Sáng nay (21/9), đại diện lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, bác sĩ Phạm Thanh Phong cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và phẫu thuật giải cứu thành công một bệnh nhân bị thanh sắt đâm xuyên sọ. Theo đó, bệnh nhân là ông C.K.H ( 40 tuổi, ngụ tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ).

Trước đó, Pháp luật và Bạn đọc đưa tin, ngày 18/9, ông H. dắt xe đạp đi qua một cây cầu nhưng do dốc cầu trơn trượt nên ông bị ngã và đập đầu xuống một cột bê tông làm bờ kè, cắm thẳng vào phần thanh sắt thừa trên đó. 

Dắt xe qua cầu, người đàn ông trượt chân bị thanh sắt đâm xuyên sọ-1
Thanh sắt dài sau khi được lấy ra.

Người dân đi qua thấy vậy hô hoán và chạy đi tìm người cắt thanh sắt ra khỏi cây bê tông rồi đưa ông H. đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Nhưng do bị quá nặng nên ông được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau đầu nhiều, thanh sắt rỉ sét đâm vào vùng chẩm, xuyên sọ.

Nhận thấy bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, các bác sĩ khoa cấp cứu tổng hợp, ngoại thần kinh, gây mê hồi sức tiến hành hội chẩn khẩn cấp và quyết định phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật ra cho bệnh nhân. 

Theo thông tin đăng tải trên Vietnamnet, sau gần 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy thành công thanh sắt dài khoảng 10cm cắm vào mô não, xung quanh có nhiều dịch kèm xuất huyết dưới màng cứng.

Đến sáng nay 21/9, bệnh nhân đã tỉnh, đầu đau ít, không sốt và tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại thần kinh. 

Dắt xe qua cầu, người đàn ông trượt chân bị thanh sắt đâm xuyên sọ-2
Hiện bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại thần kinh

Theo các bác sĩ trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân H. được biết, anh này may mắn vì được sơ cứu tại chỗ hợp lý và được phẫu thuật cấp cứu kịp thời nên đã có cú lội ngược dòng suôn sẻ, thoát khỏi cửa tử. 

Ngoài ra, các bác sĩ cùng đưa ra lời khuyên cho người dân khi gặp trường hợp vật nhọn đâm vào cơ thể thì không được rút dị vật ra, ngay cả tại phòng cấp cứu, đặc biệt là nghi ngờ có đâm vào mạch máu lớn, bởi lẽ lúc đó dị vật có vai trò như một nút tạm cầm máu, hạn chế nhất lượng máu ồ ạt chảy ra từ vết thương làm giảm khả năng tử vong do mất máu quá nhiều.

H.T (tổng hợp)
Theo Vietnamnet