Vocalist lên ngôi

Khả năng hát là yếu tố tiên quyết để theo đuổi nghề ca sĩ nhưng không phải ca sĩ nào cũng hát hay. Họ còn những yếu tố khác như trình diễn, phong cách, sáng tạo...

Vì vậy, khái niệm "vocalist" (ca sĩ chuyên giọng) ra đời với nghĩa hẹp chỉ nhóm ca sĩ phát triển giọng và kỹ năng hát lên mức cao nhất đồng thời xây dựng thương hiệu cá nhân từ yếu tố này. 

Ở Việt Nam, các vocalist tiêu biểu hiện tại có thể kể đến: Uyên Linh, Quốc Thiên, Trung Quân, Văn Mai Hương, Hòa Minzy, Lân Nhã, Vũ Cát Tường, Tăng Phúc, Phương Linh, Hà Nhi... 

Họ tựu trung ở điểm từng tham gia hoặc đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi hát thuần túy kiểu Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt Nam... 

Vài năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế, nhu cầu giải trí, đặc biệt là nghe nhạc "sống" tăng cao. Các sân khấu quy mô vừa và nhỏ ra đời hàng loạt nhằm đáp ứng nhu cầu này. Không cần bỏ ra số tiền lớn, khán giả vẫn có thể nghe ca sĩ hát live, tương tác với họ ở khoảng cách gần.

Đi hát, mua đất và sống ít áp lực, ai sướng hơn ca sĩ chuyên giọng?-1
Thời chưa nổi tiếng ở TPHCM, Tăng Phúc đã rất đắt show ở Đà Lạt.

Vì vậy, loại hình sân khấu này dần chiếm ưu thế so với các sân khấu lớn kiểu nhà hát, sân vận động, nhà thi đấu... 

Sự kết hợp giữa các sân khấu quy mô vừa, nhỏ và nhóm vocalist tạo ra hướng đi mới cho đôi bên. Các đêm nhạc chỉ dao động 200 - 1.000 khán giả, hạng vé phong phú từ 150 nghìn đồng - 2 triệu đồng nên không khó bán vé, nhờ vậy có thể tổ chức đều đặn hằng tuần, thậm chí vài show/tuần.

Với yêu cầu bắt buộc hát live và bỏ qua yếu tố biểu diễn, các vocalist trở thành lựa chọn hàng đầu. Vì vậy, đôi bên tạo nên sự kết hợp hoàn hảo. 

Theo nguồn tin riêng của VietNamNet, các vocalist có mức cát-sê trung bình 150-250 triệu đồng. Vài gương mặt lên đến 300 triệu còn những tên tuổi kém hơn cũng xấp xỉ 100 triệu đồng. 

Dù vậy, khi hát sân khấu nhỏ, họ chấp nhận chọn cách tính cát-sê khác, cụ thể là chia doanh thu thực tế, tỷ lệ 50:50 hoặc 60:40 tùy nơi. Ví dụ, đêm nhạc thu 200 triệu đồng thì ca sĩ chỉ được 100 triệu.

Đi hát, mua đất và sống ít áp lực, ai sướng hơn ca sĩ chuyên giọng?-2
Từng có giai đoạn đi sân khấu, phòng trà nào cũng nghe giọng Văn Mai Hương. 

Các vocalist chấp nhận hình thức này để duy trì lượng show hằng tháng ổn định và giữ mối quan hệ thân thiết với các ông bầu. 

Sướng nhưng không dễ

Phần đông khán giả tin rằng những ca sĩ hạng S, A "ăn sung mặc sướng" nhất với mức cát-sê cao ngất ngưởng nhưng thực tiễn không hoàn toàn như vậy.

Để có show diễn và giữ gìn vị trí, họ buộc phải duy trì việc phát hành sản phẩm mới ngay cả khi cạn kiệt sức sáng tạo và/hoặc kinh tế.

Mỗi sản phẩm tiêu tốn hàng tỷ đồng đều có thể trở thành cú giáng mạnh khiến vị trí họ lung lay nếu không đạt thành tích như mong đợi.

