1. Những câu chuyện mà nạn nhân là kẻ có lỗi

Đó là một đêm tháng 12, năm 2014, sau khi Jyoti - 23 tuổi và bạn trai của mình đi xem phim, Life of Pi - rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Cả hai quyết định bắt xe bus để về nhà, trên chuyến xe chỉ có 6 người - bao gồm cả lái xe.

Như đoạn mở đầu của một bộ phim kinh dị, người bạn trai bắt đầu nhận ra sự đáng ngờ khi chiếc xe bus rời khỏi lộ trình và cửa xe đóng chặt. Khi chàng trai đặt câu hỏi, nhóm 6 người đàn ông bắt đầu chuyển sang mắng chửi cặp đôi vì ra ngoài quá muộn. Một cuộc cãi nhau căng thẳng nổ ra sau đó, và bạn trai của Jyoti bị những người đàn ông này xông vào đánh đập, trong khi Jyoti bị một vài người khác đẩy xuống cuối xe bus, và bắt đầu cưỡng hiếp, trong khi xe bus vẫn chạy.

Phần sau đó của câu chuyện, sau này được thuật lại trên các mặt báo - theo lời kể của các bác sĩ và cảnh sát - là một loạt những từ ngữ miêu tả những chấn thương nghiêm trọng về thể xác của Jyoti. Cô không chị bị 6 gã đàn ông thay phiên cưỡng hiếp, mà còn bị đánh đập và tra tấn. Báo cáo cho biết, cô gái bị chấn thương nặng vùng bụng, ruột và âm đạo. Các bác sĩ cho biết, những chấn thương này thậm chí đến từ việc, cô đã bị cưỡng hiếp bằng một thanh sắt.

Thay vì dạy phụ nữ phải biết bảo vệ bản thân, sao không dạy đàn ông không được hiếp dâm! - Ảnh 1.
Jyoti nằm trên giường bệnh sau vụ cưỡng hiếp, và nụ cười của cô
khi sự việc chưa xảy ra
.

Sau khi cưỡng hiếp Jyoti, nhóm 6 tên ném cô ra ngoài xe bus, thậm chí tên tài xế còn định lao xe lên người Jyoti. Dù vậy, người bạn trai của cô đã cố gắng đẩy được cô ra ngoài. Jyoti được tìm thấy trên đường vào sáng hôm sau. Người ta nhanh chóng đưa cô vào bệnh viện. 13 ngày sau khi sự việc xảy ra, Jyoti được đưa sang Singapore để điều trị. Nhưng cô qua đời chỉ 2 ngày sau đó.

Nhóm 6 người đàn ông đã cưỡng hiếp cô - bị bắt chỉ sau cái đêm kinh hoàng đấy 1 ngày.

Tháng 3/2015, BBC tung ra đoạn phỏng vấn với gã tài xế xe bus trong bộ phim tài liệu về Jyoti. "Khi bị hiếp, tốt nhất cô ta không nên chống trả". Gã nói."Nó nên im đi và chấp nhận bị hiếp. Rồi bọn còn lại sẽ chỉ ném nó ra đường và đâm thằng con trai".

"Một đứa con gái ngoan sẽ không ra đường vào 9h tối. Nó phải chịu nhiều trách nhiệm vì bị hiếp hơn là thằng con trai."

Và mới đây ở Brazil, thông tin về một cô gái 16 tuổi bị 30 người đàn ông lần lượt hiếp dâm và tung clip lên Twitter - đã thực sự khiến cả thế giới phải phẫn nộ. Nhưng, không khó để tìm ra hàng trăm nghìn những bình luận hướng sự chỉ trích về phía nạn nhân vẫn còn trong tuổi vị thành niên. Rằng vụ cưỡng hiếp kinh hoàng, chỉ xảy ra khi cô gái trẻ này ăn mặc hở hang và say rượu. Vâng, đúng vậy, sau khi bị 30 gã đàn ông cưỡng hiếp và tung clip lên mạng, đánh bạt mọi lòng tự trọng và phẩm giá, cô gái trẻ bị cả xã hội quay lưng vì một tội ác mình không gây ra. 

Nhưng thật ra, không phải đi quá xa xôi để tìm những nạn nhân bị đổ lỗi như thế. Vài ngày gần đây, mạng xã hội Việt Nam đã có dịp rúng động khi thông tin về một thanh niên, sử dụng ô tô để lừa lần lượt 3 cô gái lên núi và hãm hiếp. Toàn bộ chuỗi sự việc này xảy ra liên tục trong 10 ngày.

Thay vì dạy phụ nữ phải biết bảo vệ bản thân, sao không dạy đàn ông không được hiếp dâm! - Ảnh 2.
Chân dung của gã thanh niên tên Sơn đã thực hiện 3 vụ hiếp dâm chỉ trong 10 ngày. 

