Những cái Tết tròng trành

Những ngày cuối năm, trên con đường đất ngoằn ngoèo dài gần 1km dưới chân cầu Long Biên, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thành (82 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thuỷ (80 tuổi).

Thấy chúng tôi đến, bà cười tươi, nói lớn: “Lâu lắm mới có khách đến chơi nhà, các cháu nhanh vào trong không lạnh”. Nói rồi, bà vội vàng đi lấy mấy tấm đệm để chúng tôi ngồi. Bà bảo, đây là mấy chiếc đệm bà mới được tặng và chỉ dùng khi có khách.

Ngồi trên “ngôi nhà không móng” đang lắc lư cùng dòng  sông Hồng, chúng tôi được nghe những câu chuyện vô cùng ấm áp mà nặng trĩu. Bà Thủy kể, đã 48 cái Tết ông bà được ở bên nhau.

Ngó nghiêng, chúng tôi chẳng thấy không khí Tết, ngoài cái hòm đựng quần áo, tài sản “đắt giá” nhất là xoong nấu ăn, bát đĩa và đồ dùng cá nhân. Bà nói chiều 29 sẽ mua nải chuối thắp hương gọi là ngày Tết có thành tâm cúng khấn tổ tiên, thổ địa.

Nói đến đây, bà Thủy lấy tay lau vội giọt nước mắt. Có lẽ, đã nhiều năm nay mới có người hỏi về cái Tết của ông bà. “Về chung sống với nhau đã gần 50 năm, thế nhưng chưa năm nào vợ chồng tôi được lên bờ đón Tết. Những năm trước, Tết cũng chỉ có cơm trắng với vài con cá. Bánh chưng, mứt, hoa quả... là những thứ quá xa xỉ. Chỉ vài năm gần đây, một số đoàn từ thiện xuống bãi giữa sông Hồng tặng quà thì chúng tôi mới có bánh chưng, kẹo, thịt... Chúng tôi cũng chỉ cần như vậy. Thế là quá hạnh phúc với những người nghèo”, bà Thủy nghẹn ngào.

Đêm giao thừa tròng trành của đôi vợ chồng già ở bãi sông Hồng-1
Hàng ngày bà Thủy đứng ở cửa nhà đợi ông Thành đi nhặt rác về.

Ký ức về những đêm 30 vẫn còn nguyên vẹn đối với bà Thủy. Đêm 30 Tết năm nào bà cũng chờ ông Thành về. “Ông ấy vì mải mê đi nhặt rác kiếm tiền nên nhiều năm cũng quên mất rằng đêm nay là giao thừa, cần phải về sớm với vợ”, bà Thủy kể.

Ông ấy hay bảo phải chịu khó đi ban đêm để nhặt được nhiều đồ mới đủ tiền về mua ít gạo, dầu mỡ... Tết cũng phải ăn no chứ. Mấy năm gần đây thương tôi phải ở nhà một mình nên ông cũng về sớm hơn. Đêm Giao thừa 2 vợ chồng ngồi nói chuyện với nhau, kể về những chuyện đã diễn ra trong một năm. Sang năm mới ông sẽ đi những con đường nào nhặt rác, liệu năm tới có kiếm được nhiều rác về để 'nuôi' tôi hay không. Cứ thế chúng tôi nói chuyện cho đến sáng”, bà Thủy nói.

Câu chuyện của bà Thủy bỗng dưng ngừng lại khi chúng tôi hỏi vì sao ông bà không về thăm quê trong những ngày Tết. Tay bà nắm chặt lấy tay tôi. Bà Thủy bảo, nhiều năm, gần Tết thấy người người lũ lượt về quê ăn Tết, thăm bạn bè, người thân mà ông bà thấy tủi. 

Bà cũng thèm một gia đình sum họp, đông vui nhưng ông bà sinh ra đã mồ côi cha mẹ, có về quê giờ cũng không còn nhiều họ hàng thân thích nên ông bà chấp nhận đón Tết nơi bãi giữa. Chỉ có 2 người thôi nhưng ông bà vẫn cảm thấy ấm áp, hạnh phúc.

