Đứng về phương diện sinh - xã hội (có lẽ cũng là phương diện khoa học nhất), hạnh phúc được định nghĩa theo một cách khác: “ Hạnh phúc là một trạng thái tình cảm hay là một trạng thái tinh thần mà ở trong đó nó được đặc trưng bởi các sắc thái tình cảm dương tính từ mãn nguyện cho tới vui sướng tột độ”. Xem ra định nghĩa này có vẻ đúng và bao quát hơn cả. Miễn bạn hài lòng, tức là bạn hạnh phúc . Miễn bạn vui vẻ, tức là bạn đang hạnh phúc . Miễn là bạn vui sướng tột độ, nghĩa là bạn hạnh phúc.
Nhưng vô cùng ngạc nhiên và khó hiểu khi có những người không có gì vui vẫn cười (bệnh hưng cảm), không có gì buồn vẫn khóc (bệnh trầm cảm). Cái gì đang diễn ra trong con người họ vậy? Cái gì làm họ phản ứng quá mức?
Ảnh minh họa
Bí mật sinh học
Thực ra, cội nguồn của các phản ứng chính là sự tác động của hormon. Xét về khía cạnh hạnh phúc, có nhiều loại hormon liên quan đến trạng thái tình cảm này.
Hormon thứ nhất quan trọng tới hạnh phúc đó là serotonin. Hormon này được tìm ra năm 1948 bởi Maurice Rapport nhưng nó chính thức được phát hiện có liên quan tới não bộ vào năm 1953 bởi Page.
Serotonin có rất nhiều chức năng, tác động lên hệ thống tuần hoàn, nhịp tim, nhu động ruột, thành mạch, sự bài tiết của insulin, sự thèm ăn, giấc ngủ và sự chuyển hóa. Nó cũng là hormon ảnh hưởng tới các hành vi xã hội mà đặc biệt là ảnh hưởng tới sự vui buồn và các trạng thái khác nhau của tình cảm con người.
Người ta thấy rõ, serotonin có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới các hiện tượng vui buồn, chán ghét hay hạnh phúc. Thí nghiệm với những người thích chơi game, người ta nhận thấy những người bị giảm nồng độ serotonin nhân tạo sẽ từ chối các cuộc đua game mà bình thường họ vẫn rất thích. Người ta cũng nhận thấy những bệnh nhân trầm cảm thích tự tử thường có sự đột biến gen tổng hợp serotonin, khiến cho nồng độ serotonin luôn thấp. Nếu như tiêm hormon serotonin hoặc làm giảm sự thoái biến của serotonin thì con người đạt được tâm trạng rất tốt. Như vậy, rõ ràng, serotonin là một hormon làm cho người ta cảm thấy yêu đời và hạnh phúc.
Cùng với serotonin, dopamin cũng là một hormon tương tự. Dopamin là một trung gian dẫn truyền thần kinh của hệ thần kinh chịu trách nhiệm vận động, làm tăng nhịp tim, giúp con người có khả năng học và nhớ, tập trung, chú ý, điều hòa nồng độ hormon tiết sữa prolactin. Nó cũng là một hormon quan trọng điều khiển hành vi, nhận thức và tình cảm con người.
Nghiên cứu trên những đối tượng bị hưng cảm, cuồng dâm, người ta thấy các bệnh nhân này có sự tăng cao nồng độ dopamin. Ngược lại, đo đạc ở những bệnh nhân trầm cảm, lo âu và kém hòa nhập xã hội, nồng độ dopamin lại tụt xuống rất thấp. Điều này đã đủ chứng minh, dopamin là hormon liên quan đến xúc cảm hạnh phúc.
Những bằng chứng khoa học gần đây còn phát hiện ra endophin là hormon có thể tạo ra sự khoái cảm ban đầu, thang điểm đầu tiên của hạnh phúc. Nhờ có endophin mà người đó cảm thấy cuộc đời đầy màu hồng rực rỡ và không có gì đáng phải buồn.