Khi sự việc bị phanh phui, người đời dành cả cơn bão luận tội các cô gái ấy - với đủ những chỉ trích rằng họ lười biếng, thực dụng và... ham tiền. Rồi vì thế mà họ đã bị gã trai kia lừa, đã tạo điều kiện cho kẻ hiếp dâm. Họ quên đi mất điều cốt lõi ở đây, gã thanh niên kia mới là tội phạm, hành vi cưỡng hiếp là hành vi phạm tội của hắn, chứ hoàn toàn không phải là tội của các cô gái. 

2.  Đổ lỗi cho nạn nhân: Khi tội ác được "coi nhẹ" vì sự chỉ trích dồn vào người bị hại

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu bạn giật mình nhận ra, chính mình từng thốt lên một câu nói dưới đây khi nghe về một trường hợp tấn công tình dục phụ nữ.

- Cô ấy về nhà quá muộn, con gái không nên ra đường vào lúc tối muộn như thế.

- Đi vào quãng đường đấy quá vắng, tại sao cô ấy lại mạo hiểm như vậy?

- Ăn mặc như thế bị cưỡng hiếp là đúng rồi, không oan.

- Đã đi muộn lại còn uống say, giờ còn đổ tại ai?

Một sự thấu cảm khó hiểu với thủ phạm, đi cùng một lối suy nghĩ độc ác, thiếu công bằng và thiếu đạo đức với nạn nhân. Chuyện gì đang xảy ra khi một cô gái bị hiếp dâm - hiển nhiên cần được nhận sự thông cảm từ xã hội, lại bị chính xã hội quay lưng và chất vấn? Chuyện gì đang xảy ra, khi lẽ ra những chỉ trích phải hướng về phía kẻ hiếp dâm, nay lại chĩa thẳng vào nạn nhân với hàng tá những lý do, những công kích về cách hành xử, về ăn mặc hay giờ giấc của họ?

Hai câu chuyện ở đầu bài viết là một vài trong những trường hợp điển hình của victim-blaming: Đổ lỗi cho nạn nhân. Trong nhiều năm qua, victim-blaming đã trở nên quen thuộc và cắm rễ sâu vào đời sống hàng ngày, thậm chí là chính trong suy nghĩ của con người nhiều hơn bạn những gì bạn có thể nghĩ đến.

Thay vì dạy phụ nữ phải biết bảo vệ bản thân, sao không dạy đàn ông không được hiếp dâm! - Ảnh 3.
Những cuộc biểu tình lên tiếng đòi lại công lý cho Jyoti.

Đổ lỗi cho nạn nhân, nói đơn giản là một trò đánh tráo khái niệm, mà ở đó, nạn nhân là người phải chịu trách nhiệm cho tội ác của kẻ đã gây ra. Đổ lỗi cho nạn nhân thường xuyên xảy ra khi thủ phạm là một đối tượng nhận được nhiều cảm thông từ xã hội hơn, và nạn nhân nằm ở phe yếu thế, từ đó người ta sẽ tìm cách để biện giải cho hành động của thủ phạm, và quay ngược lại công kích người nạn nhân.

Những trường hợp nào mà nạn nhân thường hay bị đổ tội? Những vụ cưỡng hiếp, những vụ sàm sỡ, những vụ án mà nạn nhân là phụ nữ. Không phải vô cớ mà victim blaming trở thành một chương quan trọng trong những cuộc đấu tranh nữ quyền trên khắp thế giới.

Càng không khó để tìm ra những ví dụ điển hình về victim blaming trong xã hội bây giờ, ngay cả giữa một đám đông văn minh và hiện đại. Thói quen đổ lỗi cho người phụ nữ thường xuyên đến mức, có đến 1 tỉ lý do người ta có thể nghĩ ra để... hợp lý hoá chuyện một cô gái bị cưỡng hiếp. 

Trong khi đó, thực tế hoàn toàn hiển nhiên cần phải được hiểu rõ rằng: Hiếp dâm đến từ chủ ý của thủ phạm, chứ không đến từ mong muốn của nạn nhân. Hiếp dâm là tội ác của kẻ xấu, không phải là bản năng của đàn ông mà chúng ta cần thông cảm.

Thay vì dạy phụ nữ phải biết bảo vệ bản thân, sao không dạy đàn ông không được hiếp dâm! - Ảnh 4.

3. Vấn đề của kẻ thoả hiệp với hiếp dâm là tìm cách dạy phụ nữ phải biết tự bảo vệ bản thân, thay vì dạy đàn ông không được hiếp dâm!

Sau khi xem những thước phim tài liệu của BBC về vụ cưỡng hiếp tập thể ở Ấn Độ, tôi đặt ra câu hỏi: Người phụ nữ sẽ sống thế nào để tự bảo vệ mình không bị cưỡng hiếp? Tôi lập ra một danh sách những việc phải làm, những việc tránh làm, và nhận ra, tất cả trong số những việc đó đều là quyền lợi hợp pháp của một con người.

