DC Comics vs Marvel: Cuộc chiến giữa những siêu anh hùng

(2Sao) – Nội dung đậm chất giải trí, không quá khó hiểu và độ phổ biến cao là những lợi thế của Marvel trong "cuộc chiến" với DC Comics.

Có lẽ chưa bao giờ mà các phim điện ảnh về những siêu anh hùng lại tràn ngập màn ảnh rộng như hiện nay. Mỗi năm đều có ít nhất 2-3 phim về siêu anh hùng ra rạp. Chẳng những thế, các phim này lại có những mối liên kết với nhau, tạo thành “vũ trụ điện ảnh” buộc khán giả phải theo dọi từ phim này đến phim khác.

“Civil War” được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao, chứng tỏ thành công
 mới của Marvel.


Trong đó nổi bất nhất là 2 nhà Marvel và DC, mỗi bên đều có những siêu anh hùng của riêng mình. Tuy nhiên DC lại có vẻ thất thế trước Marvel, nhất là khi “Batman vs Superman: Dawn of Justice” bị giới phê bình chỉ trích khá nặng nề trước “Captain America: Civil War”. Hãy cùng 2Sao điểm qua các lý do vì sao Marvel lại có ưu thế hơn trong cuộc chiến phim siêu anh hùng.

“Vũ trụ điện ảnh Marvel” đã có từ sớm

“Iron Man” đã mở ra khái niệm “Vũ trụ điện ảnh Marvel” áp dụng tới hiện tại.


Vào năm 2008, Marvel thực hiện phim điện ảnh đầu tiên thuộc “Vũ trụ điện ảnh Marvel” là “Iron Man” và gặt hái được nhiều thành công đáng kể. Được đà tiến bước, họ đã bắt đầu mở rộng “Vũ trụ điện ảnh Marvel” với các siêu anh hùng quen mặt với khán giả bên comics như “Captain America”, “Thor”.

“The Avengers 2” có liên kết chặt chẽ với các phim thuộc “Vũ trụ điện ảnh Marvel”,
 nên bắt buộc khán giả phải xem các phim trước đó.


Dần dần khi “Vũ trụ điện ảnh Marvel” lớn mạnh với 3 thương hiệu phim này, Marvel đã tập hợp các nhân vật này vào biệt đội “The Avengers” và bắt đầu việc liên kết các thương hiệu phim này lại, bắt đầu xen kẽ sự liên kết mật thiết với nhau. Nếu bạn không theo dõi “The Avengers” thì qua “Iron Man 3” sẽ có những tình tiết bạn sẽ không hiểu được. Và nếu không xem “Iron Man 3” thì qua “Captain American 2” và “The Avengers 2” lại càng khó hiểu. Sự liên kết chặt chẽ từ “Vũ trụ điện ảnh Marvel” đã lôi kéo fan và khán giả như thế.

“Batman vs Superman: Dawn of Justice” mới bắt đầu phát triển “Vũ trụ điện
ảnh DC”, nhưng lại quá muộn.


Còn với DC thì tuy họ sở hữu lượng nhân vật siêu anh hùng từ comics không hề thua kém Marve, nhưng họ đã quá chậm chân trong việc thiết lập “Vũ trụ điện ảnh” như Marvel đã làm. 3 phần phim Batman kinh điển do Christopher Nolan đạo diễn lại không liên quan gì tới “Vũ trụ điện ảnh”. Còn “Superman: Man of Steel” thì mới bắt đầu đặt nền móng cho việc xây dựng “Vũ trụ điện ảnh”. 3 năm sau, “Batman vs Superman: Dawn of Justice” mới tiếp tục phát triển và liên kết, nhưng đã khá muộn. Số lượng phim DC sản xuất hàng năm cũng không nhiều, nên việc thua kém Marvel ở thời điểm hiện tại là điều dễ hiểu.

