'Đề thi Toán vào lớp 10 khiến học sinh hùng hục tính toán'

Thầy Trần Mạnh Tùng nhận định đề thi xuất hiện một số câu hỏi lạ. Thầy Lại Tiến Minh cho rằng đề thi Toán giúp phân loại học sinh khá và giỏi.

Chiều 2/6, gần 86.000 học sinh Hà Nội vừa kết thúc ngày thi đầu tiên, với hai môn Ngữ văn và Toán. Trong đó, đề thi Toán được đánh giá có câu hỏi "lạ", khó.

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng đề Toán không hay, vẫn là cách hỏi cũ kỹ, "học sinh hùng hục lao vào tính toán". Không có câu hỏi có tính chất vận dụng đời sống, không kiểm tra được tính sáng tạo của học sinh.

"Đề đặt nặng tính an toàn, chưa phù hợp cách kiểm tra, đánh giá theo tiêu chí mới của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục", thầy Tùng nhận xét.

Một số câu khó "ăn điểm" hơn mọi năm

Cũng theo nam giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh, đề thi vào lớp 10 giữ nguyên cấu trúc như các năm trước, học sinh được ôn luyện nhiều. Độ khó của đề thi tương tự năm 2018. Các câu phân hóa bao gồm câu IV.3 và câu số V (1,5 điểm).

Đề thi Toán vào lớp 10 khiến học sinh hùng hục tính toán-1
Đề thi Toán vào lớp 10 ở Hà Nội chiều 2/6.

Đề thi xuất hiện nhiều câu "lạ" như hình học không gian (câu II.2). Câu hỏi này có thể khiến học sinh bỡ ngỡ vì quá trình ôn thi hay bị xem nhẹ. Ngoài ra, phần hình học của đề thi cũng khó "ăn điểm" hơn mọi năm.

Câu số V tìm giá trị max, min, biểu thức sẵn cũng gây khó khăn cho thí sinh hơn là biểu thức ẩn.

Nhìn chung, đề Toán vào lớp 10 tại Hà Nội khó, điểm thi sẽ không cao, tương tự như năm 2018. Học sinh trung bình đạt 6-7 điểm, học sinh khá có thể được từ 7-8 điểm, học sinh giỏi từ 8-9 điểm. Học sinh có kỹ năng Toán tốt, làm nhanh, học chắc có thể đạt 9-9,5 điểm. Điểm 10 sẽ rất ít.

Câu khó được chia nhỏ và tăng dần

Thầy Lại Tiến Minh - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho hay đề thi có cấu trúc ổn định so với các năm trước. Câu khó chiếm khoảng 1,5 điểm. Học sinh trung bình có thể đạt 5-6 điểm.

Về cấu trúc, các câu tương tự đề năm trước. Câu số 1 yêu cầu rút gọn biểu thức - có sự phân loại, gồm 3 phần và tăng dần độ khó. Học sinh trung bình có thể làm được 2 phần đầu. Phần cuối có sự phân loại, thí sinh dễ nhầm lẫn nếu không đọc kỹ đề.

Câu 2 có phần một giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình. Đây là câu không quá khó, đa phần thí sinh có thể làm được. Phần 2 là câu có phần "lạ" hơn so với đề các năm, tuy nhiên cũng không chiếm nhiều điểm.

Câu 3 gồm 2 phần, phần đầu là giải phương trình trùng phương. Phần 2 là sự tương giao của đường thẳng và parabol. Nhìn chung, câu này không mới lạ.

Câu 4 phần hình học có sự phân loại tốt khi 2 phần đều quen thuộc. Phần cuối khá hay và khó, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy hình tốt và được luyện tập nhiều. Câu 5 tìm giá trị nhỏ nhất của biếu thức, dành cho học sinh giỏi.

Các phần cuối chỉ chiếm 0,5 điểm trong từng câu giúp thí sinh không mất điểm nhiều

Theo Zing

 


Đề thi

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao