Hiện tượng nổi lên đã lâu với cái tên “dì viu phim” không còn mấy xa lạ trong thời gian 1 năm trở lại đây.
Chỉ riêng tại Việt Nam, dù chưa thống kê (bởi toàn “dì viu” phim nước ngoài) nhưng các cơ quan chức năng, báo chí, truyền thông, người hâm mộ và các fan page chính thống từng nhiều lần cảnh báo vi phạm bản quyền từ các kênh hoặc các video dạng tiết lộ nội dung phim tương tự như vậy.
VTV cũng từng có một chuyên đề cuối tuần dành riêng cho các “thánh” review, đồng thời kêu gọi người dùng internet hãy văn minh trong cách tiếp nhận một sản phẩm có đầu tư về cả chất xám, nội dung và tiền của.
Hẳn chúng ta không còn mấy xa lạ với những lời mào đầu như “Xin chào! Tôi là ông Bất phim”, “Chào mừng các bạn đến với A-Phim”, “Xin chào, tôi là anh Tà Tưa”… Tuy nhiên, chẳng có ai hay biết ông Bất là ông nào, anh Tà Tưa là anh chi?
Còn ở Trung Quốc, theo trang Sina đưa tin, tại quốc gia này trào lưu tóm tắt phim đang ngày càng trở nên phổ biến - thậm chí còn được coi như một cách xem phim mới. Phổ biến nhất là các đoạn tiêu đề như "5 phút xem hết Lưu Lạc Địa Cầu" hay "3 phút để hiểu hết nội dung Sơn Hải Tình".
Nổi đình nổi đám có lẽ phải kể đến cái tên Cốc A Mạc - một kênh chuyên cho ra những video review phim đã bị không chỉ nhà sản xuất trong nước mà cả Disney lôi ra đòi "xử trảm".
Gần đây nhất vào năm 2019, đại diện Youku đã kiện 1 kênh review phim vì tiết lộ hầu hết nội dung series truyền hình Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa, yêu cầu kênh này bồi thường 30.000 NDT.
Nói qua một chút về review, những video phim thời lượng ngắn như vậy không thể xem là review được, nên gọi chúng là recap (tường thuật lại nội dung phim) sẽ chính xác hơn. Bởi các clip này thực chất cũng đã trở thành "content" từ lâu tại nhiều quốc gia trên thế giới, dù Trung Quốc hay đế chế điện anh Hollywood đều tồn tại kiểu video như vậy.
Tuy nhiên, khác với ở Việt Nam hay Trung Quốc, các video recap tại đất Mỹ có đầu tư hơn về mặt nội dung lẫn hình ảnh clip, quan trọng nhất là có tiêu đề "spoil" để cảnh báo khán giả rằng video có tiết lộ toàn bộ nội dung phim, từ đó hình thành ý thức tiếp cận cho các đối tượng người xem.
Đơn giản nếu ai chưa xem thì có thể tạm dừng video để đi xem phim ở rạp, sau đó quay lại nghe review. Còn nếu "cố đấm ăn xôi" thì cần xem kỹ lời cảnh báo đã in nổi trong tiêu đề của clip - đừng trách kênh sản xuất.
Phim Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa bị tiết lộ toàn bộ nội dung phim. Ảnh: Sina
Quay trở lại với Trung Quốc, nơi các sản phẩm điện ảnh trực tiếp bị các kênh “rì viu” như vậy đe dọa, gặm nhấm ngày này qua tháng khác. Theo ước tính của Cục Điện ảnh nước này, hiện tại sau 2 năm bị các kênh review “chiếm đất”, thiệt hại của riêng ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã lên tới 41 triệu USD – tương đương với 945 tỷ đồng.
Cục bản quyền quốc gia Trung Quốc cũng công bố con số 10 triệu tác phẩm đã bị cắt ghép mà chưa được phép, trong đó có 3 triệu video ngắn đã bị xóa từ 2019 đến tháng 10/2020.
Hầu hết các kênh đều sử dụng định dạng video ngắn từ 10 phút đội lốt review, nhưng thực chất là tiết lộ toàn bộ nội dung phim. Với nhiều người, họ cho rằng bản thân quá bận rộn nên việc nghe “rì viu” sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian hơn mà vẫn thưởng thức được trọn vẹn nội dung của sản phẩm. Hay cũng có người cho rằng, phim ảnh bây giờ tràn lan, ngại xem, ngại nghe nên họ muốn tiếp cận với những video tóm tắt như vậy hơn là theo dõi.
Hiện tại có hơn 873 triệu dân Trung Quốc (tức gần 60% dân số) thường xuyên theo dõi các video ngắn có tiết lộ nội dung dưới hình thức này. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu phim, thậm chí nhiều phim chưa ra rạp đã có video ngắn tổng hợp.
Thông qua công bố của Cục Điện ảnh và Cục Bản quyền, các đơn vị sản xuất phim yêu cầu các kênh recap phải tôn trọng bản quyền của tác phẩm, không tiết lộ nội dung. Bên cạnh đó, họ cũng hi vọng khán giả, người tiếp cận sẽ không ủng hộ các nội dung thứ cấp, học cách hành xử văn minh với phim theo cách chính thống.
Duy Anh
Theo Vietnamnet