Quốc hội sáng nay thảo luận về kết quả báo cáo giám sát của “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Dẫn từ báo cáo giám sát đầy đủ, các phụ lục, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, các ĐBQH lên án mạnh mẽ tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là tại các đô thị lớn với nhiều phương thức, thủ đoạn và đối tượng khác nhau.

"Mảng tối" trong phòng chống xâm hại trẻ em

Phát biểu từ điểm cầu Quảng Bình, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đặt câu hỏi, liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu mà chưa được hồi đáp? Vết thương lòng của các em khi nào lành lặn?

Ông Phương cho rằng, nhiều quy định pháp luật chưa rõ ràng như tội ấu dâm, chưa có phòng xử án riêng. Nhiều vụ việc bị gia đình giấu.

Nhiều vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng như trẻ tự tử, trẻ tự làm hại mình. Xã hội cần vào cuộc quyết liệt để bảo vệ, tạo hành lang pháp lý vững mạnh, tiếp nhận thông tin từ trẻ em, gia đình, công khai danh tính kẻ xâm hại, bảo đảm an toàn cao cho trẻ em.

Đề nghị thiến hóa học tội phạm xâm hại tình dục trẻ em-1
ĐB Nguyễn Ngọc Phương

Để răn đe và nghiêm trị, ĐB đề nghị cần “thiến hóa học” kẻ xâm hại để ngăn ngừa loại đối tượng này. Việc này được nhiều nước trên thế giới làm và có hiệu quả.

Đồng thời, luật Giám định tư pháp cũng cần quy định rõ về xâm hại trẻ em là loại giám định đặc biệt. 

Ông đề nghị các phương tiện truyền thông và cộng đồng khi đưa tin về các trường hợp trẻ em bị xâm hại tránh nêu tên, tuổi, địa chỉ cụ thể vì sẽ gây tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến tương lai của nạn nhân bị xâm hại.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn thực trạng nhức nhối.

Những con số đau lòng sau đây cho thấy mảng tối của công tác phòng chống xâm hại trẻ em là đáng báo động. Có giai đoạn mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, 1 năm 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai", ông Hòa dẫn từ báo cáo giám sát.

Về nguyên nhân, ĐB đoàn Đồng Tháp cho rằng đó là do tác động, mặt trái của kinh tế thị trường, sự xuống cấp đạo đức xã hội; thực trạng lạm dụng rượu bia, chất kích thích chưa được ngăn chặn; phim bạo lực, phim khiêu dâm độc hại trên mạng tràn lan; gia đình thiếu sự chăm sóc...

Công tác theo dõi thống kê chưa được đầy đủ, chưa phản ánh đúng thực trạng trẻ em bị bạo hành và trách nhiệm của các ngành, các cấp về bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Đề nghị thiến hóa học tội phạm xâm hại tình dục trẻ em-2
 ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu

Theo ĐB, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau.

Nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ như người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm trên dưới 90%. Có đối tượng là giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ công chức, viên chức, người cao tuổi…

Để xảy ra xâm hại, chưa cá nhân, tổ chức nào bị xử lý

Tranh luận với ĐB Phạm Văn Hòa, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng việc xác định nguyên nhân dẫn đến xâm hại trẻ em "đổ thừa" cho mặt trái của kinh tế thị trường hoặc rượu bia là chưa đầy đủ, báo cáo giám sát QH đã nêu 9 nguyên nhân.

Theo ĐB Vân, nguyên nhân quan trọng nhất là cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt chỉ đạo phòng chống xâm hại trẻ em, thậm chí một số nơi còn coi nhẹ công tác này.

"40/63 tỉnh, HĐND tỉnh, TP chưa có nghị quyết chuyên đề chỉ đạo nội dung này mà chủ yếu lồng ghép vào nghị quyết chung về KT - XH, nội dung chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu.

Tôi cho đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Khi chính quyền, cơ quan chuyên môn nhận thức chưa đầy đủ thì làm sao nhân dân có thể nhận thức đầy đủ", ĐB dẫn chứng.

ĐB cũng nhận xét chưa thấy cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cá nhân nào bị kiểm điểm, xử lý vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em ở địa phương mình quản lý.

ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) nêu thực tế, những con số công bố có thể chỉ là phần nổi của tảng băng. Diễn biến liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp.

Đề nghị thiến hóa học tội phạm xâm hại tình dục trẻ em-3
ĐB Ksor H’Bơ Khăp

Nữ thiếu tá công an cho rằng, cần nhận diện hành vi xâm hại trẻ em để xác định hướng bổ sung, hoàn thiện luật.

"Các hành vi quay lén, nhìn lén, bắt trẻ em nhìn vào bộ phận sinh dục trực tiếp hoặc qua mạng, khoe bộ phận sinh dục ở nơi công cộng khá nhiều nhưng gần như không bị xử lý theo chế tài pháp luật... Các hành vi nói chuyện dâm ô hoặc dụ dỗ trẻ em không có quy định cụ thể nên hầu như không bị xử lý", ĐB Ksor H’Bơ Khăp trăn trở.

Theo ĐB, quan trọng nhất là giáo dục nhận diện đúng, trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại. Việc này đang được tổ chức theo các lớp học ngắn hạn, còn ở trường học nhất là vùng nông thôn, vùng sâu xa, miền núi còn mang tính hình thức, đối phó. 

"Cha mẹ, thầy cô giáo dục giới tính cho con em còn không dám nói đúng ngôn ngữ sinh học mà cứ nói "cái ấy, chỗ đó", bản thân các em không được tiếp thu kiến thức, giới tính pháp luật. Kỹ năng được dạy bảo chỉ là không được đi với người lạ, không được động vào người... Nhưng cuối cùng đa số vụ xâm hại lại từ người thân, người quen'', ĐB Gia Lai nêu thực tế.

Theo