Tiếng sét trong mưa hiện được khán giả màn ảnh nhỏ quan tâm. Tuy nhiên, việc phim có những cảnh nóng, chuyện tình loạn luân khiến một bộ phận khán giả đưa ý kiến trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng nên dán nhãn 18+ với phim.
Đạo diễn Phương Điền đã có những chia sẻ thẳng thắn với Zing.vn về vấn đề này.
Quan điểm dán nhãn 18+ là bất công
- Trước những ý kiến cho rằng nên dán nhãn 18+ với "Tiếng sét trong mưa" bởi phim có cảnh tình cảm táo bạo và đề tài loạn luân. Anh phản hồi gì về điều này?
Tôi cho rằng những người có ý kiến như vậy là chưa xem phim, chỉ đọc qua tiêu đề giật gân về cảnh nóng và loạn luân. Nếu mọi người xem phim sẽ thấy mọi thứ đều được xử lý chừng mực, nhẹ nhàng.
Cảnh nóng mà mọi người nhắc tới cũng chỉ là hôn, nằm xuống và hết. Tất cả cảnh đó đều không thấy da thịt hay có có chỗ nào phản cảm khiến người xem phải xấu hổ, bịt mắt.
Cảnh hôn giữa Thanh Bình và Phượng hay tình yêu của họ tôi cũng xử lý theo hướng trong sáng, rung cảm đầu đời. Tiếng sét trong mưa là phim truyền hình, làm cho mọi gia đình đều xem được. Con gái tôi mới 7 tuổi vẫn ngồi xem phim cùng cả nhà. Tại sao phải dán nhãn 18+? Quan điểm như thế rất bất công với đoàn phim.
Mối quan hệ giữa mẹ kế và con chồng cũng gây tranh cãi.
- Anh có lường trước được bộ phim sẽ gây nên những tranh cãi khi khai thác câu chuyện bi kịch, gai góc?
Ý kiến tranh cãi là khó tránh khỏi. Nhưng tôi cho rằng có tranh cãi nghĩa là bộ phim được quan tâm. Nhiều bộ phim ra mắt mà khán giả không biết bàn luận gì mới buồn.
Kịch bản của Lôi vũ không phải xa lạ với khán giả Việt Nam. Trước khi tôi làm phim, Lôi vũ đã được dàn dựng trên sân khấu kịch, dựng cải lương. Và mỗi tác phẩm ấy khi ra mắt đều tạo được tiếng vang, khán giả ủng hộ nhiệt tình.
Khi tôi chuyển thể, Tiếng sét trong mưa được tiết chế nhiều hơn. Bi kịch của phim thực ra không đau lòng như kịch và cải lương từng dựng đâu. Mọi thứ tôi tính toán cẩn thận để phù hợp với đời sống, tình cảm của người Việt.
- Dù vậy, một bộ phận khán giả vẫn cho rằng đề tài loạn luân rất nhạy cảm trên màn ảnh Việt. Đây là bộ phim truyền hình đầu tiên khai thác chuyện loạn luân?
Tất nhiên tôi cũng như các nhà làm phim khác, khi bắt tay vào dự án nào đều phải cân nhắc, suy xét kỹ lưỡng. Ở Tiếng sét trong mưa, chuyện loạn luân là có nguyên nhân, lý do hợp lý. Chẳng hạn Hạnh Nhi bị Khải Duy đối xử tệ, lạnh nhạt. Cô ấy khát khao tình cảm, trong khi con riêng của chồng kém ít tuổi. Trong các cảnh của Hạnh Nhi và Thanh Bình, chúng tôi cũng xử lý nhẹ nhàng qua những cái ôm, hôn thoáng qua.
Tình yêu loạn luân của Thanh Bình và Phượng là chuyện không ai ngờ. Cả hai không biết về thân phận của nhau. Nếu cả hai biết là anh em mà vẫn lao vào nhau mới đáng lên án chứ.
Hạnh Nhi níu kéo Thanh Bình.
Chọn bi kịch để khắc hoạ đau khổ tận cùng
- Khán giả cũng đặt vấn đề phim khai thác câu chuyện quá bi kịch. Họ cho rằng đạo diễn có thể xử lý theo cách khác nhẹ nhàng hơn. Quan điểm của anh thế nào?
Mọi người cũng hỏi tôi tại sao không xử lý bi kịch của gia đình Khải Duy theo hướng khác. Tôi nghĩ rằng đau đớn đẩy đến tận cùng để cho thấy bi kịch khủng khiếp của xã hội phong kiến. Những kìm kẹp, định kiến của chế độ đã đẩy con người vào đường cùng, mang tội lỗi và khổ đau.
Hơn nữa, câu chuyện loạn luân không phải xa lạ trong cuộc sống. Nó vẫn xảy ra mỗi ngày, ở khắp nơi. Tại sao mọi người lại phản ứng như thể đó là chuyện xa lạ, chưa từng có ở cuộc đời này.
Trong phim còn có mối tình loạn luân của anh em Phượng - Thanh Bình.
- Với nhận định cho rằng phim phát sóng giờ vàng không nên có cảnh nóng. Anh nghĩ sao về điều này?
Phim của tôi không có cảnh quay nào phản cảm để phải bị dán nhãn. Tôi đã làm hàng nghìn tập phim truyền hình, chưa có một bộ phim nào của tôi phải cắt hay dựng lại. Ngay từ khi dựng phim, tôi đã đặt điều luật 16 (Thông tư quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em) trên bàn. Cái gì đúng quy định mới dám làm. Phim của gia đình mọi thứ phải làm chừng mực, không thể bạo dạn như phim chiếu rạp.
Trước khi dựng những phân đoạn nhạy cảm, tôi đã xem đi xem lại cả chục lần, xem có bị phản cảm không... Và tôi cũng cam đoan rằng trước khi lên sóng cả ban biên tập đài cũng cân nhắc kỹ lưỡng hơn tôi gấp trăm lần.
Chúng tôi làm phim truyền hình chứ không làm phim chiếu rạp nên không cần cảnh nóng để câu khách, bán vé. Nội dung bắt buộc thì chúng tôi phải bấm bụng thực hiện những cảnh này.
Đạo diễn Phương Điền (thứ ba từ trái sang) và dàn diễn viên trong phim.
- Để có được "Tiếng sét trong mưa" gây tiếng vang, anh và ê-kíp đã làm việc thế nào?
Phim quay từ 2 năm trước. Lúc đấy, chúng tôi phải làm việc liên tục trong 6 tháng. Bối cảnh chính là một ngôi nhà cổ. Song chúng tôi phải vất vả mới tìm ra được một ngôi nhà ưng ý. Nếu các ngôi nhà quen thuộc khác, từng xuất hiện trong nhiều phim có giá thuê 2-3 triệu đồng thì ngôi nhà này, chúng tôi phải thuê với mức 18 triệu đồng/ngày. Để tiết kiệm chi phí, mỗi ngày chúng tôi phải làm việc từ sáng sớm đến khuya.
Ban đầu, ê-kíp dự tính quay trong 8 ngày nhưng đã tăng lên tới 16 ngày. Với kinh phí eo hẹp, chúng tôi chỉ biết khóc. Có thể nói cả ê-kíp, diễn viên đã làm việc cật lực, hết mình. Không có thành công nào mà không có vất vả, hy sinh đâu.
Theo Zing