Lần nào gặp nghệ sĩ Đức Hải cũng thấy anh đang bận với cả núi công việc. Dù vậy, anh vẫn dành cho tôi quỹ thời gian ít ỏi của mình để kể chuyện làm nghề và về cả 4 đứa con láu lỉnh, thông minh của anh.

Được lên sân khấu vui quá, quên... mang cát xê về

Dạo này anh còn đi diễn không? Thấy anh làm nhiều việc quá...

Có chứ. Đi diễn là một nhu cầu vì xuất phát điểm của tôi là một diễn viên. Tôi vẫn muốn được làm hề, muốn được thăng hoa, muốn được đứng trước công chúng, được đánh tí son phấn, được cười được khóc...

Vai ngắn hay vai dài đều được, miễn không làm mất thời gian quá thôi. Khi tôi nhận lời vai diễn nào thì tôi nói trước với đạo diễn là, sắp xếp mấy buổi tập thôi chứ đừng tập tràn lan không khoa học, tôi không có nhiều thời gian.

Vậy với số vai diễn đang ngày càng ít ỏi như vậy thì anh có thỏa mãn không?

Ngày xưa là diễn viên thì đêm nào cũng diễn tưng bừng. Bây giờ, tôi còn là đạo diễn, là sếp của bao nhiêu nhân viên, bố của 4 đứa con... thời gian của tôi còn bị phân bổ bởi nhiều việc khác nên khát vọng diễn thì luôn luôn có nhưng thực tế không cho phép.

Có những lúc tôi xách vi li đi diễn rồi xách vi li về mà cũng chả nhớ là mình đã lấy tiền hay chưa. Nhiều khi còn để quên trong túi quần phục trang rồi đi về. Vì mình không quan tâm, được lên sân khấu diễn là vui quá rồi.

Anh còn giảng dạy ở trường Sân khấu Điện ảnh không?

Tôi âm thầm làm những gì theo con tim và khối óc mình nên tôi không cho truyền thông biết về việc này. Tôi nghỉ giảng dạy ở trường từ năm 2011 đến giờ.


Danh hài Đức Hải.
Danh hài Đức Hải.


Ngày xưa khi anh vào Sài Gòn chẳng phải vì đi theo lời mời của trường Sân khấu Điện ảnh sao. Vậy vì lý do gì mà anh nghỉ dạy?


Có 2 lý do. Khi tham gia công tác giảng dạy, tôi đã đào tạo được một số diễn viên đạo diễn mà họ đã trở nên khá nổi tiếng nên tôi bằng lòng với công việc giáo dục của mình.

Tôi có một lớp kế cận mà khi nói tới Lê Khánh, Lê Bình, Lê Phương, Xuân Bắc, Vân Dung, Hiệp Gà... thì ai cũng biết. Họ là học trò của tôi.

Thứ 2 là khi tôi hăm hở vào Sài Gòn là tôi đơn thương độc mã. Bây giờ tôi đã có 1 vợ 4 con thì nhu cầu cuộc sống nó khác. Nó buộc mình phải phấn đấu hơn nữa, có thu nhập tốt hơn nữa.

Ngày đó tôi là trưởng khoa mà tổng thu nhập của tôi ở trường cũng chỉ vào khoảng 6 triệu đồng. Từng đó tiền thì sao mà sống mà lo cho gia đình được.

Nếu tôi không thấy điều đó một cách kịp thời, đến lúc sức khỏe không còn nữa thì không thể thực hiện được. Đã quá muộn. Tôi còn phải cho con tôi ăn học và những nhu cầu khác của gia đình...

Và thú thật, giờ tôi cũng khá thoải mái, không phải nghĩ nhiều về chuyện kinh tế nữa. Tất nhiên để làm được như thế, tôi đã rất nỗ lực.

"Tôi trúng kế của vợ"!

Anh có khả năng kiếm tiền tốt như thế, hẳn là vợ anh không cần phải làm gì?

Vợ tôi trước là giáo viên tiếng Anh, sau này học thêm văn bằng luật và đang làm ở văn phòng luật. Hàng tháng cô ấy kiếm cả chục triệu chứ không ít.

5 bố con nghệ sĩ Đức Hải chụp ảnh tự sướng trong một chuyến du lịch.
5 bố con nghệ sĩ Đức Hải chụp ảnh tự sướng trong một chuyến du lịch.


