'Diem bao' ve tuoi tho cua mot cuoc hon nhan

 

Thực tế, rất nhiều cuộc hôn nhân đã tan vỡ hằng ngày. Không có bất cứ lý do hay xu hướng nhất định để dẫn đến kết quả không vui này nhưng nhóm các luật sư chuyên xử những vụ ly hôn đã dựa vào kinh nghiệm của bản thân, đã nghiên cứu và đúc kết ra một số những yếu tố có thể dự báo được “tuổi thọ” của cuộc hôn nhân.

Nhìn vào album ảnh cưới

Nếu muốn biết liệu cuộc hôn nhân của bạn có bền lâu hay không, hãy nhìn vào album ảnh của người vợ/chồng bạn.

Các nhà tâm lý Mỹ đã tiến hành các nghiên cứu với album ảnh của tình nguyện viên và thấy rằng những ai có vẻ mặt nghiêm nghị trong ảnh dễ tan vỡ gia đình cao hơn 5 lần so với những người hay cười.

Lãnh đạo nhóm nghiên cứu, nhà tâm lý Matthew Hertenstein Depauw cho rằng nguyên nhân có thể do người hay cười có quan điểm sống tích cực hoặc họ dễ thu hút người bạn đời cũng có tinh thần vui vẻ hạnh phúc, qua đó khiến cuộc hôn nhân bền vững hơn.

Tuổi kết hôn

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở độ tuổi từ 27-34 là tuổi mà cả nam và nữ sở hữu ít hormones che giấu cảm xúc nhất. Có nghĩa là họ sống với nhau chân thành, thật hơn, đây chính là yếu tố để cuộc hôn nhân bền vững.

Quá trình nghiên cứu đã tiến hành trên những cặp đôi ở tuổi từ 22-26, 27-34 và 35-40 đưa ra kết luận, ở khung tuổi 22-26 và 35-40 đều có nguy cơ ly hôn cao. Nguyên do là ở độ tuổi 22-26, mức độ sống ảo do ảnh hưởng mạng xã hội khá cao nên họ chưa có đủ độ chín chắn, kinh nghiệm sống để giải quyết những vấn để xảy ra trong đời sống vợ chồng. Chưa kể kinh tế bấp bênh cũng dẫn đến nguy cơ ly hôn rất cao.

Còn với độ tuổi 34-40, tuy tài chính và kinh nghiệm sống đã khá ổn định nhưng họ hay kỳ vọng quá nhiều vào người kia dẫn đến sự thất vọng và những khúc mắc khác khó giải quyết do cái tôi của ai cũng cao.

Chính vì vậy, kết hôn ở độ tuổi từ 26-34 là an toàn nhất. Mặc dù nghiên cứu chỉ ra điều đó nhưng chúng ra đều hiểu rằng ở bất cứ tuổi nào thì hạnh phúc là do chính mình vun đắp, gầy dựng mà có được.

Thời gian ở bên nhau

Số liệu của Cục thống kê cho thấy, vợ chồng thường đệ đơn ly hôn vào khoảng năm thứ 7 của hôn nhân. Giải thích cho điều này, các chuyên gia nói: “Những cặp đôi sau thời gian dài chung sống sẽ dần mất đi sự hứng thú trong mối quan hệ vợ chồng. Khi đó, mỗi cá nhân sẽ có xu hướng độc lập hơn và xem trọng cái tôi cũng như sở thích cá nhân hơn là những hoạt động hai người trước đây”.

Thế nên, đừng khiến hôn nhân trở nên nhàm chán. Thay vào đó, bạn và chồng hãy cùng nhau nỗ lực mỗi ngày, mang đến nhiều niềm vui, điều mới mẻ cho nhau. Thời gian bên cạnh nhau chính là “trái ngọt” mà cả hai bạn sẽ nhận được cho những cố gắng xây dựng hạnh phúc bền vững dài lâu.

Khoảng cách tuổi tác

Đừng nghĩ rằng tình yêu không quan trọng tuổi tác, thật ra đây chính là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc của hai bạn đấy. Đặc biệt, kết quả chia tay thường đến với những cặp đôi mà vợ lớn tuổi hơn chồng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ lớn hơn người bạn đời của mình ít nhất 3 tuổi sẽ có trên 53% khả năng ly hôn so với những trường hợp có khoảng cách tuổi tác nhỏ hơn.

Nếu chênh lệch tuổi tác này xảy ra theo chiều hướng ngược lại, có nghĩa là người chồng lớn tuổi hơn vợ, hạnh phúc của cặp đôi này cũng không được đảm bảo bền vững. Luật sư Crosby cho biết: “Nếu có ý định kết hôn, các cặp đôi có khoảng cách tuổi tác chênh lệch quá lớn nên nghĩ về những sự khác biệt nhất định của cả hai và đời sống vợ chồng trong tương lai 10 đến 20 năm sau.

Điều này sẽ giúp cho các bạn có cái nhìn rõ nét hơn về hạnh phúc dài lâu cũng như có thể tìm ra cách khắc phục kịp thời tránh kết quả đáng tiếc xảy ra”.

Sự tương quan về trí tuệ, học vấn, đạo đức

Sống với nhau lâu cả hai sẽ phát hiện người bạn đời của mình có chiều sâu về tâm hồn và sự thông minh, trí tuệ trước những vấn đề của cuộc sống hay không. Yếu tố này quyết định không khí gia đình cũng như sự hòa hợp giữa hai người trước các vấn đề kiếm sống phải đối mặt hằng ngày. Nếu cả hai có trình độ học vấn và mức độ hiểu biết tương đương nhau thì sẽ dễ dàng cùng nhau vượt qua những khó khăn và quan trọng là hiểu, thông cảm để cùng nhau “chung lưng đấu cật”.

Thu nhập

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tài chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căng thẳng và xung đột trong các mối quan hệ. Thế nên, thu nhập của vợ chồng cũng ảnh hưởng không ít đến hạnh phúc gia đình. Đã qua rồi cái thời môn đăng hộ đối nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng sự chênh lệch mức lương và cả địa vị xã hội có thể khiến hôn nhân trở nên nặng nề hơn rất nhiều.

 

Theo Một Thế Giới