Trong phần tham luận của mình, ông Tùng đánh giá thực trạng sản phẩm dịch vụ giải trí đêm của Đà Nẵng có tiến triển, nhưng vẫn chưa hấp dẫn du khách, cần phải có nhiều đột phá cả về sản phẩm lẫn chính sách.
Theo ông Tùng, hoạt động vui chơi, giải trí, nghệ thuật, ẩm thực Đà Nẵng thời gian qua phát triển khá đa dạng và sôi động, được du khách ưa thích và đánh giá cao. Tiêu biểu như các chợ đêm ở các quận, các khu ẩm thực, các khu phố thời trang, biểu diễn nghệ thuật – âm nhạc thường xuyên (Nghệ thuật đường phố, tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, show biểu diễn Charming Việt), khu vui chơi giải trí (Bana Hills, Công viên châu Á - Asia Park, vũ trường – quán bar Sky36, Phương Đông…) và các hoạt động theo sự kiện (pháo hoa, Cocobay…).
Tuy nhiên, để du lịch Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và phát triển hơn nữa, ngoài những hoạt động sẵn có nhưng phân tán và còn giới hạn về loại hình thì Đà Nẵng rất cần khu phố đêm (phố đi bộ) thực sự có quy mô và xứng tầm với một đô thị lớn về du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du khách, có sự kết hợp của nhu cầu dân địa phương, tạo nên sự sầm uất và phong phú thực sự.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam- Vitours - người đề xuất mở Phố đèn đỏ tại Đà Nẵng. (Ảnh Th.Đ)
Một trong số các đề xuất đột phá về sản phẩm dịch vụ giải trí đêm phục vụ cho phát triển du lịch Đà Nẵng, ông Tùng nêu: "Đà Nẵng cần có ý tưởng và đề xuất đột phá với Quốc hội, Chính phủ về việc thí điểm triển khai loại hình "Phố đèn đỏ" có quản lý chặt chẽ. Bởi đây là nhu cầu không thể thiếu của người đi du lịch nhất là khách quốc tế.
Tuy vậy, cần lập quy hoạch và tạo cơ chế thực hiện "Phố đèn đỏ" tại 1 khu du lịch/resort khép kín (kiểu như casino tại Crown Plaza). Học tập cách làm của Singapore, tức đội ngũ phục vụ không phải là người Việt Nam, được cấp phép hành nghề, khám sức khỏe và đáng thuế tiêu dùng đặc biệt thật cao".
Đây không hẳn là đề xuất mới mẽ, song là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, chưa tiền lệ. Có lẽ vì vậy mà lãnh đạo ngành Du lịch và chính quyền Đà Nẵng có mặt tại buổi tọa đàm đã không có ý kiến gì về đề xuất rất nghiêm túc, bằng văn bản trong tham luận của ông Tùng.
PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ không đề cập trực tiếp đến đề xuất mở phố đèn đỏ tại Đà Nẵng, song ông Thiên lại rất đồng tình với các đề xuất có tính đột phá của ông Tùng.
Theo TS Trần Đình Thiên, phải xác định kinh tế ban đêm là "nền kinh tế" nên cần có quy hoạch, xây dựng thể chế, chính sách hoàn thiện. Chúng ta đã xây dựng, thiết kế TP cho ban ngày, hoạt động kinh tế ban ngày, nên nay đưa các sản phẩm dịch vụ về đêm sẽ khó tránh khỏi xung đột. Ví dụ làm phố đi bộ, chợ đêm ngay khu dân cư thì chắc chắn sẽ có kiện tụng.
"Vì vậy, thúc đẩy KT ban đêm là văn hóa nghệ thuật, là chỗ thu tiền, chỗ xây nên cả thành phố thông minh đẳng cấp. Thứ hai là lao động trí tuệ sáng tạo. Cách chơi đêm cũng khác, tiêu tiền không mặc cả. Cho nên tôi nói ban đêm dễ tập trung chi tiêu, hiệu quả gấp nhiều lần. "Bo" ban đêm khác ban ngày, massage ban ngày 100-200k, nhưng ban đêm sẵn lòng "bo" 500k trở lên...
Nói cho vui nhưng thực ra nó hàm ý về một cách tiếp cận phát triển đẳng cấp khác. TP ban đêm có chân dung khác ban ngày. Vì lâu nay ta nghĩ ban đêm gắn với tội phạm, mờ ám, nhưng ban đêm sáng đèn là ưu tú của con người bộc lộ thực sự đáng kể, phần tội phạm sẽ mờ ngay, chỗ nào sáng đèn là nó chạy ngay nên không sợ. Ban đêm đô thị trở nên thân thiện hơn..." Ông Thiên phân tích.
Dù chưa được ghi nhận, nhưng những đề xuất của các doanh nghiệp du lịch là rất tâm huyết, mạnh bạo, với mong muốn có nhiều chính sách đột phá, tạo ra sản phẩm mới, riêng có và thật sự thu hút du khách.
Ngoài ra, trong bài tham luận của mình, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc VITOURS có rất nhiều đề xuất cụ thể, khả thi về cách tạo ra sản phẩm dịch vụ ban đêm cho TP. Đà Nẵng. Tuy vậy, đề xuất mở "Phố đèn đỏ" của ông Tùng vẫn là tâm điểm, gây nhiều chú ý của dư luận.
Theo Lao Động