Bộ Tài chính đang đề xuất phương án, khi cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình làm từ thiện đã xảy ra sau đợt thiên tai ở các tỉnh miền Trung vừa qua.

Trong dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đã xây dựng quy định về cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Đề xuất mới cho phép cá nhân được vận động, tiếp nhận tiền ủng hộ lũ lụt-1
Ca sĩ Thủy Tiên trực tiếp vận động, tiếp nhận và đi cứu trợ bà con trong đợt mưa lũ ở các tỉnh miền Trung vừa qua

Theo cơ quan soạn thảo, hiện nay chưa quy định cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Việc cho phép cá nhân tham gia sẽ khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm giúp người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh sớm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; đảm bảo hoạt động cứu trợ được hiệu quả, thiết thực cũng như đảm bảo uy tín cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ.

Về quy định cho phép cá nhân vận động, tiếp nhận và phân phối các nguồn đóng góp, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án trong dự thảo Nghị định để lấy ý kiến.

Phương án 1: Về vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện, khi cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật).

Về phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân cần thông báo chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ về phạm vi, mức, thời gian hỗ trợ theo mẫu sẽ ban hành kèm theo Nghị định, để được phối hợp, hướng dẫn việc thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.

Về công khai nguồn đóng góp tự nguyện, ác khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.

Phương án 2: Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn. Các cá nhân phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan.

Bộ Tài chính đánh giá, việc cho phép cá nhân được vận động, cứu trợ sẽ có tác động tích cực về mặt xã hội, đó là nhanh chóng hỗ trợ nhằm giúp người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố sớm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt nên sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia từ thiện

Bộ Tài chính cho biết, quan điểm xây dựng Nghị định là công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân hỗ trợ khắc phục khó khăn, từ đó tạo dựng niềm tin, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân khi có thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Theo Người Lao Động