Suốt 84 năm kể từ lần đầu tiên vua khỉ cổ đại Kong xuất hiện trên màn ảnh trong King Kong (1933) của Merian C. Cooper và Ernest B. Schoedsack, đã có hơn 10 lần nữa Kong "trở lại" với điện ảnh nếu tính luôn các chương trình truyền hình và những bản chuyển thể của Nhật. Trong số đó có những tác phẩm về Kong được xem như huyền thoại mà khó có đạo diễn nào sau này vượt qua được, chẳng hạn như King Kong (2005) của Peter Jackson.

Đầu tư đến 190 triệu đô, Kong: Skull Island thả con tép bắt con tôm? - Ảnh 1.
King Kong (1933)

Đầu tư đến 190 triệu đô, Kong: Skull Island thả con tép bắt con tôm? - Ảnh 2.
King Kong (2005)

2 phiên bản King Kong năm 1933 và 2005 đều có những khuôn hình ghi tạc trong tâm trí khán giả, cũng như doanh thu khổng lồ mà nó đã mang về. Thành thử khi Warner Bros. và Legandary thông báo về một phim Kong mới, nhiều thách thức đã xảy ra từ trong trước nước. Huống hồ trong 2 năm trở lại đây Warner Bros. đang có một phong độ thất thường khi thực hiện các phim chuyển thể.

Không mặc chiếc áo quá khổ

Đầu tư đến 190 triệu đô, Kong: Skull Island thả con tép bắt con tôm? - Ảnh 3.
Kong: Skull Island (2017)

Người cầm trịch bộ phim là Jordan Vogt-Roberts, đạo diễn trẻ 34 tuổi chỉ mới đạo diễn một phim điện ảnh (và một số chương trình truyền hình) trước đó. Kong: Skull Island còn được quảng bá như một phim về Kong "cổ xưa" nhất với bối cảnh hoàn toàn ở đảo Đầu Lâu chứ Kong không "vi hành" đến đô thị, điều này vừa gây tò mò nhưng đồng thời cũng tạo ra ái ngại.

Chưa kể một trong những yếu quan trọng làm nên thành công mạnh mẽ của 2 phần King Kong trước đó chính là mối tình "bị cấm đoán" giữa Kong và một "bóng hồng". Nhưng mối quan hệ giữa Mason Weaver (Brie Larson) và Kong trong phần 2017 lại không được chủ ý nhấn mạnh. Với những điều trên đây, ngay từ đầu Kong: Skull Island đã phải đối mặt với nhiều sự nghi hoặc của những khán giả cũ.

Đầu tư đến 190 triệu đô, Kong: Skull Island thả con tép bắt con tôm? - Ảnh 4.

Tuy nhiên, dường như nhà sản xuất lại biết rất rõ điều này. Bằng chứng chính là việc công bố một vũ trụ quái vật (MonsterVerse) chính thức xuất hiện từ Kong: Skull Island. Cộng với Godzilla ra mắt vào năm 2014 (đạo diễn Gareth Edwards), MonsterVerse chính là quái vật vũ trụ đầu tiên bên cạnh các vũ trị siêu anh hùng của DC, Marvel hay X-Men. Vì lẽ đó mà yếu tố "xương sống" của Kong: Skull Island chính là cuộc đụng độ của các quái vật, thay vì những khoảnh khắc tình yêu.

Đầu tư đến 190 triệu đô, Kong: Skull Island thả con tép bắt con tôm? - Ảnh 5.

Nghe có vẻ nhạt nhẽo nhưng đó chính là điều kiện cần cho một phim quan trọng như Kong: Skull Island trong MonsterVerse. Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã cố gắng khai thác những thế mạnh trong yếu tố cảnh quan, cuộc sống và vị thế của Kong với các loài quái vật tiền sử xung quanh để làm nên chuyện phim.

Dù có nhiều quái vật xuất hiện trong phim bị thừa và chỉ "tỏ vẻ nguy hiểm" nhưng lại khẳng định được tầm cỡ cũng như không khí chính yếu trong MosterVerse sau này, đỉnh điểm là phần phim Kong vs. Godzilla vào 2020 khi hai quái vật tầm cỡ choảng nhau. Rõ ràng Kong của Warner Bros. và Legendary hướng tới những hiệu ứng về trải nghiệm điện ảnh hơn là những khoảnh khắc cảm động.

Đầu tư đến 190 triệu đô, Kong: Skull Island thả con tép bắt con tôm? - Ảnh 6.

Hiểu được mình đang làm gì vẫn tốt hơn loay hoay giữa những bộ áo hào nhoáng nhưng không vừa vặn. Đây không phải chiến lược an toàn mà là nước cờ thông minh của Warner Bros. và Legendary. Khi họ không cố gắng làm ra một King Kong khác để ghi dấu lịch sử mà chỉ đơn giản là đặt những viên gạch cho tòa nhà lợi nhuận về sau, thả một "con tép" mang tính thị trường để bắt "con tôm" lợi nhuận khổng lồ.

Chưa kể các vũ trụ điện ảnh đang là những cỗ máy kiếm tiền cực kì hiệu quả ở Hollywood, nếu có thể xây dựng thì chẳng dại gì không làm. Chiến lược này của Kong: Skull Island đã khiến bộ phim nhận được vô số nhận xét tích cực từ giới chuyên môn. Phim đang được chấm điểm 7 trên IMDB và 80% tươi trên RottenTomatoes, những con số đáng nể cho dòng phim giải trí đơn thuần.

