Sáng 23/10, tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra và QH thảo luận tại tổ.

Đề xuất bỏ danh hiệu NSND, NSƯT đối với nhạc sĩ, phát thanh viên-1
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Theo Điều 64 của dự thảo luật đối tượng được xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Như vậy so với quy định hiện hành, dự thảo luật trình Quốc hội khóa 15 đã bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đối với "nhạc sĩ", "phát thanh viên".

Theo dự thảo luật, danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" được xét tặng cho diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã được phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú" và đạt các tiêu chuẩn sau:

- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ;

- Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 15 năm trở lên;

- Sau khi được phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú", tiếp tục được tặng giải thưởng của các liên hoan, cuộc thi, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước.

Danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú" được xét tặng cho đối tượng nêu trên đạt các tiêu chuẩn sau:

- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật, có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ;

- Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 10 năm trở lên; được tặng giải thưởng của các liên hoan, cuộc thi, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước.

Danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" được xét và công bố 3 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2 tháng 9. Chính phủ quy định chi tiết việc xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú".

Đây cũng là nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội cần tập trung thảo luận.

Về việc bổ sung một hình thức khen thưởng riêng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" như dự thảo luật, theo cơ quan thẩm tra cần cân nhắc vì:

- Chưa bảo đảm nguyên tắc không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được, tính công bằng trong việc khen thưởng các lực lượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

- Công bằng với các hình thức khen thưởng huy chương khác và các lực lượng khác đã đóng góp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng chưa có hình thức khen thưởng tương tự.

Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, bao gồm cả tính khả thi khi thực hiện chính sách.

"Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội nhận thấy chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang vào dự án Luật trong lần sửa đổi này" - bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Tờ trình của Chính phủ cũng bổ sung tiêu chuẩn phong tặng và truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân nhân dân", danh hiệu "Anh hùng Lao động" đối với cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.

Bỏ quy định về thời gian 5 năm 1 lần xét tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" và danh hiệu "Anh hùng Lao động", để đảm bảo nguyên tắc khen thưởng kịp thời động viên tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo Người Lao Động