Một đời lênh đênh

Có lẽ, tình yêu của ông bà cũng đã được nhắc đến nhiều và khiến không ít người phải ngưỡng mộ. Đã 48 năm chung sống với nhau trên một con thuyền lênh đênh sông nước, hai ông bà Thành – Thủy chưa bao giờ xảy ra cãi vã. Điều mà chúng tôi cảm nhận được ở hai con người tuy khắc khổ ấy chính là tình yêu thương mà họ dành cho nhau.

Trong cái rét căm căm của tiết trời Hà Nội, bà Thủy bảo: “Tôi nghe mọi người nói chuyện tình của chúng tôi là chuyện tình 'vợ nhặt' tôi và ông ấy chỉ biết cười.  Có những đêm đông giá lạnh, tôi chờ mãi mà không thấy ông ấy về. Hóa ra ông ấy cố chờ đoàn phát cháo từ thiện cho người nghèo phía bên kia chân cầu để mang về cho tôi ăn. Nhiều lần tôi nói nhưng ông ấy nhất định không chịu nghe, chỉ sợ vợ đói, vợ khổ chứ không bao giờ biết nghĩ đến bản thân mình”.

Đôi mắt của bà Thủy đã mờ, đôi bàn tay đã nhăn nheo vì nếp nhăn của thời gian cũng như vết chai sạn của sự vất vả. Thế nhưng trong suốt cuộc trò chuyện bà Thủy nói rằng bà và ông chưa bao giờ ca thán với nhau vì khổ, vì đói.

Chúng tôi già rồi, chẳng ăn uống được nhiều nữa đâu mà ca thán, chỉ là đi qua gần hết một đời người mà chúng tôi vẫn chưa hết lênh đênh. Đôi lúc, tôi nói với ông: 'đời thế hóa lại hay ông nhỉ?'. Hai vợ chồng tôi chưa khi nào nói hay hờn dỗi vì nghèo, bởi đời người sống với nhau cốt là ở tấm lòng”, bà Thủy giản dị nói.

Đêm giao thừa tròng trành của đôi vợ chồng già ở bãi sông Hồng-2
Hạnh phúc giản dị của ông bà là được mãi bên nhau. Ảnh: Hai Le Cao

Sống với nhau, nương tựa vào nhau qua những tháng ngày dài, ông Thành chia sẻ: “Chúng tôi chẳng có con cháu nên luôn dặn lòng nương tựa vào nhau mà sống. 48 năm qua, chúng tôi vẫn luôn sống với nhau vì tình nghĩa thủy chung, son sắt như vậy.

Giờ tuổi cũng đã cao nhưng vợ chồng chưa bao giờ cảm thấy chán nhau. Ngày trước bà nhà tôi vẫn thường xuyên đi làm, nhưng giờ tôi cho bà ấy 'nghỉ hưu' rồi, chỉ một mình tôi bươn chải thôi. Cứ đi làm về, thấy vợ chuẩn bị sẵn cơm nước, điếu thuốc lào, hai vợ chồng bên nhau vui vẻ là tôi mãn nguyện rồi. Cuộc đời còn gì sướng bằng”.

Đôi mắt ông bà ánh lên niềm hạnh phúc, vì giờ đây họ không còn cô đơn như trước. Có nhiều người khi đến chơi, thấy quý mến và gọi ông bà là bố mẹ. Họ dành cho ông bà một tình cảm đặc biệt.

Có lẽ, ông bà chưa từng dám nghĩ sẽ có một cái Tết được đầy đủ, sum họp bên con cháu nhưng họ tin rằng, Tết năm này qua năm khác họ vẫn ở bên nhau và bà vẫn sẽ chờ ông về để được cùng nhau đón giao thừa, chào đón một năm mới.
 

Theo Khám Phá