Nghe nói, anh cũng là "trâu già gặm cỏ non". Vợ kém anh tới 18 tuổi. Làm thế nào mà anh cua được chị?

Cô ấy học cùng khoa Tâm lý giáo dục trường Đại học sư phạm với tôi nên mới biết nhau. Lúc đó mình cũng nổi tiếng rồi, ai cũng để ý mình mà cô ấy thì không. Mình nổi điên, quyết chinh phục bằng được.

Cô ấy đứng ở ban công nói chuyện với một cô nữa. Cô kia có bầu rồi thì mình để ý làm gì. Thế là mình làm quen, tán tỉnh, yêu đương rồi tiến tới hôn nhân. Sau này nói chuyện cô ấy mới bảo, anh trúng kế của em rồi.

Ngoài lý do đó ra, anh còn bị chị hấp dẫn bởi điều gì?

Cô ấy cũng là người nhẹ nhàng, sâu kín. Mà môi trường của tôi là cười đùa, sôi nổi. Mình bị hấp dẫn bởi sự trái ngược nên chống cự yếu ớt.

Vậy sau ngần ấy năm chung sống, anh yêu nhất vợ mình ở điểm gì?

Là yêu con, dạy con, chăm con và nỗ lực phấn đấu không ngừng. Khi cô ấy đang mang bầu 3 đứa được 5 tháng, cô ấy vẫn đi học luật. Đó là sự nỗ lực cần thiết.

Có với nhau 4 đứa con, tình cảm vợ chồng anh còn được như lúc đầu không?

Về đời tư, tôi không nên tâm sự. Nhưng chuyện gia đình thì có một mẫu số chung. Nếu mình nói khác đi, người ta bảo mình nói không thật.

Khi mới yêu nhau, chỉ được nắm tay nhau thôi đã run rẩy, nuốt nước bọt ừng ực rồi, cứ lóng ngóng. Nụ hôn đầu đời không thể ngủ được, cứ hát nghêu ngao những bài hát vu vơ.

Nhưng khi về với nhau rồi thì cơm áo gạo tiền, lại lòi ra những thứ khi yêu không có. Khi đứng trước khó khăn, tình huống của cuộc sống lại mỗi người một ý, cũng có những điều nọ điều kia. Nhà nào chả thế. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ.

Vấn đề ở chỗ là, chúng ta đừng bao giờ có ý nghĩ cải tạo nhau mà phải chấp nhận nhau thì tuổi thọ của tình yêu mới dài được.

Còn nếu như đã cố gắng rồi mà vẫn không thể dung hòa thì đừng nghĩ rằng hết yêu nhau hãy nghĩ nhẹ nhàng hơn là hết duyên, chấp nhận nó. Còn hằn học, trả hận thì chính mình làm khổ mình.

Khi mới yêu nhau nó khác. Khi mình đã có tới 4 mặt con nó khác. Cuộc sống có nhiều mối quan tâm khác, không bó buộc vào 2 người như trước. Tôi bằng lòng tất cả những gì tôi đã làm.

Nghệ sĩ Đức Hải trên sân khấu.
Nghệ sĩ Đức Hải trên sân khấu.


Và chuyện nuôi dạy con...

Các con anh hiện thế nào?

Cháu đầu 13 tuổi và học lớp 7, ba đứa đang học lớp 5, 11 tuổi. Ở tuổi này các cháu còn mải chơi, hay quên. Nhưng trộm vía, các cháu ngoan.

Với điều kiện của anh, việc đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của con là chuyện dễ dàng. Vậy việc dạy các con tôn trọng tài sản, giá trị tài sản mà ba mẹ mua cho có khó khăn không?

Tôi thấy không khó khăn lắm. Tôi nói với các con rằng, bố mẹ không tiếc các con, bố mẹ có điều kiện để đáp ứng nhu cầu của các con.

Nhưng nếu đánh hỏng một cách cố tình hoặc không tôn trọng đồ vật mà bố mẹ mua cho thì có nghĩa là không tôn trọng lao động của bố mẹ. Vì bố mẹ lao động rất vất vả.

Có những đêm bố đi diễn, ngồi trên ô tô mấy trăm cây số, từ Hà Tĩnh về Hà Nội mà ô tô đối đầu nhau thì con có hình dung được là con có thể mất bố không?