Nội dung không phức tạp, gần gũi với khán giả
 
“Iron Man” thu hút bởi tính cách nhân vật tưng tửng, khi cần nghiêm túc thì
sẽ nghiêm túc


Đối tượng hướng tới của các phim siêu anh hùng Marvel là thanh thiếu niên từ độ tuổi teen trở lên, nên về mặt nội dung, phim mang màu sắc tươi sáng cùng những câu thoại hài hước. Bởi đối tượng tuổi teen trở lên là miếng mồi “béo bở” cho Marvel khi có thể khai thác tiềm năng doanh thu ở lứa khán giả này. Vì vậy phim Marvel ngoài tươi sáng thì còn có những câu thoại hài hước cùng những nhân vật ít nghiêm túc. Dĩ nhiên các phim do Marvel thực hiện vẫn có những trường đoạn triết lý và u ám, song lại được thể hiện nhẹ nhàng và thoải mái hơn nhiều. Bởi đối tượng khán giả trẻ vẫn thích phong cách vừa hài vừa sáng sủa xen lẫn sự u ám không nhiều hơn là u ám toàn bộ.

Phim của DC lại thiên về u ám và tăm tối, nội dung khá khó hiểu, đòi hỏi người
xem phải vận động trí não nhiều khi coi phim.


Còn với DC thì phong cách của họ hoàn toàn ngược với Marvel, khi các phim mà DC thực hiện đều rất tăm tối và u ám. Điển hình như bộ 3 phần của Batman do Christopher Nolan thực hiện, khi mức độ u ám đẫm máu và bạo lực lên tới tầm cao. Việc này chung quy do DC hướng tới đối tượng người trưởng thành, người lớn nhiều hơn là thanh thiếu niên như Marvel. Cách dàn dựng phim của DC cũng mang nhiều ẩn ý đến khó hiểu nếu không theo dõi để ý kỹ. Vì vậy phim của DC không được lòng khán giả như Marvel, vì khán giả phổ thông quan niệm họ xem phim để giải trí chứ không muốn phải mệt đầu hơn nữa. “Batman vs Superman: Dawn of Justice” là thất bại về nội dung của DC khi cốt truyện rối rắm, dài dòng và lan man, khiến phim bị giới phê bình lạnh nhạt.

Các siêu anh hùng Marvel phổ biến hơn

Trước khi Marvel chính thức làm phim thì “Spiderman” đã được Sony thực hiện
 và đạt nhiều thành công.


Nếu như DC chỉ phổ biến các nhân vật từ 2 bộ “Superman” và “Batman” thì Marvel lại có ưu thế hơn với các siêu anh hùng lên phim, lên game như “Spiderman”, “Thor”, “Iron Man”, “X-Men”… Trước khi “Vũ trụ điện ảnh Marvel” thành lập thì Sony và Fox mỗi bên đã tung ra các phim về các siêu anh hùng Marvel. Như Sony là loạt 3 phần phim “Spiderman” do Sam Raimi làm đạo diễn, hay Fox vẫn tiếp tục kéo dài thương hiệu “X-Men” trong suốt mười mấy năm qua. Trong thời gian này thì DC lại khá chìm và chỉ có mỗi 3 phần “Batman” của Christopher Nolan là nổi bật.

DC hy vọng “Suicide Squad” sẽ mở rộng “Vũ trụ điện ảnh DC” vốn ít ỏi của họ.


Vì vậy cũng không khó hiểu khi độ phổ biến của Marvel lại hơn hẳn DC cho đến thời điểm hiện tại. Nếu DC muốn vượt qua Marvel thì phải đầu tư thêm nhiều cũng như hướng tới đối tượng thanh thiếu niên nhiều hơn thì họ mới có khả năng thắng lợi. Còn không thì phim của DC sản xuất sẽ dần bị quay lưng như “Batman vs Superman: Dawn of Justice” đã gặp phải.

Nhân Sư
Theo Vietnamnet


Tin tức mới nhất