Chấn chỉnh “thầy ra thầy – trò ra trò”
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, ông Giang Tuấn Anh, cho biết, UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo và giao trách nhiệm cho UBND huyện Sơn Dương phối hợp Sở GD&ĐT và cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú.
“Quan điểm của huyện là chỉ đạo xử lý kiên quyết, chặt chẽ các vi phạm, khuyết điểm của học sinh, giáo viên, lãnh đạo nhà trường và những người có liên quan (nếu có) đảm bảo khách quan, nghiêm khắc. Khi có kết quả sẽ thông tin chính thức với báo chí”, ông nói.
Theo quyết định của UBND huyện Sơn Dương, ông Nguyễn Duy Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú, bị tạm đình chỉ chức vụ và công tác 15 ngày (kể từ ngày 7 - 21/12). Việc đình chỉ chức vụ nhằm phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc liên quan điều hành, quản lý giáo viên, học sinh trong nhà trường. Trong thời gian đình chỉ chức vụ hiệu trưởng, UBND huyện giao Phó hiệu trưởng điều hành trường học.
Cô giáo Phan Thị H giữ những đồ vật học sinh ném vào mình.
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cho biết, đơn vị đã yêu cầu Công đoàn giáo dục tỉnh Tuyên Quang phối hợp các đơn vị xử lý vụ việc ở Trường THCS Văn Phú theo hướng kiên quyết xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục. Trong trường hợp cụ thể này, giáo viên trường THCS trực thuộc Liên đoàn Lao động cấp huyện quản lý trực tiếp nên Công đoàn trường sẽ có báo cáo.
“Cái khó hiện nay là Công đoàn Giáo dục Việt Nam không quản lý trực tiếp nên đã can thiệp và chỉ đạo thông qua Công đoàn giáo dục của tỉnh và hiện cơ sở ở huyện vào cuộc”, ông Ân nói.
Ngành cũng có văn bản gửi Công đoàn Giáo dục tất cả các tỉnh, thành phố có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo, người lao động. Trong đó, quán triệt, thực hiện nghiêm túc phương châm “Thầy ra thầy - Trò ra trò” trong các nhà trường.
Đồng thời chỉ đạo công đoàn các trường học rà soát thông tin, nắm bắt các vấn đề nảy sinh, kịp thời can thiệp, giải tỏa, chấn chỉnh để không xảy ra các hiện tượng vi phạm qui định đạo đức nhà giáo, các hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật, đặc biệt là các vấn đề về công tác quản lý, quản trị trường học. Ngoài ra, hỗ trợ giáo viên có năng lực nghề nghiệp vững vàng; có kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống sư phạm.
Cô trò đều đáng thương
Cô Phan Thị H hiện là giáo viên dạy bộ môn Trải nghiệm hướng nghiệp và Âm nhạc tại Trường THCS Văn Phú. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc, liên thông lên ĐH, cô được biên chế vào dạy tại trường học này đã hơn 10 năm. Trước đó, trả lời báo chí, cô cho biết, sự việc cô bị học sinh có hành động khiêu khích, lời lẽ xúc phạm lan truyền lên mạng không phải lần đầu. Những lần trước đó, cô đã báo cáo với nhà trường nhưng không được giải quyết.
Cô Phạm Thị Ngọc Huệ, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội), nói rằng, rất buồn và thương cô giáo đồng nghiệp, cả học sinh trong vụ việc. Cô giáo bơ vơ, đơn độc, đáng thương giữa nhóm học sinh hùa vào khiêu khích, lăng mạ đã là một nhẽ.
Chính các học sinh ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đó cũng không chắc rằng mình đã hành xử sai và phải sửa chữa như thế nào. Nhưng khi video, hình ảnh tràn lan trên mạng, nhiều người buông lời chửi mắng cả học sinh lẫn cô giáo. Tại sao nhà trường lại để sự việc đi quá xa, không có cách chặn từ khi manh nha, chuyển hóa tình huống từ đầu?
Đối với giáo viên đã bị xúc phạm, cơ quan quản lý sẽ làm sáng tỏ ai sai, ai đúng và lấy lại danh dự cho cô. Tuy nhiên, nếu không quan tâm, chữa lành cho học sinh, sự việc sẽ là vết nhơ đeo bám cuộc đời của học sinh.
“Các em ở lứa tuổi hồn nhiên, nhiều em trong số đó a dua không nhận thức được vấn đề, do đó cần có người dạy cho các em đã sai ở đâu, sửa thế nào. Các em cũng cần được giáo dục kỹ càng hơn về đạo lý, tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, bắt đầu từ thầy cô giáo, người thân trong gia đình”, cô Huệ nói.
Theo cô Huệ, sự nhanh nhạy, thấu hiểu và bảo vệ giáo viên, học sinh của người quản lý ở trường học rất quan trọng. Ở ngôi trường của cô, hai học sinh đánh nhau, lập tức nhà trường sẽ gặp gỡ, phân định đúng sai và yêu cầu hòa giải. Trong lớp cô chủ nhiệm cũng từng có học sinh bức bối xông lên đòi đánh bạn. Khi đó, cô đã phải cầm tay kéo học sinh ra khỏi lớp để em hạ cơn nóng giận, mọi chuyện được phân tích phải trái.
“Tôi không đồng tình cách phớt lờ mâu thuẫn để sự việc kéo dài, tăng tính nghiêm trọng. Trong khi, giáo dục đạo đức học sinh, ngoài gia đình thì vai trò của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cũng rất lớn”, cô Huệ nói.
Theo Tiền Phong