Ở Hollywood có một câu đùa thế này: Phim bom tấn thì dù dở đến mấy cũng không thể trở thành bom xịt, miễn sao được "cứu vớt" bởi thị phần Trung Quốc.

Quả vậy, với dân số hơn 1,3 tỉ cùng tiềm lực tài chính mạnh mẽ, Trung Quốc từ lâu đã trở thành “bãi đáp” an toàn cho các thương hiệu phim tại Mỹ.

Điều này cũng mang đến một hệ lụy khác, khi mà cổ phần của các công ty Trung Quốc đầu tư vào Hollywood ngày càng lớn, dẫn đến việc nền điện ảnh của xứ cờ Hoa cũng không ít lần phải “chiều lòng” vị thượng khách này.

Cụ thể nhất là trường hợp của Pacific Rim: Uprising, phần tiếp theo của tựa phim bom tấn Pacific Rim từng làm mưa làm gió vào năm 2013.

Thành công của tác phẩm đã khiến người hâm mộ rất kỳ vọng vào phần phim thứ hai. Song, cũng vì quá “tâng bốc” Trung Quốc, bộ phim đã nhận không ít cái lắc đầu, chặc lưỡi.

Bom tấn Hollywood thực ra toàn là... phim Trung Quốc

Những khán giả chăm đi xem phim tại rạp dạo gần đây sẽ dễ dàng nhận ra logo của một hãng phim nghe khá “lạ tai” mang tên Alibaba Pictures.

Đây là một xưởng phim Trung Quốc thuộc Alibaba Group của tỷ phú thương mại điện tử Jack Ma, nhưng lại “thầu” hầu hết các tựa phim lớn của Mỹ như Mission Impossible: Rogue Nation, Ninja Rùa: Thoát khỏi màn đêm, Star Trek: Beyond...

Xuyên suốt một thập kỷ trước, Trung Quốc đã trỗi dậy như một cường quốc số một trong việc tiêu thụ các sản phẩm trọng yếu như ô tô, điện thoại, xa xỉ phẩm,... và tất nhiên cả phim điện ảnh của Hollywood nữa

Fast and Furious và Transformers hiện đang là hai trong số những thương hiệu bom tấn đình đám nhất tại Hollywood. Và đoán xem, cả hai loạt phim này đều “ăn nên làm ra” nhờ thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, thương hiệu Transformers hơn 10 năm gắn liền với tên tuổi của đạo diễn Michael Bay luôn có ít nhất từ một đến "n" nhân vật có dính dáng đến đất nước này: Nhân vật dùng sản phẩm Trung Quốc, trụ sở đặt tại Mỹ nhưng ngôn ngữ trên bảng điều khiển là tiếng Trung,...

Còn ở trường hợp của “Quá nhanh quá nguy hiểm”, phần phim thứ 8 - The Fate of the Furious có doanh thu tuần công chiếu đầu tiên tại xứ tỷ dân là 192,1 triệu USD, tức gấp đôi doanh thu tuần công chiếu đầu tiên tại toàn Bắc Mỹ.

Thị trường Trung Quốc quả thật là miếng bánh quá ngon lành cho điện ảnh Mỹ.


Fast & Furious 8 là một trong số ít bom tấn vẫn "thắng đậm" mà không có diễn viên nào người Trung Quốc hay có cảnh quay thực hiện tại Trung Quốc.

Cũng mới đây, tựa phim Pacific Rim: Uprising khi ra mắt cũng khiến người xem băn khoăn, trước sự góp mặt của hàng loạt những yếu tố Trung Quốc xuất hiện trong một bộ phim lấy bối cảnh tại Mỹ.

Trước đó, phần một của phim lại được người hâm mộ đánh giá cao vì mang đậm màu sắc phim Nhật Bản, vốn là cái nôi của dòng phim người máy chiến đấu. Giờ đây, những phong cách rất riêng của tác phẩm cũng biến mất.

Phần tiếp theo của thương hiệu phim về người máy đụng độ quái vật khổng lồ còn mạnh dạn để nữ diễn viên Cảnh Điềm vào vai thứ chính.

Trước đó, nữ tài tử được mệnh danh “thuốc độc phòng vé” cũng từng góp mặt hai bom tấn khác như Kong: Skull Island, The Great Wall và đều bị chê tơi tả.

Một số lời đồn đoán cho hay mỹ nữ Bắc Kinh gần đây được tham gia vào nhiều bom tấn Hollywood hơn cả các đả nữ nổi tiếng như Lý Băng Băng, Chương Tử Di, Dương Tử Quỳnh... chỉ vì nàng là "bồ nhí" của một đại gia Trung Quốc, người sở hữu cổ phần lớn trong một xưởng sản xuất phim làm ăn với Hollywood.

