Nam Phương Hoàng hậu là vợ vị vua cuối cùng của Việt Nam. Bà là một người phụ nữ đặc biệt, để lại tiếng thơm muôn đời. Sắc đẹp của Nam Phương Hoàng hậu 3 lần được phong danh hiệu Hoa hậu Đông Dương.
Nếu Nam Phương Hoàng hậu xuất chúng cả về ngoại hình lẫn tính cách, trình độ trí tuệ thì chồng của bà – vua Bảo Đại lại trái ngược hẳn. Ông vốn nổi tiếng là vị vua ăn chơi, trác táng, coi đàn bà là lẽ sống, là hơi thở. Chính vì sống với người chồng như vậy, Nam Phương Hoàng hậu chẳng có mấy ngày được vui vẻ, hạnh phúc.
Đánh ghen đầy kiêu hãnh: viết thư cảm ơn tình địch
Ông Phạm Khắc Hòe, Đổng lý ngự tiền văn phòng của Hoàng đế Bảo Đại từng chứng kiến Nam Phương ghen và kể chuyện đó trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc.
Đó là khi Bảo Đại đã thoái vị, ra Hà Nội làm cố vấn cho chính phủ cụ Hồ. Đã quen thói ăn chơi, Cựu hoàng không chịu được thiếu thốn nên nhờ ông Hòe về Huế gửi cho vợ một bức thư xin tiền.
Gương mặt Nam Phương Hoàng hậu trong góc ảnh nào cũng đượm buồn
Nam Phương Hoàng hậu đọc xong thư mà đượm buồn, nét mặt trầm tư suy nghĩ rồi quay sang hỏi ông Hòe: “Ông có biết Vĩnh Thụy (tên húy của vua Bảo Đại) cần tiền làm chi và cần bao nhiêu tiền không?”. Và dĩ nhiên là ông Hòe không dám nói rõ sự tình.
Cùng chiều hôm ấy, ông Hòe quay lại cung An Định để lấy thư trả lời. Tiếp ông là Nam Phương Hoàng hậu với nét mặt rầu rĩ nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh. Lúc ấy Hoàng hậu mới nhỏ nhẹ nói với vị khách phương xa: “Ông Hoè! Chắc ông biết tôi rất tin ông, quý trọng ông trước cũng như nay. Cho nên tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thuỵ mê cô Lý”. Dù bất ngờ khi Hoàng hậu đã biết mọi chuyện nhưng ông Hòe chỉ dám trả lời ngắn gọn là có nghe qua.
Bà Nam Phương lại chăm chú hỏi: “Ông có biết cô Lý nhiều không? Và cô ấy là người như thế nào?”. Ông Hòe thật thà đáp chưa thấy mặt bao giờ nhưng nghe đồn là cô ấy đẹp. Chữ “đẹp” trong câu trả lời của ông Hòe đã khiến Nam Phương Hoàng hậu rực lửa giận trong mắt. Sau một hồi thăm dò không thành công, bà Nam Phương nói thư chưa viết xong và hẹn ông Hòe quay lại sau.
Trong lần gặp tiếp theo, Nam Phương rút 2 tờ bạc ngân hàng Đông Dương loại 500 đồng giơ lên cho ông Hòe thấy rồi “bỏ trở lại vào giữa những tờ giấy màu hồng đặc sệt chữ Pháp dán lại” đưa cho ông Hòe.
Khi thấy Nam Phương Hoàng hậu phân vân về mối quan hệ của chồng và vũ nữ Lý Lệ Hà, ông Hòe có khuyên bà ra Hà Nội sống để được gần Bảo Đại. Nhưng ngay lập tức bà Nam Phương đáp rất khiêm nhường: “Thôi! Tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng”.
Chân dung vua Bảo Đại – ông chồng trăng hoa, ăn chơi trác táng
Người sứ giả là ông Phạm Khắc Hòe dù không biết trong bức thư Nam Phương Hoàng hậu viết gì nhưng đọc xong Bảo Đại mặt cứ tái dần đi. Mãi sau này, lá thư được kẻ thứ 3 là vũ nữ Lý Lệ Hà đã cất giữ suốt 50 năm được công bố.
