỉ là một tác phẩm hư cấu mà khán giả thông thái sẽ không bao giờ phân tích được lời nói hay sự thật trong phim. Khán giả sẽ không cảm nhận dòng này với hàm ý tiêu cực như nguyên đơn cáo buộc".
Nona Gaprindashvili trong trận đấu nổi tiếng năm 1965 khi một mình đấu với 28 người đàn ông cùng lúc.
Trong phán quyết vào tháng 1/2022, thẩm phán Virginia A. Phillips không đồng tình với cách lý giải này và nhận định Nona Gaprindashvili lên tiếng vì cảm thấy bản thân bị phỉ báng là hợp lý.
Theo quan điểm của thẩm phán, nếu một sản phẩm hư cấu gây tổn hại danh dự cho nhân vật có thật, nó sẽ bị xét xử vì tội phỉ báng.
“Netflix không dẫn chứng, và tòa án cũng không ghi nhận bất kỳ tác phẩm hư cấu nào được đặc cách khỏi tội phỉ báng khi mô tả chân dung các cá nhân có thật. Việc bộ phim là tác phẩm hư cấu không miễn trừ Netflix khỏi trách nhiệm pháp lý đối với tội phỉ báng nếu các bằng chứng chứng minh tội danh này được thu thập đầy đủ”, Variety trích lời của thẩm phán Virginia A. Phillips.
Netflix cũng trình bày việc The Queen’s Gambit có dòng cảnh báo đầu phim “Mọi tình tiết và nhân vật được đề cập trong phim đều là hư cấu. Chúng tôi không có ý định mô tả về con người hoặc sự kiện có thật”.
Nhưng thẩm phán nhận định thông báo này vẫn chưa đủ rõ ràng để phân biệt ranh giới giữa đời thực và hư cấu trong nội dung tác phẩm.
Theo Baogiaothong