Nàng vẫn cứ thế hiên ngang trong các tựa phim lớn, mặc cho bị không biết bao nhiêu tín đồ điện ảnh chê là "mặt đơ", vai diễn thừa thãi. Và đó là câu chuyện một nữ diễn viên Trung Quốc kém tài có thể trở thành ngôi sao điện ảnh Hollywood dễ dàng đến thế nào.

Nhưng đây có lẽ đã là công thức mới của Hollywood mất rồi: muốn chiều lòng "ông trùm" Trung Quốc người ta buộc phải tạo ra một vai thừa nhưng không ít đất diễn, và để một minh tinh nổi danh tại Trung Quốc trám vào chỗ ấy thì mới “ăn chắc mặc bền” được.

Đỉnh điểm là vào tháng 1 năm 2017, tập đoàn Huahua Media có trụ sở đặt tại Bắc Kinh đã mang đến cho hãng Paramount một “món hời”, khi quyết định đầu tư 1 tỉ USD vào những tựa phim sắp tới của hãng.

Đây là một động thái chứng minh rằng Trung Quốc sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài số một của Hollywood trong tương lai gần.

Hollywood chấp nhận bán linh hồn cho quỷ

Không cần phải là chuyên gia tài chính, bất kỳ ai cũng có thể đưa ra lời giải cho bài toán đơn giản sau: Càng nhiều dân cư, thì sẽ càng nhiều khán giả. Nên khi Hollywood muốn đầu tư vào một thị trường điện ảnh chắc chắn thu lời, còn cần tìm kiếm ở đâu cho xa xôi?

Sự bùng nổ doanh thu tại các phòng vé của xứ tỷ dân thể hiện rõ ràng từ khoảng năm 2010 đến 2015 với số tiền vé mà các tựa phim Hollywood thu được tại Trung Quốc tăng từ 1,51 triệu đến 6,8 triệu USD/ năm.

Số liệu này đã khiến các nhà phân tích thuộc những tập đoàn điện ảnh tin tưởng rằng 2017 sẽ là năm mà quốc gia này hoàn toàn chi phối nước Mỹ với tư cách là thị trường điện ảnh lớn nhất.


Hollywood rồi sẽ phải sống nhờ Trung Quốc?

Lại nói về Pacific Rim: Uprising, thì trong phim, kịch bản để vai của Cảnh Điềm làm chủ tịch một tập đoàn gia công người máy, với nhân công chủ yếu là người Mỹ.

Đây có lẽ là một chút mỉa mai mà cả đạo diễn Steven S. DeKnight cùng đội ngũ biên kịch đã “ngấm ngầm” đưa vào phim, để khắc họa cái thực tại độc đoán nơi kinh đô Điện ảnh thế giới phải chịu sự kiềm kẹp của một quốc gia duy nhất.

Đồng thời, trong ngày ra mắt của phim, các cụm rạp thuộc tập đoàn AMC tại Bắc Mỹ ngoài đưa ra những định dạng trình chiếu gồm Standard, Imax, Dolby,... thì còn có một định dạng riêng biệt - Phụ đề tiếng Quan Thoại.

Kể cả những tiểu bang đầy người Việt và người Nhật như San Jose cũng chưa một lần có phụ đề dành riêng cho cộng đồng đa sắc tộc, nhưng riêng người Trung Quốc thì có.

Kể từ năm 1994, khi chính phủ xứ Trung tuyên bố nới lỏng hạn chế các tựa phim ngoại nhập, các xưởng phim và nhà phát hành tại Hollywood đã thu về một nguồn lợi nhuận không kể xiết.

Thế nhưng, giống như nhà nghệ sĩ tài danh bán linh hồn mình cho con ác quỷ ngã tư đường (một truyền thuyết đô thị nổi tiếng tại Mỹ), mọi lợi ích đều đi kèm với thỏa thuận. Tại Bắc Kinh, mỗi năm chỉ có 10 phim Mỹ được phép trình chiếu, và dĩ nhiên, 10 phim này phải lọt vào mắt xanh của các nhà thầu xứ này.

Không dừng ở đó, Cục Điện ảnh tại xứ tỷ dân cũng thắt chặt nội dung các tựa phim trình chiếu ở đây, nhằm tránh những sản phẩm điện ảnh ít có giá trị ngợi ca đất nước của họ.

Đây cũng là lý do mà như đã đề cập, ba tựa phim lớn gồm Pacific Rim, Transformers: Age of ExtinctionFurious 7 được mở rộng của chào đón tại Trung Quốc và gặt hái doanh thu gấp nhiều lần khi so sánh với thị trường nội địa.

Một số tựa phim khác vốn thất bại tại thị trường nội địa, nhưng lại có thể “hòa vốn” hoặc thậm chí có lời khi đặt chân đến Trung Quốc.

