Anh Quân vừa nấu nước sôi để trên bàn, chuẩn bị pha trà thì bất ngờ con gái 7 tháng tuổi đang tập đi trên xe đẩy lao đến đụng vào bàn, bình nước sôi đổ xuống khắp người bé. Người cha ôm còn vào bệnh viện tỉnh, khóc nức nở suốt đoạn đường đi...
Bé gái đáng thương đó là Phạm Thanh Vân. Bé Vân là con gái út của chị Nguyễn Thị Phượng và anh Phạm Văn Quân (ngụ tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai). Cách đây 2 tuần, anh Quân vào bếp nấu nước sôi để pha trà đem đi làm đồng uống. Anh vừa nấu xong, đặt bình nước sôi trên bàn rồi chuẩn bị ăn cơm với vợ.
Trong lúc đó, bé Vân đang chập chững trên chiếc xe tập đi. Bất ngờ bé đẩy chiếc xe đụng vào bàn, bình nước sôi 2 lít còn nóng hổi, chao đảo rồi đổ xuống khắp người bé. Anh Quân và chị Phượng không kịp trở tay. Bé Vân đau đớn khóc thét và vùng vẫy, anh Quân như chết đứng nhưng vẫn giữ bình tĩnh để sơ cứu cho con gái. Hai vợ chồng cùng đưa bé lên trạm y tế xã, nhưng bác sĩ chẩn đoán tình trạng bé Vân rất nguy kịch nên bé được chuyển lên bệnh viện tỉnh Gia Lai. Suốt đoạn đường đi, anh Quân chỉ biết khóc nức nở, vừa tự trách chính mình, vừa đau xót khi nghe tiếng khóc đau đớn của con gái.
Tại Bệnh viện tỉnh, các bác sĩ cho biết vết bỏng ở mông và bộ phận sinh dục của Vân quá nặng, toàn thân bé bị bỏng đến 90% nên các bác sĩ khuyên anh Quân và chị Phượng đưa con lên Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM để tiếp tục điều trị.
Bé Vân nhập viện trong tình trạng bỏng đến 90%, đến nay các vết bỏng đã lành lặn phần nào nhưng bé vẫn còn rất đau đớn và khóc quấy suốt ngày.
Bé Vân nhập viện vào ngày 1/6 trong tình trạng nguy kịch nên được nằm tại phòng cách ly để các bác sĩ theo dõi và chăm sóc đặc biệt. "Lúc đưa con vào bệnh viện, các bác sĩ nói vợ chồng tôi nên chuẩn bị sẵn tâm lí vì vết bỏng của con gái rất nặng, nhiều khả năng không qua khỏi. Tôi nghe mà tay chân bủn rủn, đứng không vững nữa...", chị Phượng nhớ lại khoảnh khắc đáng sợ đó.
Nhìn con gái đau đớn, chị Phượng chỉ biết nuốt nước mắt, mong các vết thương của con sớm lành lặn.
Nhưng may mắn thay, bé Vân đã mạnh mẽ vượt qua được giai đoạn nguy hiểm nhất. Sau một tuần nằm ở phòng cách ly, sức khỏe bé đã ổn định nên được đưa ra phòng thường để người nhà tiện chăm sóc mỗi ngày. Tuy nhiên vết bỏng ở vùng mông vẫn còn lở loét, rỉ máu, chưa thể băng lại được khiến bé rất đau đớn. Chị Phượng cho hay, ngoài các vết thương hành hạ, bé còn thường xuyên bị sốt và tiêu chảy nên đêm nào cũng không chịu ngủ mà khóc quấy đến khản cả tiếng.
Mấy ngày nay bé uống được sữa nhưng do vết bỏng ở vùng mông không băng lại được khiến vùng da đau rát chảy máu. Ngoài vết bỏng hành hạ, bé còn thường xuyên bị sốt và tiêu chảy nên đêm nào bé cũng khóc.
Bé gái 7 tháng tuổi đang phải chống chọi với những cơn đau khắp toàn thân.
Hai vợ chồng chị Phượng đều làm thuê, làm rẫy, thu nhập rất thấp. Dù rất nhớ và thương con nhưng anh Quân vẫn phải ở quê để chăm sóc cho con gái 7 tuổi ở nhà, anh còn phải đi làm thuê tại rẫy mía của những người dân trong xã, mong sao kiếm được đồng ra đồng vào, chi trả viện phí cho con gái út. Còn tại bệnh viện, chị Phượng và bà nội của bé hàng ngày phải đi xin cơm ăn, bao nhiêu tiền có được bây giờ, gia đình đều dành để mua sữa và đóng viện phí cho con.
Được biết, hai vợ chồng chị Phượng đều làm thuê, chị Phượng làm thuê ở rẫy lúa còn anh Quân đi làm thuê ở rẫy mía của những người dân trong xã, thu nhập rất bấp bênh.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hải - Trưởng Khoa bỏng chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Bé Phạm Thanh Vân là bé gái nhỏ tuổi nhất khi đưa vào phòng cách ly với vết bỏng rất nặng. Sau một tuần được các bác sĩ theo dõi và điều trị, sức khỏe bé đã ổn định, các vết bỏng đang kéo da non. Vùng da bị bỏng có khả năng tự tái tạo nên không phải làm phẫu thuật ghép da. Hiện tại bé vẫn phải nằm viện để các bác sĩ theo dõi, tình hình bé đã ổn nhưng những di chứng để lại sau này rất lớn”.
Theo Trti Thức Trẻ