Nếu may mắn, nhóm ngôi sao này sẽ phải vận hành sự nghiệp như một vòng lặp bất tận giữa ra sản phẩm mới và chạy show kiếm tiền. Nếu không, họ hiển nhiên chịu áp lực khủng khiếp của việc sự nghiệp bắt đầu trên đà đi xuống. 

Trong showbiz, một số cái tên được bầu show xác nhận là ngôi sao hạng A, sau một sản phẩm siêu hit đã đẩy mức cát-sê lên đến 700 triệu đồng nhưng 2 năm kế tiếp gần như không có show.

Đi hát, mua đất và sống ít áp lực, ai sướng hơn ca sĩ chuyên giọng?-3
Uyên Linh ra album "Portrait" năm 2017, đến nay mới giới thiệu thêm 3 bài mới qua liveshow. 

Trái ngược những ngôi sao luôn chịu áp lực lớn, các vocalist sống dựa vào giọng hát hơn sản phẩm. 

Quốc Thiên, Vũ Cát Tường, Tăng Phúc, Hà Nhi... khá chăm chỉ làm sản phẩm mới. Nhưng nếu muốn, họ hoàn toàn có thể không ra sản phẩm suốt 7 năm như Uyên Linh, 9 năm như Phương Linh hay làm sản phẩm cover như Lân Nhã. 

Thay vì dành thu nhập làm sản phẩm mới, họ có xu hướng đầu tư các kênh tài chính phù hợp, như bất động sản. 

Vì vậy, ở chừng mực nào đó, nhóm ca sĩ này có kinh tế ổn định. Gần nhất, ca sĩ Uyên Linh, Quốc Thiên làm liveshow cá nhân chỉ tốn một phần tiền tiết kiệm, không mức tiêu sạch tiền hay phải vay thêm cũng như không lệ thuộc nhà tài trợ.

Điều này không là căn cứ đánh giá thái độ kính nghiệp của ca sĩ bởi không phải ai cũng có nhu cầu đào sâu, khai phá âm nhạc hay khát khao ghi dấu trong nghề.

Đi hát, mua đất và sống ít áp lực, ai sướng hơn ca sĩ chuyên giọng?-4
Sau nhiều năm hát và làm sản phẩm cover, Lân Nhã vừa ra mắt bài mới năm nay.

Mặt khác, nhóm vocalist thường không có fandom mạnh như các ngôi sao, sản phẩm khó lòng cạnh tranh về thành tích. Họ chỉ cần vài bài riêng mình để không rơi vào cảnh hát cover 100% tại các đêm nhạc. Vì đặc điểm này, họ có thể chọn một số hình thức MV đơn giản hoặc visualize dễ làm lại ít tốn kém.

Dù vậy, cần nhìn nhận những vocalist có cuộc sống thoải mái, ít áp lực là quả ngọt của quá trình nỗ lực xây dựng thương hiệu cá nhân.

Ca sĩ giỏi kỹ thuật thanh nhạc rất đông nhưng không nhiều người đủ năng lực, tư duy, bản sắc và nỗ lực để trở thành cái tên được ghi nhớ. Vì vậy, vocalist vừa phải rèn luyện khả năng hát đến mức cao nhất, vừa phải khẳng định được bản sắc, cá tính trước khán giả. 

Sự thăng hạng của vocalist là tín hiệu vui của nền nhạc Việt, phản ánh sự đa dạng của thị trường lẫn nhu cầu của khán giả.

Xa hơn, thực trạng này khẳng định tầm quan trọng mang tính tiên quyết, tối cao của yếu tố giọng hát đối với nghề ca sĩ.

Vocalist có quyền tự hào về giọng hát trời phú và thành quả tập luyện; cũng như tin rằng ở thời đại công nghệ lên ngôi, có hàng chục thủ thuật "phù phép" thực lực, họ vẫn có thể sống chỉ bằng giá trị nguyên bản nhất của nghề là giọng hát.

Theo Vietnamnet