Bữa cơm tất niên vào chiều 30 Tết là khoảnh khắc thiêng liêng, gắn kết các thành viên trong gia đình. Nhưng mâm cơm tất niên đôi khi lại là một nỗi ám ảnh, đặc biệt là với các nàng dâu.
Ảnh: Zing
Câu chuyện chuẩn bị cơm tất niên năm đầu tiên về làm dâu nhà chồng của chị Trần Thu Hạnh, khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội là một điển hình.
Chị Hạnh lấy chồng được 6 năm. Ngày chuẩn bị lấy chồng, chị nghĩ chỉ cần chăm sóc chồng con cho tốt, còn gia đình chồng ở xa, một năm chỉ về đôi ba lần dịp lễ Tết nên chuyện làm dâu sẽ không phải quá khó khăn.
Nhưng cưới xong chị mới tá hỏa trước những nghi lễ cúng bái rườm rà của nhà chồng. Theo lệ nhà chồng, chiều 30 Tết, các gia đình sẽ tụ tập đông đủ để cúng tất niên cùng bố mẹ.
Là dâu cả nên Tết năm đầu tiên sau khi cưới, chị phải đứng ra quán xuyến, nấu nướng cho đại tiệc tất niên. Nói là đại tiệc vì nhà chồng chị đông con cháu. Bố mẹ chồng chị sinh được 9 người con, ai cũng có gia đình, trung bình mỗi nhà có bốn người. Vì vậy, bữa tất niên, ngoài mâm cỗ cúng, chị phải lên thực đơn, nấu nướng đủ cho vài chục người ăn.
Từ chiều 29 Tết, chị Hạnh phải đi chợ mua gà, gạo nếp, thức ăn nấu cỗ và các đồ phục vụ cho mâm cơm cúng như hoa quả, trầu cau, hương nến…
Đặc biệt, bố mẹ chồng chị vốn làm ăn kinh doanh lớn nên có suy nghĩ, ngày này mời các cụ về ăn Tết phải sắm cho tươm tất. Ông bà yêu cầu, một mâm quả phải đủ 5 loại, xếp 1 mâm đầy ngọn mới là thành tâm.
Mâm cơm cúng của nhà chồng chị phải đủ 8 đĩa và 5 bát, tức là 8 món mặn và 5 bát canh. Món mặn ông bà yêu cầu phải đủ loại chiên, xào, luộc, hấp… 5 bát canh từ canh thập cẩm đến canh măng, bát miến theo phong tục cổ truyền.
Chị Hạnh kể, chị đã vô cùng ngỡ ngàng khi nghe yêu cầu của bố mẹ chồng. Nhưng vì là dâu mới, nên chị chỉ biết vâng lời làm theo. Vì chưa có kinh nghiệm mua sắm, chị phải quay vòng, đi chợ đến vài lần mà vẫn quên thứ nọ, thiếu thứ kia. Về đến nhà chị Hạnh phải lao vào tất bật mổ gà, đồ xôi, chuẩn bị nguyên liệu. 3 giờ sáng, trời đất đã sang xuân mà vẫn rét căm căm, chị mắt nhắm mắt mở dậy bắc bếp luộc gà và chuẩn bị nấu nướng.
Chị tâm sự: “Nhà cũng có mấy cô con dâu, nhưng lúc đó tâm lý nghĩ mình là dâu mới lại là dâu trưởng nên mình chẳng dám nhờ ai.
Cứ thế hùng hục làm, đến chiều tôi cũng làm xong. Mấy cô em chồng thì ra vào sắp xếp được đồ ăn, mâm cỗ cho thôi".
Chị Hạnh cho biết, sau bữa tất niên, nhìn căn bếp ngổn ngang những chồng bát, đĩa xoong nồi mà chị ngán ngẩm.
“Nhà chồng mình có tục lệ, cứ dâu mới về phải làm hết, kể cả khoản rửa bát, chẳng thấy ai động tay vào làm cùng. Mấy cô em dâu bảo, trước đây, các cô về làm dâu cũng thế mà không dám kêu ca.
Mệt phờ sau 2 ngày lo cúng tất niên, tối 30 giao thừa, mẹ chồng mình đã dặn dò nấu nướng cho mâm cơm cúng mùng 1 Tết. Coi như Tết năm đó ở quê chồng mình cứ xắn quần, tất tả bếp núc cho đến ngày hóa vàng”, chị Hạnh than vãn.
Chị cho biết thêm: “Những Tết năm sau, có vẻ việc nấu nướng, chợ búa đã được mọi người san sẻ nhưng trách nhiệm dâu trưởng vẫn nặng trên vai nên Tết đối với mình vẫn là nỗi ám ảnh”.
Theo Vietnamnet