Kịch tính hơn phim
Giáo dục công dân là môn thi thứ 3 trong tổ hợp bài thi khoa học xã hội, cùng với môn lịch sử và địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Sau buổi thi diễn ra vào sáng 29/6, đánh giá đề thi giáo dục công dân thu hút với nhiều câu hỏi có nội dung vô cùng kịch tính, một số câu hỏi đưa ra tình huống được học sinh ví là "drama (kịch tính) hơn cả phim Penthouse (Cuộc chiến thượng lưu) của Hàn Quốc".
Như câu 113 đưa ra tình huống anh T., chị P., anh S. là người cùng thôn. Trên đường đi làm về, chị P. phát hiện hai người này dùng kìm cách điện cắt trộm hệ thống dây điện của các hộ dân trên địa bàn. Lo sợ, chị P. tiết lộ sự việc với người khác liền bị anh S. và T. đe dọa.
Câu 115 có những cú twist (tình huống bất ngờ) khi nhân viên bưu chính giao bưu phẩm cho chị Y., do đang vắng nên chị này nhờ anh K. hàng xóm nhận hộ. Tò mò, anh K. mở gói bưu phẩm, chị Y. do quá bức xúc nên đã tung tin anh K. chiếm đoạt tài sản của mình...
Hay ở câu 116 đề cập chằng chéo các chi tiết, tình huống ly kỳ của "thế giới drama" công sở như gian lận thuế, nghi ngờ nhân viên, trì hoãn đóng bảo hiểm, tự ý nghỉ việc, buôn chuyện, tung tin "chơi xấu" đối thủ lên mạng xã hội...
Nhiều câu hỏi, vấn đề trong đề thi giáo dục công dân kỳ thi tốt nghiệp THPT "gây khó" cho cả các tiến sĩ luật (Ảnh: H.H).
Theo ý kiến của nhiều học sinh, đề thi năm nay ở mức tương đương năm ngoái, có em còn đánh giá đề dễ hơn. Rời phòng thi, không ít học trò cho biết các em chỉ mất 2/3 thời gian để xử lý đề thi và tự tin đạt điểm 9, thậm chí điểm 10.
Nhiều giáo viên tại các trường phổ thông cũng nhận xét đề thi nhẹ nhàng, dễ thở, học sinh sẽ không khó để đạt điểm tốt ở môn thi này.
Thầy Tạ Minh Tâm, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM nhận định, hầu hết các câu hỏi trong đề thi môn giáo dục công dân đều nằm trong sách giáo khoa lớp 12.
Đề thi nhìn chung dễ thở với học sinh, toàn đề chỉ có hai câu hỏi cuối quá nhiều thông tin gây khó khăn cho học sinh, các em dễ bị nhầm lẫn.
"Đề thi tuyển sinh khó hơn học luật ở đại học"
Tuy nhiên, sau bài thi tổ hợp, khi tiếp cận với đề thi giáo dục công dân, nhiều người trong ngành luật, kể cả tiến sĩ, giảng viên các trường đại học có phản ứng ngược lại. Nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên, choáng váng trước hàm lượng kiến thức pháp lý quá cao, quá phức tạp của đề thi 40 câu với thời gian làm bài 50 phút trong kỳ thi này.
Cử nhân luật Nguyễn Xuân Duy cho hay, để được điểm cao, thí sinh phải nắm lượng khối lượng kiến thức chuyên ngành khổng lồ cùng khả năng tư duy cao. Những câu hỏi tình huống yêu cầu thí sinh phải kết hợp nhiều kiến thức, độ nhiễu cao, phải nắm chắc kiến thức lý thuyết và phân tích từng chi tiết của tình huống để tìm ra câu trả lời.
Nhiều ý kiến cho rằng đề thi giáo dục công dân quá sức, quá tầm với học sinh phổ thông (Ảnh: Hải Long).
Anh Duy cho hay, đề nhìn qua thì dễ nhưng thật ra yêu cầu khối lượng kiến thức chuyên môn cao trong một số ngành luật như luật hình sự, hành chính, tố tụng hình sự, doanh nghiệp, hôn nhân gia đình... quá mức so với yêu cầu kiến thức ở bậc phổ thông.
Trên một số diễn đàn, nhiều luật sư, tiến sĩ luật, cử nhân luật cho biết, với đề thi này chính họ cũng gặp khó khăn, một số câu đọc xong phải lú lẫn đầu óc, rối não như câu 108, 113.
Nhiều người bày tỏ, nhiều vấn đề trong đề thi khó hơn học luật trong trường đại học, nhiều nội dung thuộc tầm chuyên gia pháp lý chứ không thể gọi là "phổ thông".
Đọc đề thi, một số tiến sĩ, giảng viên, cử nhân ngành luật không ngại tự nhận với đề này họ cũng chỉ làm được 5-6 điểm.
Tiến sĩ Trần Thị Bích Nga, giảng viên khoa luật kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM chia sẻ, bà rất ngạc nhiên khi đọc đề thi môn giáo dục công dân, thậm chí câu hỏi còn rộng hơn cả kiến thức pháp luật đại cương của các trường cao đẳng, đại học.
Bộ câu hỏi trong đề có cả kiến thức của Hiến pháp, hành chính, tố tụng dân sự và hình sự, có luật doanh nghiệp, có luật thuế, có luật lao động, có luật hôn nhân gia đình và nhiều luật khác nữa...
Bà Nga nêu quan điểm, với trình độ học sinh cấp ba với kiến thức giáo dục công dân và giáo dục pháp luật đại cương, nhiều câu hỏi trong đề thi này chưa phù hợp, quá rộng, quá tầm. Thậm chí, nhiều câu mang tính chiều sâu, tức là các em phải học chuyên ngành luật cụ thể mới có thể trả lời được.
Tiến sĩ Trần Thị Bích Nga băn khoăn liệu môn giáo dục công dân ở phổ thông có bao quát hết ngần ấy kiến thức pháp luật không?
Khi các tiến sĩ, giảng viên than khó, nhiều học sinh lại đánh giá "dễ ghi điểm", theo bà Nga, học sinh nhận xét đề này dễ thì cần xem xét liệu trong chương trình học các em có được học đúng với những kiến thức của đề hay các em được cung cấp bộ câu hỏi trắc nghiệm rồi ôn?
"Hệ thống câu hỏi trong đề thi khiến những người giảng chuyên về luật như chúng tôi không thể không đặt ra câu hỏi ngần ngại", bà Nga cho hay.
Nhìn vào đề thi giáo dục công dân, nhiều người cũng đặt ra vấn đề liệu có tình trạng học sinh được ôn tập, luyện đề nhưng không hiểu bài. Có thể các em đoán mò, làm được bài nhưng không hiểu về các vấn đề được đề cập, nghĩa là học mà không cần hiểu, chỉ để làm bài thi?
Nhiều năm qua, giáo dục công dân là môn có điểm thi cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Hải Long).
Nhiều năm qua, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, giáo dục công dân là môn thi luôn có điểm thi cao nhất với nhiều điểm 10 nhất. Năm 2022, có gần 555.000 thí sinh tham gia môn giáo dục công dân và có mức điểm trung bình là 8,03, cả nước có 2.836 thí sinh đạt điểm 10 môn này. Năm 2021, môn giáo dục công dân có điểm trung bình là 8,37, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 9,25. |
Theo Dân Trí