Cận cảnh dệt lụa tơ tằm tại làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông.
Với khoảng 1.000 năm truyền thống dệt lụa, làng Vạn Phúc (thuộc phường Vạn Phúc – Hà Đông – Hà Nội) được biết đến với những sản phẩm lụa nổi tiếng trong và ngoài nước, đây còn là một “bảo vật” tiến vua nổi tiếng một thời.
Nghệ nhân Phạm Khắc Hà – người có hơn 30 năm kinh nghiệm dệt lụa tơ tằm, đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc cho biết, hiện làng Vạn Phúc có khoảng 1.000 nhân khẩu trực tiếp tham gia vào việc buôn bán và sản xuất lụa.
Dưới đây là quy trình sản xuất một sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống tại làng lụa Vạn Phúc, do nghệ nhân Phạm Khắc Hà giới thiệu:
Sau khi tằm nhả tơ, đóng kén, các nghệ nhân phải chọn những kén già có chất lượng để tiến hành bước đầu tiên: kéo kén (hay nói cách khác là kéo các sợi tơ từ kén con tằm đã đóng). Trước đây, công đoạn này được thực hiện bằng tay, tuy nhiên ngày nay đã được máy móc thực hiện.
Xong công đoạn kéo kén, các sợ tơ dài sẽ được chuốt thẳng và bước vào công đoạn thứ 2: Guồng tơ.
Đây là công đoạn phải làm thủ công để tránh bị rối tơ khi cho vào guồng.
Sau khi cho vào guồng, đầu sợi tơ được kéo ra các lõi nhỏ để tiến hành bước tiếp theo: Mắc cửi.
Các sợi tợ được bố trí xen kẽ nhau và đều tập trung về chiếc máy mắc cửi.
Tại máy mắc cửi luôn có một người túc trực để điều chỉnh và phát hiện ra các lỗi kỹ thuật nếu có.
Công đoạn tiếp theo là nối cửi. Đây là giai đoạn trung gian quan trọng nhất đòi hỏi người nối cửi vừa phải có kinh nghiệm, vừa phải khéo léo, tỉ mỉ
Những sợi tơ được nối với nhau tỉ mẫn. Chỉ cần một sai sót nhỏ ở công đoạn này, khi dệt sẽ hỏng cả tấm lụa.
Sau khi mắc cửi và nối cửi xong, hệ thống các sợi tơ sẽ đưa vào máy dệt. Tại đây, các nghệ nhân cũng phải túc trực 24/24 để phát hiện ra lỗi hoặc tiếp sợi tơ khi cần.
Nghệ nhân này đang căng mắt nhìn theo từng nhịp máy, bởi chỉ cần một lỗi nhỏ là cả tấm lụa sẻ không thể thành phẩm.
Đôi khi các nghệ nhân vẫn phát hiện ra lỗi khi dệt, hoặc khi ống sợi tơ hết thì ngay lập tức phải cho máy dừng để tiếp tơ.
Những tấm lụa thô vừa được dệt xong đã hiện rõ hoa văn trên đó. Theo các nghệ nhân, những hoa văn này được đồ họa sẵn trên máy theo mẫu hoặc theo đơn của khách và khi dệt sẽ ra luôn chứ không phải hoa văn thêu như một số mặt hàng nhái lụa Vạn Phúc.
Sau khoảng 2-3 ngày dệt, ống lụa dài được khoảng 45-50m sẽ được tháo dỡ và mang đi nhuộm
Để có màu tấm lụa đẹp, công đoạn nhuộm vô cùng quan trọng, nhất là khâu pha chế thuốc nhuộm theo tỷ lệ hợp lý của từng loại màu khác nhau.
Lụa nhuộm xong được đem đi giặt, sau đó sẽ được các nghệ nhân thực hiện công đoạn sấy lụa. Trước đây, điều kiện thời tiết thuận lợi, có nhiều không gian thì lụa được nhuộm xong mang ra phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Lụa sấy xong sẽ lên màu theo đúng như lúc nhộm, các cây lụa sau đó sẽ được trưng bày hoặc giao cho các đại lý chuyên về tơ lụa.
Để tránh tình trạng hàng nhái, lụa Vạn Phúc thường được in chìm tên thương hiệu "Van Phuc Silk" trên mép.
Cách chọn lụa Vạn Phúc chuẩn (theo Nghệ nhân Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc):
- Nhìn vào hoa văn: Lụa Vạn Phúc làm ra, hoa văn được tạo ra trong quá trình dệt, còn hàng nước ngoài đa số là hoa văn được in lên trên lụa.
- Lụa của Trung Quốc chỉ sử dụng được một mặt, còn lụa của Vạn Phúc sử dụng được cả hai mặt.
- Nét hoa văn ở Vạn Phúc mang đậm văn hóa của Việt Nam, nên khi mua chúng ta phải nhận biết được những hoa văn thể hiện văn hóa của đất nước. Không bao giờ Trung Quốc sử dụng hoa văn văn hóa của Việt Nam để in lên lụa Trung Quốc.
Theo Khám Phá