Chuyện mẹ chồng, nàng dâu trong từ xưa đến nay vẫn là chủ đề nóng luôn được nhắc đến từ ngoài đời thật đến trong phim ảnh. Gần đây, khi bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” lên sóng, chủ đề này càng trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.
Ngay trong tập phát sóng đầu tiên của phim, cảnh người mẹ chồng rình rập rồi xông vào phòng tân hôn khiến cư dân mạng “ầm ầm” trao đổi. Người khóc, kẻ cười xoay quanh tình huống này. Cũng có không ít ý kiến cho rằng chuyện đó “chỉ có trên phim”, những bà mẹ chồng quá đáng như vậy từ lâu đã không còn xuất hiện.
(Ảnh minh họa)
Thực tế, chuyện mẹ chồng xông vào phòng tân hôn đó, hóa ra cũng có thật trong cuộc sống hàng ngày.
Tâm sự thủ thỉ về những ngày đầu về làm dâu, chị N.H.Vân (Cầu Giấy, Hà Nội): “Chuyện ngượng và buồn lắm, chẳng bao giờ dám kể cùng ai. Không phải chỉ có mỗi đêm tân hôn, ngay cả đến tận bây giờ, mẹ chồng mình vẫn có thói quen để ý chuyện “quan hệ” của hai vợ chồng. Đêm đầu tiên, mẹ còn sợ mình làm quá, cứ chốc chốc lại gõ cửa để 2 đứa không thể hành xử được lâu. Bà lo con trai bà vốn sức khỏe yếu từ bé, chẳng may lúc vui quá lại đi quà đà, có chuyện gì xảy ra… Mà không phải chỉ có mình gia đình mình đâu, lúc buồn quá kể ra, hóa ra cũng có nhiều nhà bạn bè mình bị bố mẹ chồng can dự vào việc cá nhân đấy lắm…”
Dưới góc nhìn căng thẳng của chị Vân, chuyện mẹ chồng xông vào phòng tân hôn là điều chẳng ai chấp nhận được. Thế nhưng, cùng một chuyện đó, chị Thảo – một cô dâu miền Tây lấy chồng Bắc lại nghĩ khác: “Tôi đi lấy chồng xa, mẹ chồng luôn nghĩ tôi xa nhà, xa mẹ đẻ, có chuyện gì bà cũng muốn thay mẹ đẻ dạy cho tôi. Hôm tân hôn, mẹ chồng còn đòi vào… dạy con trai, con dâu cách để “vừa giữ sức khỏe vừa mau có cháu”. Nghe cứ tưởng chuyện đùa nhưng thật sự các bà mẹ có cách nhìn kì lạ lắm, mình không hiểu được đâu. Có lúc là vì quá yêu và thương con, mẹ bất chấp tất cả, chuyện ngượng ngùng, chuyện tự trọng dẹp sang một bên, miễn sao bảo vệ được cho con của mình. Đấy chắc là tâm lý chung của các bà mẹ chồng.”
(Ảnh minh họa)
Dưới lý lẽ của các bà mẹ, việc “dòm ngó” đêm tân hôn của các con chủ yếu là bởi vì lo lắng cho sức khỏe của con cái. Họ sợ cả ngày mệt mỏi, nếu đêm đến vì hưng phấn quá mà cố sức thì sẽ dễ dẫn đến những chuyện không hay. Nếu nhìn dưới góc độ nhiều cảm thông thì đó đơn giản là nỗi lo của một người mẹ, là tâm ý tốt bị thể hiện sai lệch đi. Còn đứng dưới góc độ của một người làm dâu, lần đầu về nhà chồng, đến không gian riêng tư nhất cũng bị làm phiền thì đương nhiên, các nàng dâu sẽ không thể có cái nhìn thiện cảm, yêu thương đối với mẹ chồng.
Thực tế, không phải chuyện mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu không còn tồn tại trong cuộc sống cũng như chuyện mẹ chồng xông vào phòng tân hôn cũng không phải không có thật. Chỉ là, dần dần, con người ta biết cách trân trọng mối quan hệ giữa người với người hơn, để chuyên to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không có gì. Bất cứ mâu thuẫn nào, nếu được nhìn dưới con mắt của sự bao dung, đó sẽ là tình cảm mẹ con tốt đẹp, nếu nhìn dưới ánh mắt phán xét, nó sẽ thổi bùng mâu thuẫn lên đỉnh điểm.
Theo Khám phá