Và chúng nó hiểu. Nhưng vì chúng nó là trẻ con nên một thời gian sau lại đòi mua cái này cái khác. Bố lại nhắc lại...

Anh có dạy con tự lập không?

Có chứ. Ví dụ, tôi nói con lấy cái gì ra ở đâu thì con phải để lại chỗ đó. Con cần gì con tự ra con lấy chứ bố không làm hộ. Kể cả người giúp việc cũng vậy.

Con không được hành hạ người ta. Con không được sai người ta. Thứ nhất, người ta là người lớn. Thứ hai con chơi mà người ta đang làm việc khác. Thứ ba bố là người trả lương cho người ta chứ không phải con.

Nhưng tụi nó cũng lúc nhớ lúc quên. Khi đó mình chỉ cần trừng mắt lên là nó nhớ ngay. Đến chuyện đi đánh răng còn phải nhắc.

Nhưng có chuyện súc miệng nước muối trước khi đi ngủ là không phải nhắc nữa. Giờ đã thành thói quen. Cứ đánh răng xong là tự giác súc miệng nước muối.

Sau rất nhiều lần bố chỉ cho các con răng sâu thế nào, đau, xấu thế nào... phân tích không dưới vài chục lần. Các con làm được như vậy là giúp bố mẹ và giúp chính bản thân mình. Dù là một việc cực nhỏ nhưng đã thành công và tôi rất mừng.

4 đứa con thông minh, láu lỉnh của nghệ sĩ Đức Hải - ảnh nhân vật cung cấp.
4 đứa con thông minh, láu lỉnh của nghệ sĩ Đức Hải - ảnh nhân vật cung cấp.


Trong chuyện nuôi dạy con, anh thấy thú vị nhất ở điều gì?

Tranh luận. Hồi bé nó tranh luận khác, lớn tranh luận như hai người đàn ông, hai người bạn.

Ví dụ, hai bố con đang ngồi đối diện nhau, mình ngưng nghỉ tí, con trai buông câu "có cần thiết phải căng thế không?" Rõ ràng chỉ những người bạn mới nói được với nhau như thế!

Đã có cuộc tranh luận nào giữa hai bố con khiến bố phải dùng quyền của một người bố để... thắng chưa anh?

Không bao giờ. Tại sao phải làm như vậy. Đó là tư duy của kẻ yếu. Phải lắng nghe, thấu hiểu, phân tích.

Có những lúc nó tranh luận rất dở hơi, trẻ con nhưng cũng có lúc rất cụ non. Nhưng khi mình đã hiểu được sự khác biệt về tuổi tác, hiểu biết ở hai lứa tuổi của mình và con thì thấy nó bình thường.

Mình luôn là người tranh luận, phản biện, phán xét, giải thích cho con hiểu.

Ít ra thì tôi cũng tốt nghiệp đại học, cũng là thạc sĩ, sư phạm... những cái đó chỉ ra cho tôi hiểu rằng cần phải có cách dạy con đúng đắn.

Anh có "giáo trình" dạy con không? Ví dụ, vợ chồng ca sĩ Giao Linh cứ hàng tuần họp mặt các con để bàn cái đúng, cái sai và sửa chữa. Còn anh?

Đó là việc nhà cô Giao Linh. Còn tôi là một nghệ sĩ hài tôi dạy cách khác. Tôi thấy cái gì không đúng không phải, tôi nói ngay.

Nhà tôi có 1 cái roi. Ví dụ, tội này là đánh 3 roi nhưng bố chỉ đánh 1 roi. Bố cho con nợ 2 roi. Vì bố là bố đẻ ra con. Bố đánh nữa bố khóc. Bố không muốn khóc trước mặt con.

Ai đẻ con ra chẳng xót. Nhưng mà nợ 2 roi bố đau đáu nghĩ về điều này. Và con cũng phải nghĩ về 2 roi đấy. Lần sau, bố chỉ cần giơ 2 ngón tay lên là con phải nhớ rằng con đang nợ bố cái gì.

Tôi đánh là bắt nằm xuống đánh vào mông. Trước khi đánh là tuyên bố lý do. Và nó khâm phục khẩu phục. Lần sau nó làm gì mình chỉ cần giơ 2 ngón tay trợn mắt lên cái là nó biết ngay rồi.

Theo Trí Thức Trẻ