Ngày nay, người ta còn phát hiện thêm oxytocin cũng là một chất giúp con người thấy hạnh phúc hơn. Oxytocin là hormon tiết ra từ tuyến yên vẫn được biết đến là hormon thúc đẻ vì tác dụng co bóp tử cung. Nhưng trên thực tế, người ta còn thấy hormon này có tác dụng kích thích con người cảm thấy muốn được yêu, thích gắn kết. Nó làm tăng thang điểm của sự hài lòng với cuộc sống và thấy yêu đời.
Hai thái cực
Tưởng như tìm ra được các hormon hạnh phúc thì y học có thể giải quyết triệt để vấn đề, tại sao con người lại hạnh phúc. Nhưng thực ra, sự việc vẫn còn nhiều điều chưa rõ xung quanh hai chữ hạnh phúc này. Tại sao cùng một sự việc, tác động với người này thì người đó được hạnh phúc nhưng tác động tới người khác thì đó là sự bất hạnh?
Trong xã hội hiện đại ngày nay luôn diễn ra hai thái cực. Với một người nghèo, của cải đối với họ là một giấc mơ, là ước vọng và là kích thích trực diện cho họ cảm thấy hạnh phúc. Nhưng vẫn là của cải, có những người sống trong nhung lụa lại cảm thấy đau khổ, giận hờn, oán ghét. Hạnh phúc với họ là một cái gì đó ở đâu rất xa. Họ chỉ muốn xé toang rào cản thực tại để tiếp nhận một cuộc sống dân dã nhưng thoải mái vui tươi. Trả lời cho câu hỏi tại sao này, không chỉ nằm trong vấn đề hormon mà còn nằm trong sắc thái xã hội loài người.
Ðáp số vĩnh cửu
Thực ra, vấn đề nằm ở thái độ cuộc sống của mỗi người, cách nhìn nhận đánh giá của mỗi người với sự việc. Thái độ cuộc sống khác nhau dẫn tới sự kích thích đáng kể trên não bộ khác nhau và giải phóng các hormon hạnh phúc khác nhau.
Phân tích trên hệ thống tín hiệu thông tin của não bộ, người ta thấy phản ứng tâm lý là ảnh hưởng của “bài toán kết quả” tạo ra. Bài toán này có liên quan chặt chẽ tới thái độ cuộc sống của mỗi cá nhân. Cấu trúc bài toán đó như sau: Trước khi hành động, mỗi người sẽ đề ra một mục tiêu cần đạt được. Để thực hiện một hành động, họ được cung cấp một lượng thông tin (làm công cụ thực hiện) nhất định. Sau đó, kết quả đạt được sẽ được não bộ của họ so sánh với mục tiêu ban đầu. Nếu bằng hoặc hơn so với mục tiêu thì họ rất hài lòng. Các hormon hạnh phúc tiết ra đầy đủ. Nhưng nếu kết quả đạt được lại thấp và cách xa so với mục tiêu, họ cực kỳ ức chế và cảm thấy thất vọng. Các hormon hạnh phúc biến đi đâu.
Như vậy, vấn đề mấu chốt của hạnh phúc đó là mục tiêu hay tiêu chuẩn bạn tự đặt ra trong cuộc sống cá nhân, là thái độ với cuộc sống. Nếu một khi bạn đặt mục tiêu đó vượt quá xa so với thực tại, vượt quá xa so với khả năng cá nhân hoặc đòi hỏi quá mức vào người khác, bạn sẽ dễ dàng bị thất bại, cảm thấy buồn chán và luôn rơi vào trong tình trạng bất hạnh. Nhưng nếu bạn đặt một mục tiêu thích hợp thì kết quả dễ dàng phù hợp hơn và hạnh phúc dễ đạt được.
Vì thế, trong cuộc sống, chúng ta nên có cái nhìn thực tế để đặt ra một mục tiêu vừa phải cho mình. Học cách bằng lòng với thực tại sẽ giúp não bộ tiết hormon hạnh phúc nhiều hơn. Đó là đáp số vĩnh cửu cho một bài toán muôn đời.
Theo SKĐS