Tại sao người phụ nữ phải thoả hiệp với những kẻ cưỡng hiếp, phải chịu thu mình lại sang lằn ranh nhỏ bé của một thế giới thụ động, để có cảm giác an toàn và không thấy có lỗi khi trở thành nạn nhân tình dục? Trong khi những kẻ cưỡng hiếp bước ra thế giới ngoài kia như những bạo chúa, và có thể ra tay với bất cứ cô gái nào và không hề có cảm giác tội lỗi?

Tại sao chúng ta lại phải thoả hiệp một cách tuyệt vọng với một sự bất công hiển nhiên nghiêng về phía kẻ ác, giữa một xã hội hiện đại và công bằng?

Sự thoả hiệp này không mang đến một môi trường an toàn hơn cho phụ nữ, ngược lại - bình thường hoá việc hiếp dâm. Biến hiếp dâm thành một con quái vật mà chúng ta buộc phải sống chung một cách hoà thuận. Nó khiến chúng ta chấp nhận một sự thật méo mó rằng: Phụ nữ là một thực thể gây ra tội lỗi và phải thông cảm với bản năng xấu xí của đàn ông. Thậm chí, những hình phạt cho kẻ hiếp dâm không đáng sợ bằng sự dung túng của xã hội cho tội lỗi này.

Jyoti đã qua đời trước khi phải nghe những lời miệt thị, đổ tội trắng trợn của kẻ đã hãm hiếp mình Như thời Trung cổ. Nhưng vẫn còn hàng nghìn, hàng trăm nghìn những cô gái khác, bị cưỡng hiếp và rồi thay vì được đòi lại công bằng, họ bị chính xã hội quay lưng và tước hết phẩm giá. Không chỉ ở Ấn Độ hay một đất nước xa xôi vẫn còn nặng hủ tục nào, mà ngay cả ở các nước phương Tây, hoặc thậm chí là quanh bạn mỗi ngày. Hãy rộng lượng, mở mắt ra để nhìn thấy họ, những cô gái chấp nhận im lặng vì sợ trở thành mục tiêu công kích, trở thành nguồn cơn của chính tội ác mà mình phải gánh chịu.

Thay vì dạy phụ nữ phải biết bảo vệ bản thân, sao không dạy đàn ông không được hiếp dâm! - Ảnh 5.
Đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ dựa trên độ dài của váy?

Tôi không muốn sống trong một xã hội mà, tôi không thể ra ngoài sau 9h tối. Tôi cũng không muốn em gái của mình, chị gái của mình hay con gái của mình phải sống một cuộc đời sợ hãi, trốn tránh và run rẩy trước cái xấu, không thể mặc quần short hay áo hai dây chỉ vì sợ bị một gã đàn ông chạm vào người. Phẩm giá và sự tự do của người phụ nữ là một thứ không thể đánh đổi. Và chừng nào chúng ta còn chấp nhận việc người phụ nữ phải chịu trách nhiệm cho tội lỗi hiếp dâm, thì chừng đó chúng ta còn phải chấp nhận những câu chuyện như Jyoti, hay như cô gái bị 30 người hiếp dâm ở Brazil, hay hàng trăm, hàng nghìn những vụ hiếp dâm khác đang xảy ra mỗi ngày trên khắp hành tinh này.

Tôi tin vào một câu nói của Kurt Cobain, như một sự thật hiển nhiên, một giải pháp duy nhất mà cả nền văn minh này có thể trông cậy: "Hiếp dâm là một trong những tội ác khủng khiếp nhất trên thế giới này và nó vẫn xảy ra hàng phút. Vấn đề duy nhất của những kẻ thoả hiệp với hiếp dâm là họ dạy phụ nữ cách tự bảo vệ bản thân. Nhưng điều thật sự cần thiết, là phải dạy đàn ông không được hiếp dâm. Hãy tìm đến nguồn cơn của sự việc và bắt đầu từ đó".

Hiếp dâm sẽ không bao giờ biến mất, cho đến lúc người ta bắt đầu đảo ngược lại cán cân, và nhận ra vấn đề không nằm ở nạn nhân, mà ở chính thủ phạm. Dạy dỗ người phụ nữ hãy che đậy cơ thể mình, hay bảo họ không uống say - sẽ không giải quyết được vấn đề, mà ngược lại - chỉ khiến họ trở nên yếu đuối hơn và chấp nhận sự thật rằng, họ phải đánh đổi tự do để được an toàn.

Chúng ta không thể nhân danh việc bảo vệ người phụ nữ để tước đoạt đi quyền được hạnh phúc của họ, bởi như vậy, có nghĩa là ta nhận thua trong cuộc chiến bảo vệ phẩm giá con người.

Thay vì dạy phụ nữ phải biết bảo vệ bản thân, sao không dạy đàn ông không được hiếp dâm! - Ảnh 6.

Theo Trí thức trẻ