Ngày 16/4, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế đang hoàn thiện bản góp ý cho dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, trong đó có đề cập nội dung thực hiện chuyển đổi giới tính.

Theo ông Quang, hiện dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi do Quốc hội đưa ra lấy ý kiến người dân có 2 phương án. Thứ nhất không cho phép, không thừa nhận chuyển đối giới tính tại Việt Nam như lâu nay đang thực hiện. Thứ hai là trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể thực hiện việc chuyển đổi giới tính, được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

"Hiện Bộ Y tế chưa có văn bản chính thức về đề xuất công nhận chuyển giới, nhưng cá nhân tôi nghiêng về phương án cần thừa nhận cho người chuyển giới tại Việt Nam. Vì thực tế trong những năm qua, có cấm nhưng những người có nguyện vọng vẫn phẫu thuật chui để đạt mong muốn" - ông Quang nói.

Ông Quang cho biết theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. Nghĩa là hình dáng bên ngoài là nam nhưng trong suy nghĩ của họ lại là nữ và ngược lại.

Việt Nam không cho phép thực hiện việc chuyển đổi giới tính, nên đến nay có khoảng 500 -1.000 người đã ra ngước ngoài chuyển đổi giới tính và về sống ở Việt Nam. Việc này không chỉ gây tốn kém cho người có nhu cầu mà có thể nhiều người thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính “chui”, tại các cơ sở không được cấp phép nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa cả tính mạng.

Hơn nữa khi về Việt Nam, do pháp luật chưa công nhận phẫu thuật chuyển giới nên họ trở nên không được pháp luật thừa nhận. Các giấy tờ tùy thân từ chứng minh thư, hộ chiếu, ngân hàng không khớp với tình trạng cơ thể hiện có gây nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch nhân sự cũng như trong cuộc sống hàng ngày của những người đã thực hiện chuyển đổi giới tính.

Cô giáo Quỳnh Trâm, người chuyển giới từng được cấp chứng nhận xác định lại giới tính.
Cô giáo Quỳnh Trâm, người chuyển giới từng được cấp chứng nhận xác định lại giới tính.

“Các nhà khoa học cũng cho biết khi chuyển đổi giới tính, chấp nhận liệu trình sử dụng hoóc-mon hàng ngày, người chuyển giới đã phải tự tước đi 20 năm được sống của mình do ảnh hưởng của việc chyển đổi giới tính. Ngoài ra còn rất nhiều thiệt thòi khác tác động trực tiếp đến cá nhân người chuyển giới, thế nhưng họ vẫn chấp nhận, vẫn muốn được sống thực với giới tính mong muốn của mình.

Chính vì khao khát sống thực với giới tính của mình nên dù pháp luật không cho phép họ vẫn tìm cách chuyển đổi giới tính dù tiềm ẩn vô cùng rủi ro. Vì thế tôi cho rằng không thể né tránh, phải nhìn vào quyền lợi của họ, quyền được sống thật với giới tính của họ để pháp luật nên cân nhắc cho phép thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt” - ông Quang chia sẻ.

Tuy vậy, đại diện Bộ Y tế cho rằng nếu vấn đề này được thông qua cần có những quy định chặt chẽ, nhằm tránh hiện tượng chuyển giới tính do tâm lý đua đòi của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Ông Quang cũng cho biết thêm trước đó năm 2005, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất này nhưng chưa được Quốc hội thông qua. Hiện trên thế giới mới chỉ có hơn 20 quốc gia thừa nhận chuyển đổi giới tính, là số ít trong số 200 quốc gia vùng lãnh thổ. Riêng khu vực châu Á có 5 nước gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Nepal và Thái Lan thừa nhận việc chuyển đổi giới tính.

Trước đó, dư luận từng xôn xao về câu chuyện cô giáo chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm (30 tuổi, trú tại Bình Phước) - người chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam được công nhận. Tuy nhiên, sau đó, quyết định công nhận lại giới tính từ nam sang nữ của cô giáo Quỳnh Trâm đã bị thu hồi, hủy bỏ sau 4 năm được công nhận là giới tính nữ và tên mới là Phạm Lê Quỳnh Trâm.

Theo Người Lao Động