Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 2 gồm Uỷ viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đỗ Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an TPHCM Nguyễn Sỹ Quang, Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến đã tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, Bình Thạnh trước kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Ngô Thanh Loan (phường 27, quận Bình Thạnh) bày tỏ bức xúc về vụ việc vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam.

Theo cử tri Loan, bà Nguyễn Phương Hằng đã xuyên tạc, xúc phạm, chửi bới nhiều cá nhân, kể cả quan chức trong thời gian dài; tố cáo nghệ sĩ ăn chặn từ thiện khiến các ngành chức năng mất nhiều công sức, tiền của xác minh sự việc.

Bà Hằng còn dùng mạng xã hội nhằm lôi kéo hàng trăm người, gây mất lòng tin trong nhân dân. Một số người am hiểu về pháp luật còn tham gia hỗ trợ, livestream cùng bà Hằng chửi bới, vu khống nhiều cá nhân. Đây là điều không thể chấp nhận được

“Bà Hằng đã bị khởi tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhưng đến giờ này, những "fan cuồng" của bà Hằng vẫn cho rằng bà bị phạt oan, cho rằng bà ta là người bảo vệ người yếu thế, lo cho dân, thậm chí tiếp tục ca ngợi bà Hằng”, cử tri Loan bức xúc và đề nghị xem xét, xử lý nghiêm những người liên quan đến hành vi vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng.

Nhiều ý kiến cử tri chia sẻ rằng, thời gian qua, cử tri cả nước đồng tình khi cơ quan chức năng khởi tố nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng như vụ Việt Á, vụ nhận hối lộ tại Cục lãnh sự…

Tuy nhiên, cử tri Nguyễn Hữu Châu (phường Võ Thị Sáu, quận 3) cho rằng, dư luận nhân dân rất bức xúc về vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa được xử lý dứt điểm dù đã kéo dài hơn 25 năm khiến hàng nghìn người dân bị dồn vào cảnh lầm than.

Đề nghị xử nghiêm người liên quan vụ án Nguyễn Phương Hằng-1
Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM (đơn vị 2) tiếp xúc cử tri sáng 7/5

Trả lời ý kiến một số cử tri, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM nêu rõ, quyền tự do dân chủ được quy định trong các văn bản pháp luật và thể hiện sự tự do dân chủ.

Ông nhấn mạnh, pháp luật đảm bảo cho người dân có quyền tự do dân chủ nhưng người dân cũng phải tuân thủ quyền này. Không thể dùng quyền này xâm phạm lợi ích riêng tư, quyền nhân thân và quyền lợi khác của nhà nước, của người dân.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, Việt Nam là quốc gia được phổ cập internet mạnh mẽ. Số lượng người dùng mạng xã hội rất cao nhưng một bộ phận không nhỏ người dùng ý thức pháp luật và thái độ, kỹ năng còn hạn chế.

“Có nhiều người tưởng lên mạng xã hội nói gì thì nói, làm gì thì làm. Đây là điều không được. Chúng ta phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, đại biểu Quang lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang cho biết, vừa qua, Công an TPHCM cùng các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quyền tự do dân chủ, theo các mức độ từ thấp đến cao, trong đó có xử lý theo hình thức khuyến cáo, gỡ bài, xin lỗi hoặc công an phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử lý vi phạm hành chính. Riêng Công an TPHCM đã xử lý 6 vụ việc với 8 bị can có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Đề nghị xử nghiêm người liên quan vụ án Nguyễn Phương Hằng-2
Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM

Lãnh đạo Công an TPHCM bày tỏ mong muốn các ngành chức năng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Về công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang cho biết trong 10 vụ án được đưa vào diện Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương theo dõi, Công an TPHCM thụ lý 4 vụ.

Ngoài ra, công an TPHCM còn thụ lý 8 vụ việc khác. Thế nên khối lượng công việc rất lớn. Chưa kể còn các vụ, việc khác do cơ quan khác thụ lý.

Theo Phó Giám đốc Công an TPHCM, trong phòng chống tham nhũng, ngoài hoàn thiện pháp luật cần tiếp tục chấn chỉnh cơ chế, chính sách minh bạch để cán bộ không thể, không có điều kiện tham nhũng, không phải đợi khi xuất hiện thì mới đấu tranh.

Theo Tiền Phong