Cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km về phía Tây, làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, là một trong những làng cổ truyền thống từ xa xưa. Nhiều ngôi nhà vẫn giữ được lối kiến trúc kiểu Pháp cách đây hơn 100 năm.
Làng Cự Đà nằm bên bờ sông Nhuệ thơ mộng, mang đậm dấu ấn của một vùng thôn quê Việt Nam với những cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, bến nước, bờ ao, giếng làng.
Đây là một trong 3 ngôi làng cổ ở ngoại thành thủ đô Hà Nội. Giới trẻ hiện nay ít người nghe đến cái tên “Cự Đà” với nghề làm miến truyền thống lâu đời. Nếu Đường Lâm là làng Việt cổ điển hình của vùng trung du, thì Cự Đà lại là ngôi làng mang những đặc trưng cơ bản nhất của làng cổ ven sông.
Nghề miến và nghề làm tương bắt nguồn từ thời nhà Trịnh.
Miến Cự Đà nổi tiếng với màu vàng óng như ánh nắng mặt trời, miến được làm từ bột dong riềng, đem đi tráng thành bánh, hấp chín rồi phơi. Những chiếc bánh tráng khổng lồ được căng trên tấm phên lớn và phơi ở mọi nơi, từ ngoài sân, trong nhà, sân thượng, bãi cỏ rộng đến đường làng.
Tuy đã bị mai một phần nào bởi thời gian và sự biến thiên của lịch sử, nhưng Cự Đà vẫn còn giữ được nét độc đáo, đặc sắc và rất riêng của kiến trúc Pháp...
... với hai tầng nhà, ban-công, cửa vòm, gạch hoa lát cột, mảnh sứ đập ra ghép lại trang trí mặt tiền.
Miếu Cự Đà là một trong hai di tích được xếp hạng quốc gia của làng. Nằm trang trọng trong khuôn viên của miếu là đàn Xã Tắc, được đánh giá thuộc loại đẹp nhất nước còn lưu giữ được tới ngày nay.
Theo nhận định của những nhà nghiên cứu, đàn Xã Tắc làm bằng đá rất hiếm, hiện chưa tìm được ở đâu ngoài làng Cự Đà.
Đàn tế chạm rồng và biểu tượng các con vật thiêng trong bộ "Tứ linh" như ở nơi đây lại càng hiếm hơn. Rộng hơn ý nghĩa tế trời đất và thần Nông, đàn Xã Tắc còn bao hàm trong nó những nét độc đáo của một triều đại, một giai đoạn lịch sử.
Những mảng rêu xanh mướt bám trên nền tường đã cũ càng làm phong cảnh nơi đây thêm cổ kính.