Bức thư trên được nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang (Phan Kim Thịnh) trích dẫn từ hồi ức của Ngọc Giao và in lại trong cuốn Bảo Đại – vua cuối cùng triều Nguyễn (NXB Đà Nẵng 2004).
Không hờn giận, không ghen tuông hay nhục mạ tình định, với vị thế là một Hoàng hậu, là “người chị”, người được phong tước danh chính ngôn thuận, Nam Phương viết: “Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức Cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc Cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi Cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!”.
Bức thư ngắn gọn, thoạt qua thì như một lời cảm ơn đơn thuần nhưng thực sự đọc kĩ từng câu người ta mới thấy thấm. Nam Phương Hoàng hậu đang muốn nói với kẻ thấp hèn kia rằng bà đã biết rõ mọi việc dù ở một khoảng cách rất xa. Bà Nam Phương cũng tỏ ra mình là người biết ân nghĩa khi có lời cám ơn tình địch nhưng đằng sau sự cám ơn lại là thái độ có chút mỉa mai, chua chát. Mong là Cựu hoàng giữ được cái phúc để cô nàng cũng được hưởng theo.
Sắc đẹp chim sa cá lặn của Nam Phương Hoàng hậu thời trẻ
Lá thư không phải thể hiện sự bất lực mà đó là lòng kiêu hãnh, sự kiêu hãnh của một người đàn bà bản lĩnh. Hành động ấy nói trắng ra theo cách hiểu thời nay thì có lẽ là: Tôi cũng chả tha thiết gì cái thứ đàn ông lăng nhăng ấy đâu. Cám ơn vì cô đã rước đi cho. Thôi thì cũng cầu chúc cho cô được “hưởng” lâu lâu chút. Và tôi sẽ chẳng bao giờ quên sự phản bội này.
Lời thức tỉnh đối với đàn bà dành cả thanh xuân để lo giữ chồng rồi lãng phí phần đời còn lại để tha thứ cho chồng phản bội.
Nam Phương Hoàng hậu chính là một tấm gương sáng cho chị em học tập. Lẽ ra, bà có thể ra Hà Nội để ở cạnh chồng, dễ dàng giữ chồng khỏi các cô gái vây xung quanh. Nhưng với một người đàn ông vốn tính trăng hoa thì cất công làm thế để làm gì? Chỉ tổ chuốc lấy mệt mỏi, đau thương. Và thế là bà buông tay, buông hẳn để rồi bà sống bình yên trong cung An Định còn người chồng bội bạc thì vật vã không xu dính túi cùng tình nhân bên xứ người. Sự đánh đổi ấy có đáng không?
Hãy học cách đánh ghen thông minh của Nam Phương Hoàng hậu, người phụ nữ thấm nhuần cái hay, cái mới phương Tây nhưng vẫn giữ đạo đức khí chất phương Đông. Người ta hay nói đùa nhau rằng, trong xã hội phương Tây, thứ tự ưu tiên lần lượt là: “Trẻ em, phụ nữ, con chó rồi mới đến đàn ông”. Có lẽ bị xếp chót như thế mà từ ngàn đời nay, nền văn hóa phương Tây luôn mặc định việc đàn ông cần ga lăng, chiều chuộng phụ nữ.
Còn phụ nữ lại rất biết cách trân trọng bản thân, những giá trị của mình đang sở hữu. Họ độc lập, mạnh mẽ và không bao giờ quỵ lụy đàn ông. Điển hình, khi phụ nữ phương Tây phát hiện ra chồng, người yêu ngoại tình họ sẽ chẳng bao giờ phí công sức đánh ghen với cô nàng kia mà về “dạy dỗ” lại người đàn ông của mình. Thậm chí có những đất nước còn ra luật cấm đánh ghen ngoài đường, nơi công cộng.
Phụ nữ thông minh là phụ nữ biết giữ chồng, biết cách khiến cho chồng phải yêu, phải thương mình mà một lòng, một dạ ở với mình. Còn khi ông chồng đã đổ đốn đến mức ra ngoài chung chạ với hết đàn bà này đến đàn bà khác thì xin khẳng định đó là một người đàn ông không đáng để giữ.
Theo VTC