Từ ngày cưới anh cả, chị đã đứng bếp nấu nướng cho cả nhà. Nhà mẹ chồng có tới sáu người con trai, nghĩa là chị có đến sáu chú em chồng, và sau này chị lại có thêm sáu chị em bạn dâu. Các chú thím lần lượt ra riêng, chị là người cuối cùng rời khỏi nhà mẹ chồng khi chú Út cưới vợ.

Ngày gần dọn về nhà mới, chị lo trăm bề, nhưng không quên chỉ dẫn thím Út cách nấu nướng, dọn dẹp để làm tròn bổn phận làm dâu. Chị hay tâm sự, đời chị may mắn vì gặp được ba mẹ chồng tốt, vì họ không có con gái nên coi các cô con dâu như con gái ruột của mình. Nhà ba mẹ chồng cũng thuộc diện khá giả trong vùng, có rẫy trồng rau, trồng bưởi, nuôi cá và nuôi bò. Nên chồng chị và các chú được ba mẹ chồng cho ăn học đến nơi đến chốn...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày trước, chú thím Ba được xem là giàu nhất trong tất cả anh chị em. Chú thím mở hẳn một công ty nội thất ở trung tâm Sài Gòn. Mỗi khi giỗ chạp, các nàng dâu và chị đều về nhà mẹ chồng từ đêm hôm trước, lăng xăng lo trong ngoài. Nhà quê ở Miền Tây là vậy, đến giỗ chạp là bà con dòng họ kéo nhau về họp mặt rất đông, có khi phải nấu gần mười mâm cỗ. Khi cỗ tiệc đã dọn đủ đầy mới thấy chiếc xe hơi bóng loáng của chú thím Ba về đậu trước ngõ, xong tiệc, chú thím hay dúi vào tay mẹ chồng chiếc phong bì để thể hiện tấm lòng.

Thím Ba xuất hiện lúc nào cũng toát lên vẻ sang trọng với những bộ đầm nhẹ màu, những móng tay được chăm sóc kỹ lưỡng. Nhìn chị nhễ nhãi mồ hôi, thím Ba nói: "Sao chị không gọi em gửi tiền về đặt người ta nấu, nấu chi cho cực thân vậy không biết?", chị cười nhẹ bâng, nụ cười hiện rõ niềm vui trong chị: "Chính tay mình nấu mới thể hiện tấm lòng con cháu tưởng nhớ đến ông bà, với lại nhìn ba mẹ, chú thím ăn ngon miệng vậy, chị mừng lắm...".

Mới đây, nhà lại có giỗ. Tuy là người đã ăn nên làm ra. Nhưng chị cũng vẫn tay xách, tay mang những gì cần thiết cho ngày giỗ bên nhà chồng. Vừa về tới nhà, mẹ chồng biểu: "Bây coi ra sau nhà dọn dẹp lại cái bếp, mấy hôm nay vợ thằng Út gần sanh, nó đau lưng không dọn hết. Tay chân mẹ dạo này nhức mỏi quá...". Chị vẫn vui vẻ nhận lời.

Rỗi tay, mẹ biểu chị nhổ dùm vài sợi tóc bạc, biểu chị khâu lại dùm cái áo bà ba. Thím Tư, thím Năm, thím Sáu mẹ cũng sai làm đủ thứ, từ nhổ lông vịt, lặt rau cho đến xay bột làm bánh, mẹ không để cho mọi người rỗi tay. Và tất nhiên, không bao giờ có mặt của thím Ba trong những lúc ấy. Chị thấy mẹ đối đãi với thím Ba khác mọi người, mẹ không sai thím ấy làm bất cứ việc gì khi về nhà chồng. Và vẫn còn cái gì đó rất "mẹ chồng nàng dâu"...

Xong giỗ, ngồi trên chiếc xe của mình có thuê tài xế đưa đón. Chị nhìn những rẫy bưởi hai bên đường, những mô bưởi một thời chính tay chị móc đất đấp lên. Và những lần thấy mình thấp bé với sự giàu có của thím Ba, chị thấy mình sai với suy nghĩ ấy. Chị nghĩ, có tiền rất dễ, chỉ cần chắt chiu, tiết kiệm và chịu khó làm ăn là sẽ có. Nhưng để mẹ chồng xem mình như con, bao năm chị phải ráng giữ câu nói: "Đất có lề, quê có thói".

Theo Phunuonline