Lúc chúng tôi đến là gần 9h sáng. Mẹ chồng chị chỉ cho tôi nhìn sang bờ mương bên kia đường, nơi chị đang đi bộ một mình. Tôi chạy qua gọi chị về.

Chị ngồi tiếp chuyện chúng tôi với dáng vẻ thất thần đau khổ, những câu nói rời rạc cụt ngủn và ánh mắt vô hồn.

Cô hàng xóm tặng cuốn kinh Địa Tạng để chị đọc cầu bình an mỗi ngày.

Chị thở dài lắc đầu: “Cháu chán lắm cô ạ!...”. Tôi cầm bàn tay xanh xao của chị, đọc mấy trang kinh cho chị nghe rồi khuyến khích chị đọc thêm. Nhìn chị, tôi thấy xót xa. Chị đã uống thuốc ở nhà mấy tháng, đi bệnh viện điều trị nội trú mà sức khỏe vẫn sa sút thế này.

Đến thăm chị đồng nghiệp cũ, nhớ lại những ngày vật vã thoát trầm cảm-1
Ảnh minh họa: Nguyễn Loan

Trước đó, khi biết tin chị ốm, tôi tới chơi và ngầm đoán chị bị trầm cảm, khuyên chị mau chóng tới bệnh viện khám chữa. Tôi chia sẻ mình từng trải qua bệnh trầm cảm ra sao, vật vã mỗi ngày với cả đống thuốc men, hoảng sợ mọi thứ như thế nào.

Tôi bày cho chị kinh nghiệm của bản thân, động viên chị rèn thói quen tập trung tâm trí vào việc gì đó yêu thích như đọc sách, nghe đài, xem tivi vào một khung giờ nhất định, tập yêu quý bản thân…

Thỉnh thoảng, tôi tạt qua nhà chị trò chuyện nhưng thấy tình hình của chị không chút biến chuyển. Chị ngày càng sụt cân, xanh xao, võ vàng. Và rồi, chị không thể đi chợ, nấu cơm, chỉ tha thẩn đứng ngồi trong căn nhà đầy buồn bã.

Chồng chị ngạc nhiên làm sao chị còn trẻ mà đã bị bệnh đấy? Tôi giải thích với anh: “Bệnh tật có chừa ai đâu, già trẻ đều bị bệnh hết, anh cố gắng chăm sóc chị”.

Từng đi qua căn bệnh trầm cảm đau đớn và khổ sở này, tôi thật sự thương chị. Gia đình chị chỉ biết đưa chị đi bệnh viện chạy chữa, chứ ai có thời gian tìm hiểu sâu xa căn bệnh và đồng hành với chị.

Chồng chị mải mê đi làm, trăm thứ việc. Con lớn đi làm đến tối mịt mới về, con bé đi học. Đúng là chẳng trách được chồng con, chị cũng giống như tôi ngày nào, chỉ biết thẫn thờ nhìn ngày tháng dần trôi, chìm đắm trong mớ suy nghĩ rối như tơ vò.

Tôi động viên chị, giờ chính là lúc chị phải kiên cường chiến đấu với bệnh tật, từng bước một như tập quét nhà dọn dẹp thật sạch sẽ phòng ngủ, xắn tay lên vào bếp lúc đầu cắm cơm, nấu canh rồi cố gắng rang thịt, kho cá, làm nem.

Quyển kinh gần 300 trang, chị phấn đấu mỗi ngày đọc 10 trang, cố gắng đọc xong trong vòng một tháng. Nói dễ thế nhưng để làm được bền bỉ, với một người ốm đau là sự cố gắng phi thường.

Tôi ôm chị và nói: “Chị ơi, vượt qua bệnh tật khó lắm nhưng chị cứ nhìn em. Em từng ốm đau vật vã suốt nửa năm rồi kiên trì tập luyện cả năm trời, em đã khỏe mạnh bình thường. Chị cố gắng lên nhé!”.

Trở về nhà, tôi vội vã nấu cơm trưa, chờ các con đi học về. Những ngày tháng đau buồn vì bệnh tật lại ào ào trở về trong tôi như thác lũ.

Tôi nhìn thấy hình ảnh mình cách đây mấy năm, gương mặt thiểu não, dáng đi thất thểu, kiệt sức và đau đớn mỗi ngày. Mọi người xung quanh nhìn tôi với ánh mắt thương hại và xa lánh như sợ bị lây nhiễm…

Tôi biết, chị đồng nghiệp cũ sẽ khốn khổ ra sao với bệnh tật. Ước gì con gái lớn của chị tìm hiểu cặn kẽ về bệnh trầm cảm để giúp mẹ vượt qua bệnh tật, tìm lại niềm vui sống nhỏ bé mỗi ngày như: Nấu một bữa cơm ngon, xem trọn một bộ phim,…

Những việc đương nhiên bình thường nhất, với chị hiện giờ đều khó như vượt qua một ngọn núi sừng sững trước mắt.

Tôi từng bị trầm cảm, luôn xác định mình phải sống trọn vẹn ý nghĩa mỗi ngày. Để nuôi dưỡng niềm vui sống ấy, tôi phải rèn những bài tập tinh thần. Sáng nay, tôi tập đi tập lại một bài hát về Hà Nội, hát bên những đóa hoa và vui vẻ đăng Facebook.

Để yêu chính bản thân mình, để chữa lành nỗi đau, tôi tập cách sống hồn nhiên như một đứa trẻ luôn háo hức đón nhận vô vàn điều mới mẻ của cuộc sống.

Theo VietNamnet