Tính toán chắc chắn về doanh thu

Theo những đánh giá trên trang Deadline, Kong: Skull Island có thể đạt doanh thu từ 40 đến 50 triệu đô tại Mỹ trong 3 ngày cuối tuần đầu tiên, dựa trên những theo dõi từ một tháng trước. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng doanh thu mở màn của Kong: Skull Island khó mà vượt qua 93 triệu đô Godzilla đã làm được năm 2014. Tuy nhiên, việc bộ phim đang nhận được những phản hồi tích cực có thể sẽ khiến cục diện thay đổi.

Đầu tư đến 190 triệu đô, Kong: Skull Island thả con tép bắt con tôm? - Ảnh 7.
Tom Hiddleston và Brie Larson là những "con mồi" để câu khán giả

Phải kể đến một sức ép khác mà Kong đang gặp phải, chính là vị trí "sandwich" kẹp giữa Logan và Beauty and the Beast. Logan ra mắt từ tuần trước và đã thu về hơn 237 triệu đô, là phim dán nhãn R có doanh thu ra mắt trong tháng 3 cao nhất từ trước đến nay (85.3 triệu đô) và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nhiều. Còn Beauty and the Beast sẽ ra mắt vào tuần sau và hứa hẹn sẽ là một cú công phá phòng vé từ nhà Chuột. Vì thế mà thời điểm ra mắt của Kong: Skull Island trở nên "nguy hiểm" khi chí có đúng một tuần quan trọng để gây ấn tượng bằng doanh thu phòng vé nội địa.

Nhưng, vị trí "sandwich" cũng có thể tạo ra một sự cộng hưởng mang tính tích cực vào những ngày cuối tuần, khi khán giả có nhiều thời gian lê la ở rạp hơn, xem được một phim hay sẽ tạo cảm giác muốn xem tiếp một phim nữa. Có thể khó lòng chiếm được vị trí đầu bảng nhưng Kong: Skull Island sẽ "nắm tay" những bom tấn khác để nằm trong top 3.

Đầu tư đến 190 triệu đô, Kong: Skull Island thả con tép bắt con tôm? - Ảnh 8.
Dòng tweet với nội dung: "Chào Trung Quốc! Tôi nóng lòng muốn mang Kong: Skull
Island đến với các bạn vào ngày 24/3 này lắm rồi!"

Đây vẫn chưa phải toàn bộ những tính toán của Warner Bros. và Legandary. Hiện tại ngoài Bắc Mỹ thì bộ phim đã được công chiếu ở rất nhiều thị trường tiềm năng khác cùng ngày. Sau đó là Trung Quốc vào 24/3. Mới đây, diễn viên Samuel L. Jackson vừa đăng poster phim lên Twitter với nội dung hướng đến khán giả Trung Quốc. Có thể thấy việc nhà sản xuất xem Trung Quốc như một thị trường trọng điểm là hoàn toàn có cơ sở.

Hiện nay Trung Quốc như một bãi đáp an toàn của Hollywood, khi mà rất nhiều những bom tấn ngã ngựa đau đớn trên sân nhà lại có thể hoàn vốn, thậm chí sinh lời, ở thị trường này. Ví dụ diệu kì nhất gần đây chính là WarCraft. Bom tấn chuyển thể từ game đình đám nhưng chất lượng tệ hại có kinh phí 160 triệu đô, doanh thu toàn cầu là 433 triệu trong đó có đến 220 triệu từ Trung Quốc còn doanh thu nội địa chỉ có 47 triệu.

Với thị trường lớn thứ 2 thế giới và đang có tốc độ phát triển nhanh chóng mặt như Trung Quốc thì một tương lai tươi sáng của Kong: Skull Island ở đây là rất khả thi. Huống hồ chất lượng của Kong hơn hẳn Warcraft. Đấy là chưa tính đến một thị trường "si mê" quái vật khác là Nhật Bản cũng sẽ khởi chiếu bộ phim vào 25/3 và là nơi công chiếu trễ nhất.

Đầu tư đến 190 triệu đô, Kong: Skull Island thả con tép bắt con tôm? - Ảnh 9.
Poster "Kong: Skull Island" phiên bản Nhật

Hứa hẹn một cú ghi bàn đẹp mắt tại phim trường Việt Nam

Tất nhiên không thể thiếu Việt Nam trong danh sách tiềm năng. Dù doanh thu phim ảnh ở Việt Nam khá khiêm tốn so với mặt bằng chung, giống như một nơi quảng bá hơn là kiếm lời nhưng hãy nhớ đến con số 7 triệu đô của Furious 7 năm 2015. Sẽ rất khó để Kong: Skull Island chạm đến con số này nhưng hiệu ứng bộ phim ở Việt Nam đang cực kì tốt, phần lớn là nhờ những cảnh quay tuyệt đẹp tại Ninh Bình, Quảng Bình và Quảng Ninh. Cộng với thị hiếu giải trí của khán giả Việt Nam chính là những bộ phim hoành tráng, thuần về hành động kĩ xảo cũng là một thế mạnh cho Kong: Skull Island "cá kiếm" ở phim trường của mình.

Đầu tư đến 190 triệu đô, Kong: Skull Island thả con tép bắt con tôm? - Ảnh 10.

Tóm lại, với tình trạng bom tấn bắt đầu đổ bộ từ tháng 3 cùng những cái tên bất ngờ gây ấn tượng (Get Out) đang rộ lên thì việc võ đoán thành công của Kong: Skull Island khá khó khăn. Tuy thỏa mãn những nhu cầu về giải trí nhưng sự cạnh tranh sát sao là rất rõ ràng. Nhưng cũng không thể xem nhẹ những tính toán và chiến lược của Warner Bros, Legendary cho bộ phim đóng vai trò nền móng có vốn đầu tư đến 190 triệu đô kì này, một tương lai hứa hẹn tầm cỡ đã và đang được thành hình.


>>>Hãy xem 'Kong: Skull Island' để thấy Việt Nam đẹp đến thế nào

Theo Trí Thức Trẻ