Nằm bên dòng Cửu Long phù sa màu mỡ, An Giang có khí hậu và đất đai rất thuận lợi phát triển nông nghiệp, đồng thời là tài nguyên du lịch quý giá. Bức tranh nơi miền quê sông nước mộc mạc và đời thường nhưng vẫn đầy sắc màu và bình yên, thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Nghia Le Huu.
Có thể nói rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên) là thắng cảnh nổi bật nhất ở An Giang, với diện tích gần 850 ha cùng hệ sinh thái vô cùng đa dạng, phong phú, có những loài quý hiếm góp mặt trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong rừng, bèo trải đầy mặt nước trông như tấm thảm nhung xanh mướt, tạo nên không gian huyền bí mời gọi du khách đến khám phá. Ảnh: Vu Quoc Tung.
Ngồi trên chiếc xuồng, nhè nhẹ từng nhịp chèo khua trên dòng nước trong xanh, ngắm hàng chục loài chim hót véo von trên từng ngọn tràm mà ngỡ như mình đang lạc vào xứ sở thần tiên. Đây cũng là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho miền tây sông Hậu. Ảnh: Vu Quoc Tung.
Mùa nước nổi khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho người dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh đầu nguồn An Giang nói riêng. Mùa nước nổi đem thủy sản về các con sông, giúp cải thiện đời sống cho người nghèo. Ảnh: Long LR.
Làng nổi Châu Đốc điển hình cho nét văn hóa sinh hoạt của người dân miền sông nước. Những con người chất phác sống một cuộc đời đơn giản gói gọn trong căn nhà bè lênh đênh trên mặt nước, di chuyển chủ yếu bằng xuồng và ghe. Ảnh: Ngoc Thuong Huynh.
Bình minh hé rạng đằng sau hàng thốt nốt cao vút - loài cây đặc trưng của xứ sở này. Ảnh: Lê Minh Phát.
Mùa lúa chín vàng ươm trên cánh đồng Tà Pạ thuộc huyện Tri Tôn - một huyện miền núi hẻo lánh ở An Giang. Ngắm nhìn khung cảnh đầy yên bình, hít hà hương thơm lúa mới, bạn sẽ cảm thấy những lo toan, mệt mỏi như lùi lại phía sau. Ảnh: Ngoc Thuong Huynh.
Cũng tại mảnh đất Tri Tôn vào mùa khô, những đứa trẻ Khmer quây quần lại quanh những giếng nước ở giữa ruộng, cùng nhau tắm, nô đùa, ca hát, tươi cười thật hồn nhiên và chân thật. Ảnh: Phong Trần Thuần.
Hồ Ông Thoại tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, sở hữu phong cảnh hữu tình với nước hồ xanh trong soi bóng núi lung linh, nơi lưu dấu danh thần Thoại Ngọc Hầu - người có công khai phá và mở mang vùng đất này. Ảnh: Trương Kỉnh Nhơn.
Người Khmer ở An Giang chiếm 3,9% dân số toàn tỉnh, sống chủ yếu ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, mang lại dấu ấn văn hóa đặc sắc cho nơi đây. Đối với cộng đồng người Khmer Nam Bộ, ngôi chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa mà còn là nơi đại diện cho bộ mặt cuộc sống của người dân tại địa phương. Ảnh: Lê Mạnh Linh.
Nhắc đến dấu ấn văn hóa ở An Giang không thể bỏ qua lễ hội đua bò Bảy Núi ở thành phố Châu Đốc. Mỗi năm cuộc đua đều diễn ra gay cấn, kịch tính, thu hút hàng nghìn du khách đến xem và tìm hiểu văn hóa, con người nơi đây. Qua đó lễ hội góp phần quan trọng vào gìn giữ truyền thống, bản sắc dân tộc. Ảnh: Ngoc Thuong Huynh.
Theo dòng chảy của thời đại, những chuyến phà qua bến Vàm Cống gắn bó với nhiều thế hệ người dân An Giang và Đồng Tháp sẽ chỉ còn là kỷ niệm khi chiếc cầu bắc qua sông Hậu được hoàn thành.
Theo Zing