Trường hợp cụ thể là bộ phim được chuyển thể từ tựa game cùng tên Warcraft, khi tác phẩm sở hữu doanh thu tệ hại là 46,7 triệu USD. Để có thể tạm xem là “hòa vốn”, phim phải đạt được con số 400 triệu USD toàn cầu.

Và đoán xem, chính thị trường Trung đã góp thêm cho bộ phim 221 triệu - tức gấp 5 lần tại thị trường Mỹ.

Cũng vậy, Brick Mansions - bộ phim cuối cùng của cố tài tử Paul Walker thu về chỉ có 20 triệu USD tại phòng vé Bắc Mỹ, nhưng khi chiếu tại Trung Quốc thì được hẳn hơn gần 30 triệu USD, giúp phim vừa đủ bù lỗ.

Như vậy, đây hoàn toàn là câu chuyện đánh đổi: Đánh đổi sự tự do, để đạt được thành quả tài chính. Và nếu ông già Noel có một danh sách gồm những trẻ ngoan và những trẻ hư, thì Trung Quốc cũng vậy.

Danh sách “trẻ hư” tại thị trường điện ảnh Hoa ngữ là những phim được cho rằng “không phù hợp với thuần phong mỹ tục” như Brokeback Mountain, Deadpool,...

Thậm chí, trong một trường hợp cá biệt, siêu phẩm Avatar của đạo diễn James Cameron cũng phải cuốn gói khỏi phòng vé Trung Quốc sau hai tuần công chiếu, với lý do...doanh thu quá “khủng” nên sẽ trở thành mối đe dọa với các tựa phim quốc dân của họ.


Đến siêu phẩm Avatar cũng bị "đá đít" dù có nhiều cảnh quay thực hiện tại Trung Quốc và mang về lợi nhuận khổng lồ sau này trong ngành du lịch cho đất nước tỷ dân.

Kết cục mối tình Trung Quốc và Hollywood sẽ ra sao?

Phi vụ đầu tư 1 tỉ USD của tập đoàn Huahua và Paramount cứ tưởng sẽ “xuôi chèo mát mái”, nhưng mới đây, nguồn tin hành lang đã tiết lộ rằng Huahua đã rút dần vốn, khi nhận thấy không phải tựa phim bom tấn nào cũng được chào đón tại Trung Quốc.

Mặc cho nhiều dự đoán rằng không sớm thì muộn Trung Quốc cũng sẽ “nuốt chửng” toàn bộ Hollywood, thực tế lại khó đoán hơn rất nhiều.

Vài năm trở lại đây, doanh thu của các bộ phim Hollywood đã không còn mấy khả quan, thậm chí thương hiệu đình đám Star Wars khi trình chiếu phần mới nhất tại đất nước này cũng chịu cảnh thất thu.

Để giải thích cho vấn đề này, trang tin kinh tế Forbes đã nhận xét ngắn gọn: “Qua thời gian, gu điện ảnh của khán giả Trung Quốc cũng đã thay đổi nhiều”.

Nhắc đến “mối tình ngọt đắng” giữa Hollywood và Trung Quốc, còn phải nhắc đến “đại gia” Vương Kiện Lâm.

Là một trong những người giàu nhất Trung Hoa, Chủ tịch họ Vương của tập đoàn Vạn Đạt cùng hệ thống rạp AMC cũng rất có thế lực tại Hollywood.

Vương Kiện Lâm từng chi 2,6 tỉ USD cho cụm rạp AMC, cũng như 3,5 tỉ USD cho hãng phim Legendary Entertainment - nhà xưởng đứng đằng sau hai bom tấn GodzillaPacific Rim.

Legendary cũng là “dây mơ rễ má” khẳng định quyền lực của ông Vương tại Hollywood. Song trong 12 tháng trở lại đây, Vương Kiện Lâm cùng các đồng nghiệp cũng đã chuẩn bị đường để “rút lui” khỏi Hollywood vì cùng lý do như Huahua Media.

Nhiều chuyên gia cho rằng có lẽ mối duyên giữa hai cường quốc ở bộ môn nghệ thuật thứ bảy đã sắp hết, nhưng các nhà làm phim tại Hollywood trong vài năm sắp tới có lẽ vẫn sẽ tin vào điều ngược lại.

Bằng chứng rõ ràng nhất là các biểu tượng, các nhân vật Trung Quốc vẫn xuất hiện trong phim Mỹ, và khi phim Mỹ được chiếu tại Trung Quốc vẫn thu lời.

Kết quả cụ thể hơn cho cái phương trình nhập nhằng này, có lẽ thời gian sẽ là người trả lời tốt nhất.

Theo Thời đại