Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh người phụ nữ đi xe máy chở theo con nhỏ rồi vội vàng băng qua ngã tư. Xe máy cắt ngang qua giao lộ với tốc độ cao khiến ô tô không kịp tránh nên xảy ra va chạm. Cú tông mạnh đã làm tài xế xe máy và cháu nhỏ đi cùng ngã lăn nhiều vòng trên đường.
Trong tình huống này, lực lượng CSGT cho rằng, người điều khiển xe máy đã thiếu quan sát khi đi qua giao lộ.
“Việc đi xe tốc độ cao, thiếu quan sát sẽ khiến các phương tiện khác không tránh kịp. Thay vào đó, người lái xe cần chú ý giảm tốc độ và quan sát. Tuân thủ theo đèn tín hiệu giao thông hoặc biển báo trên đường”, vị CSGT cho biết.
Xe máy đã va chạm với ô tô sau khi băng qua ngã tư (Ảnh cắt từ cip)
Lực lượng CSGT cũng khuyến cáo, người điều khiển xe cần giảm tốc độ, quan sát phía trước, bên trái rồi đến bên phải. Với nút giao bị khuất tầm nhìn, người điều khiển có thể dừng lại để quan sát rồi đi qua.
Thêm vào đó, việc phán đoán tình huống cũng rất quan trọng, người điều khiển xe cần phán đoán hướng di chuyển của phương tiện khác để đảm bảo các trường hợp chuyển hướng di chuyển mà không sử dụng đèn xi nhan hoặc bật đèn muộn.
Cũng trong tình huống này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi rõ ràng có lỗi của người điều khiển xe máy. Nếu hậu quả nghiêm trọng thì người phụ nữ này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp vi phạm quy tắc tham gia giao thông nơi đường giao nhau sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tại Nghị định 100/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau, trừ các hành vi không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau.
Thực hiện hành vi vi phạm trên nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Trẻ em bị văng ra xa sau cú tông mạnh
“Cơ quan chức năng sẽ xem xét hậu quả của vụ tai nạn này. Nếu vụ tai nạn gây thiệt hại đến tính mạng của người khác hoặc thương tích 61% trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì người có lỗi gây ra vụ tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ luật hình sự”, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Ông Cường cho biết thêm, rõ ràng hành vi chở trẻ em trên các phương tiện giao thông đòi hỏi người lớn phải tuân thủ các quy tắc an toàn cao hơn mức thông thường để bảo vệ trẻ em.
Pháp luật của các quốc gia châu Âu có những hình thức xử lý rất nghiêm khắc, thường là mức phạt tiền rất cao hoặc phạt tù nếu như người tham gia giao thông không tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông chưa được chú trọng đúng mức, đặc biệt là chưa có quy định cụ thể về việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trên xe ô tô, xe gắn máy dẫn đến tình trạng nhiều người còn coi thường tính mạng, sức khỏe của bản thân mình và của trẻ em.
Với những người đi xe theo kiểu "tự sát" phải bị xử lý nghiêm khắc để răn đe.
Theo VietNamNet